23Thứ Ba, 28/01/2025, 11:47

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 31

Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 07/04/2006

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, hôm nay có 38 câu hỏi. Chúng ta giải đáp theo thứ tự. Phần đầu là câu hỏi của đồng tu trong nước.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, lão pháp sư trong buổi giảng thường nói, xã hội hiện đại chú trọng bản quyền, quyền tác giả đã làm hạn chế việc lưu hành thiện pháp, nhưng đối với người hiện đại mà nói thì lại cho rằng đó là biểu hiện của việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, xin pháp sư khai thị.

Đáp: Chúng ta đương nhiên phải tôn trọng đối với ý nguyện của mỗi cá nhân, đặc biệt là tài sản, đương nhiên phải tôn trọng. Nhưng Trung Quốc từ xưa đến nay có hai loại người được đa số mọi người trong thiên hạ tôn trọng, yêu mến, hai loại người này, một là thầy dạy học, hai là bác sĩ. Hai loại người này là cứu đời, không có quyền tài sản, cho nên trước tác của họ là hoan nghênh sao chép. Người sao chép càng nhiều thì càng tôn trọng họ; bạn không tôn trọng họ, không thích xem tác phẩm của họ thì tôi sao chép của bạn làm gì, tôi tốn nhiều tiền như vậy. Bỏ tiền ra sao chép của bạn, vậy thì đương nhiên tác phẩm của bạn có giá trị, tác phẩm của bạn đích thực có lợi ích đối với xã hội thì người ta mới bằng lòng lưu hành tác phẩm của bạn. Hiện tại hạn chế như vậy, có bản quyền, có quyền tác giả hạn chế thì những thứ này không thể phổ biến lợi ích chúng sanh được.

Đặc biệt hiện nay cả xã hội động loạn, nếu như có phương pháp hay có thể cứu vãn thế giới, hiện nay chúng ta khắp nơi trên thế giới nghe được làm thế nào hóa giải xung đột, làm thế nào có thể thúc đẩy an định hòa bình. Người trên toàn thế giới làm, thực sự có một số người có cách nhưng bị quyền tác giả hạn chế mất, không còn cách nào, đi vào ngõ cụt. Chính sách này thật ra mà nói là bóp chết tâm nguyện của rất nhiều người từ bi cứu đời, cho nên điều này không phải là tôn trọng họ, nói không dễ nghe là nhục mạ họ. Ngay cả người xưa đều bị chướng ngại, ngay cả Đại tạng kinh cũng có bản quyền thì còn ra thể thống gì! Bản quyền này là của Thích-ca Mâu-ni Phật, Thích-ca Mâu-ni Phật đưa cho bạn bản quyền khi nào? Họ sắp chữ, văn tự không có quyền tác giả, nhưng sắp chữ là họ làm, họ đòi quyền này, bạn không thể in của họ, vậy thì phải làm sao? Chúng ta chỉ đành sắp chữ lại, sắp chữ lại không giống với sắp chữ của họ, vậy thì không phải là bản quyền của họ, bạn xem gây ra nhiều phiền phức biết bao.

Bản quyền, quyền tác giả là ai làm ra? UNESCO làm ra. Lúc tôi tham gia hội nghị quốc tế, người phát ngôn rất nhiều, tôi trưng cầu ý kiến của họ, có một số người nói rất hay, trong đại hội đều có ghi hình, quay video, tôi nói thứ này của bạn có thể phát sóng trên kênh truyền hình của chúng tôi, bản thân chúng tôi có đài truyền hình vệ tinh. Tôi nói vậy có bản quyền không? Vẫn phải ký giấy ủy quyền. Như vậy tôi mới biết được, họ nói với tôi bản quyền này là do UNESCO làm ra. Làm ra cái này, có ý tưởng như vậy, đặt ra pháp luật này, trong nhân quả Phật pháp mà nói, người này đời đời kiếp kiếp ngu si, tại sao vậy? Họ chướng ngại trí tuệ của người khác, quả báo của họ trong tương lai là đời đời kiếp kiếp ngu si, tới lúc nào họ mới có thể thoát ra được? Pháp luật này bị phế bỏ, không còn nữa thì họ mới thoát ra được, rất phiền phức! Không biết rằng động não để ký những văn tự này rất dễ dàng, nhưng quả báo sau đó không thể tưởng tượng được. Chúng ta phải biết điều này.

Cho nên người đọc sách trước đây của Trung Quốc đều đang lợi ích thiên hạ, tất cả mọi trước tác tuyệt đối không có bản quyền, tuyệt đối không có quyền tác giả. Đời này của tôi, tôi thích đọc sách, bạn xem thử những sách tôi đọc, người khác mang sách tới, đầu tiên tôi sẽ xem trang bản quyền, nếu như viết “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”, sách này tôi không đọc. Cho nên có rất nhiều người hỏi tôi, tại sao thầy không đọc? Tâm lượng nhỏ như vậy, họ có thể viết ra được điều gì hay đây? Không có tâm yêu thương, họ là thương nhân, họ không phải là người đọc sách, họ coi tác phẩm của mình thành hàng hóa để mua bán, khắt khe như vậy thì họ có thể viết ra được điều gì hay? Cho nên không cần lãng phí thời gian của tôi, cũng không cần lãng phí tinh thần của tôi.

Bạn xem sách xưa của Trung Quốc chúng ta, sách xưa, sách khâu chỉ trước đây phía sau đều là “hoan nghênh sao chép, công đức vô lượng”, không có nhắc tới bản quyền, không có hai chữ “bản quyền” này, chính là hoan nghênh sao chép, công đức vô lượng, đây là văn hóa truyền thống Trung Quốc 5.000 năm. Hiện tại những thứ của Trung Quốc không cách nào lưu hành trên toàn thế giới, hạn chế này rất lớn, đây là gì? Chúng sanh không có phước, yêu ma quỷ quái làm ra những chướng ngại này. Sau khi chúng ta hiểu được, tức là những thứ của bản thân chúng ta phải biết được không có bản quyền. Nhưng không có bản quyền hiện tại lại có một phiền phức, người khác đều có bản quyền, nếu bạn không có bản quyền, vậy họ sẽ mang những thứ của bạn đi đăng ký là bản quyền của họ, chuyện này thì phiền phức lớn rồi! Cho nên hiện tại có lúc chúng tôi in phía sau là “sở hữu bản quyền, hoan nghênh sao chép”, dùng phương pháp này, chúng tôi có bản quyền, chúng tôi hoan nghênh sao chép, chúng tôi không nghiêm cấm sao chép, “hoan nghênh sao chép, công đức vô lượng”, có thể dùng cách này.