VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
Kỳ 36
Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 09/06/2006
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, xin chào mọi người. Tiếp theo có 24 câu hỏi, chúng ta giải đáp theo thứ tự. Đầu tiên là câu hỏi của đồng tu trên mạng, có mười một câu hỏi.
Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, người hỏi nói mẹ con đã xuất gia, đồng thời thọ giới cụ túc, nhưng trước khi xuất gia chỉ làm một giấy chứng nhận ly hôn giả, đồng thời tìm vợ cho cha con để cử hành hôn lễ, đến nay cuộc hôn nhân hữu danh vô thực này vẫn còn tồn tại. Xin hỏi làm như vậy có tội lỗi gì không? Làm thế nào để bù đắp?
Đáp: Học Phật không nhất định phải xuất gia. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ từng thảo luận qua vấn đề này với tôi, ông nói vào thời xưa xuất gia tu hành, đích thực là xuất gia thuận tiện hơn tại gia, bởi vì thực sự có thể buông xuống, thoát khỏi thế tục, vào chùa trong núi sâu tu hành. Lúc đó xã hội thường nói “không có chuyện gì thì không đến điện tam bảo”, ở trong chùa rất ít khi có người tới đó, một tháng có thể có mười mấy người khách đã là nhiều lắm rồi. Rất ít người đi lên núi, giao thông không thuận tiện, đều phải đi bộ. Chùa chiền thường cách thành thị mấy chục dặm, từ chân núi leo lên trên núi, có khi núi cao phải đi hai ba ngày, đi bộ lên núi. Cho nên ai rảnh đâu mà làm chuyện này? Cho nên trong chùa rất thanh tịnh, sống ở nơi đó thực sự là không nhiễm chút bụi trần, thành tựu đương nhiên rất thù thắng. Cho nên người xuất gia khai ngộ, đắc thiền định, niệm Phật vãng sanh nhiều. Có một số cư sĩ trong nhà tương đối khá giả, không có gánh nặng kinh tế gia đình, họ sắp xếp gia đình ổn thỏa, mỗi năm họ cũng sẽ lên núi ở vài tháng, ở nửa năm, họ ở đó tu hành, chuyện này là có.
Cho nên, tu hành thành tựu đích thực nhiều nhất là chúng xuất gia nam, thứ hai là chúng xuất gia nữ, thứ ba là chúng tại gia nam, chúng tại gia nữ thành tựu rất ít, đây là xã hội trước đây. Hiện tại cả xã hội đảo lộn, phải biết điều này. Tình hình thành tựu trong cửa Phật của xã hội hiện nay, chúng tại gia nữ tu hành thành tựu nhiều nhất, bạn xem tướng lành vãng sanh, tại gia nhiều, thứ hai là chúng tại gia nam, thứ ba là chúng xuất gia nữ, tệ nhất là chúng xuất gia nam. Hiện tại toàn bộ đảo ngược rồi, đây là sự thật. Hoàng lão cư sĩ nói lời này không phải là tùy tiện nói, đây là sự thật vô cùng chính xác, chúng ta phải biết điều này. Trong môi trường xã hội này, nếu bạn thực sự muốn tu hành thành tựu, bạn xuất gia thì hỏng rồi, xuất gia, mẹ của người hỏi là nữ chúng, vốn là đứng đầu, hiện tại đảo ngược lại, đứng hàng thứ ba, vậy thì sai rồi.
Bạn nói thọ giới, thật ra mà nói, hiện tại thọ giới là giả, không phải là thật. Lời này được đại sư Ngẫu Ích nói đầu tiên vào những năm đầu thời Thanh cuối thời Minh, trước tác của đại sư Ngẫu Ích rất nhiều, rất phong phú. Có một quyển là Luật Học Giảng Lục Tam Thập Tam Chủng, Luật Học Giảng Lục Tam Thập Tam Chủng do đại sư Hoằng Nhất viết, Đại sư Hoằng Nhất là người cận đại, trong sách của ngài có trích dẫn lời của đại sư Ngẫu Ích, Đại sư Ngẫu Ích cũng là người nghiên cứu giới luật rất có thành tựu, ngài là tổ sư đời thứ chín của Tịnh độ tông chúng ta. Ngài nói với chúng ta, Trung Quốc kể từ thời Nam Tống trở về sau đã không còn tỳ-kheo chân chánh nữa. Giới xuất gia ít nhất cần năm vị tỳ-kheo truyền giới thì bạn mới có thể đắc giới, từ thời Nam Tống trở về sau Trung Quốc không có tỳ-kheo nữa, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, ít nhất 800 năm rồi. Hiện nay chúng ta thọ giới, truyền giới là một loại nghi thức, bạn không đắc được, vậy nếu đắc được thì nguy rồi! Phải biết điều này.
Cho nên hiện tại thọ giới là hữu danh vô thực, chúng ta tự mình thọ giới, nhất định không được nói tôi là tỳ-kheo, vậy thì có lỗi lầm, bạn thực sự đắc tỳ-kheo giới thì bạn mới là tỳ-kheo. Cho nên đại sư Ngẫu Ích làm ra tấm gương đầu tiên cho chúng ta, sau khi ngài thọ giới, ở trước mặt Phật Bồ-tát thoái giới, bởi vì ngài ấy hiểu rõ, cho nên thoái giới. Cả đời ngài ấy chấp trì giới sa-di, cho nên chúng tôi nhìn thấy trong một số tác phẩm của ngài là Sa-di giới Bồ-tát, ngài ấy không dám xưng là tỳ-kheo. Bởi vì giới Bồ-tát, giới sa-di chính là không có ai truyền, không có pháp sư truyền, bản thân ở trước mặt Phật Bồ-tát có thể phát thệ thọ giới, tâm của bạn chân thành có thể đắc giới, không cần tỳ-kheo truyền giới. Dùng phương pháp gì để cầu giới? Trong Đại tạng kinh có một bộ kinh gọi là kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo, bạn học pháp môn này, bạn cầu giới ở trước mặt Phật Bồ-tát. Sau đó gieo quẻ, nó có phương pháp gieo quẻ, Phật Bồ-tát đồng ý bạn thì sẽ ban cho bạn tướng lành rất đẹp, điều này phải rất thành tâm mới có thể cầu được cảm ứng. Đây là vào thời mạt pháp, chỉ có phương pháp này có thể đắc giới.