12Chủ Nhật, 15/12/2024, 09:31

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 30

Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 31/03/2006

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, xin chào mọi người. Hôm này là thời gian chúng ta giải đáp câu hỏi. Trước tiên có mười câu hỏi của đồng tu học viện online. Hiện tại trên mạng của chúng tôi có gần 5000 bạn học, học tập cũng đều rất nghiêm túc, vô cùng khó được.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, đệ tử đọc quyển sách Huấn Tục Di Quy, phát hiện có nội dung phê bình Phật giáo. Người hỏi có hai câu hỏi, thứ nhất xin hỏi liệu có thể trích lại phần nội dung phù hợp với người hiện đại để lưu hành hay không?

Đáp: Ngũ Chủng Di Quy, là tổng đốc Lưỡng Quảng thời Càn Long nhà Thanh, tức là tiên sinh Trần Hoằng Mưu – tổng đốc quản hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông biên soạn ra, biên soạn rất hay. Lần này tôi làm lại toàn bộ bản in để lưu hành, hoàn toàn dựa theo nguyên văn, đều không có chỉnh sửa. Chỗ phê bình Phật giáo, chúng ta phải xem, sau khi xem xong phải phản tỉnh tại sao người ta phê bình chúng ta? Gọi là “có lỗi thì sửa đổi, không có thì gắng hơn”. Không thể nói người ta phê bình thì chúng ta phải cắt nó đi, đây là sai lầm; nói cách khác, chúng ta phải chịu được khảo nghiệm, cũng phải có thể tiếp nhận được sự phê bình của người khác. Còn như chỗ hiểu lầm, chúng ta giải thích cũng không được, giải thích là thế nào? Cố cãi cho bằng được! Chúng ta phải dùng hành động, phải dùng hành vi làm ra, đó chính là trả lời họ. Đây chính là chân chánh dùng sự thật, dùng lý phục người, không dùng ngôn từ.

Cửa Phật, Phật giáo truyền tới Trung Quốc đã 2.000 năm rồi, thời gian dài như vậy, tệ nạn là điều không thể tránh khỏi. Người khác phê bình đều là phê bình chỗ có sai lầm. Còn có rất nhiều (đây đều là sự thật), rất nhiều người chưa thâm nhập Phật giáo, chưa nghiêm túc lý giải, chỉ là nhìn thấy hành trì của một số tín đồ Phật giáo, phê bình ở điểm này là nhiều nhất. Nếu thực sự lý giải thì họ liền khác. Hàn Dũ thời nhà Đường, lúc còn trẻ phê bình Phật giáo hết sức gay gắt, đến hiện nay trong cổ văn vẫn còn có văn chương của ông. Nhưng đến khi về già, ông quy y hòa thượng Đại Điên, không ngờ cũng học Phật, đó là ông hiểu rõ rồi, làm rõ rồi. Người như vậy qua các triều đại có rất nhiều, như đại sư Ngẫu Ích, đây là tổ sư đời thứ chín của Tịnh độ tông, trước khi học Phật cũng phê bình Phật pháp, phê bình gay gắt. Sau này hiểu được rồi, đã đốt hết tất cả những thứ trước đây của ngài để sám hối, còn xuất gia. Không những xuất gia, mà còn làm tổ sư. Đại sư Ấn Quang thời cận đại, các bạn xem trong truyện ký của ngài, trước khi ngài học Phật cũng là phê bình, đọc sách Khổng tử, dùng tâm thái nhà Nho để bài xích Phật giáo, cũng có phê bình gay gắt. Tới sau này hiểu rõ, hiểu thấu triệt rồi, ngài cũng xuất gia, cũng trở thành một vị đại đức thời cận đại. Tình hình như vậy rất nhiều. Ngũ Chủng Di Quy mà ông Trần Hoằng Mưu biên soạn, trong đó không phải là ông viết, ông thu thập, thu thập rất nhiều những loại điển tịch có liên quan đến luân lý đạo đức. Đặc biệt là những quy tắc phải nên tuân thủ trong xử thế làm người làm việc, đây là đúng đắn.

Chúng ta thường nói, nếu như Phật giáo là tôn giáo thì tôi sẽ không tiến vào cánh cửa này. Lúc tôi còn trẻ cũng rất bài xích Phật giáo, do không hiểu, bởi vì nhìn thấy hình tượng của Phật giáo đích thực là mê tín. Lúc tôi còn trẻ nhìn thấy Phật giáo, tôi cảm thấy còn không bằng Kitô giáo, Thiên Chúa giáo, tại sao vậy? Vào chủ nhật người ta còn giảng đạo trong nhà thờ, có lúc chúng tôi cũng đi nghe thử, nghe xong thì thấy cũng khá có đạo lý, Phật giáo không có. Phật giáo chỉ có kinh sám Phật sự, siêu độ, đều làm những chuyện này. Nơi chúng tôi ở là thành phố nhỏ, trước giờ chưa từng có pháp sư giảng kinh, chúng tôi chỉ biết hòa thượng tụng kinh, chưa từng nghe nói hòa thượng giảng kinh. Kinh họ tụng thì chúng tôi cũng nghe không hiểu. Cho nên không thể khơi dậy hứng thú đối với Phật giáo. Tình huống như vậy trong xã hội này làm sao mà không khiến người ta hiểu lầm cho được? Lúc tôi còn trẻ chính là hiểu lầm, cho nên đây là điều khó mà tránh khỏi.

Muốn người khác không hiểu lầm, chính là tứ chúng đệ tử chúng ta phải toàn tâm toàn lực hoằng dương, hoằng dương như thế nào? Phải làm ra được, không nói điều khác, trước tiên bạn có thể làm được thập thiện, làm được tam quy, làm được ngũ giới, tôi tin rằng xã hội đại chúng không có người nào không tôn trọng bạn. Bạn có thể làm được, họ không làm được. Không nói những điều khác, chúng ta nói khẩu nghiệp, bạn thực sự có thể làm được không nói dối, họ nói dối, vậy thì họ không thể không khâm phục bạn; bạn không nói ly gián, không nói chuyện tốt xấu của người khác, họ là tùy tiện nói chuyện tốt xấu của người khác; nói chuyện thô lỗ, nói lời thô ác; lời ngon tiếng ngọt lừa gạt người khác. Xã hội đại chúng hiện nay phổ biến đều là như vậy, bạn có thể làm ngược lại với mọi người, họ sao lại không tôn trọng bạn cho được? Cho nên bạn thực sự làm được lời dạy của Phật, mới là đệ tử Phật. Bằng không mà nói, chỉ là mang danh Phật, lời nói hành vi của chính mình hoàn toàn trái ngược với lời Phật dạy, vậy người khác đương nhiên mắng bạn, mắng bạn và ngay cả Phật cũng mắng luôn. Cho nên, sau khi chúng ta nghe được những lời phê bình này, chúng ta phải sâu sắc phản tỉnh không nên đi chất vấn đối phương, bản thân nghiêm túc phản tỉnh, phải nghiêm túc hết lòng học tập.