VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
Kỳ 29
Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 24/03/2006
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Quý vị pháp sư, quy vị đồng tu, xin chào mọi người, hôm nay là vấn đáp học Phật lần thứ 29 của chúng ta. Đầu tiên có đồng tu của học viện online nêu ra 20 câu hỏi.
Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, ngày tháng của người lớn tuổi thực ra còn lại chẳng bao nhiêu, nên nắm chắc thời gian dùng để hưởng thanh phước mới đúng, tại sao phải dùng để niệm Phật?
Đáp: Vậy chúng ta phải hỏi thế nào mới gọi là thanh phước? Người đưa ra câu hỏi có thể không có ở đây, đây là câu hỏi trên mạng. Bạn nên hiểu được thế nào gọi là thanh phước, hai chữ này là cách nói thế nào. Chúng ta nhìn thấy lúc đại chúng trong xã hội này làm việc, hiện tại công việc đều rất căng thẳng, họ không có thời gian để nghĩ tới điều khác. Sau khi nghỉ hưu, công việc không còn nữa, vậy thì hưởng thanh phước không phải là rất tốt sao? Nhưng mà sau khi về hưu, chúng ta nhìn thấy hai hiện tượng, một loại là tạp niệm quá nhiều, cả ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, nghĩ tới chính mình về hưu rồi, vô dụng rồi, cảm thấy rất bi thương; còn một loại khác chính là hôn trầm, trái lại vọng niệm không có gì nhưng tinh thần không vực dậy được, có hai hiện tượng này. Hai hiện tượng này khiến con người rất dễ già yếu. Tôi có rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè trước đây sau khi về hưu, hai năm không gặp mặt, gặp lại nhau giống như cách biệt 20 năm vậy, thoáng chốc đã già yếu, khiến chúng tôi rất khó nhận ra, đây chính là câu mà người xưa nói: “lo âu sẽ khiến con người già đi”. Thanh phước tuổi già phải rất vui vẻ mới đúng, gọi là “con cháu đầy nhà, con hiền cháu thảo”, như vậy mới có thanh phước mà hưởng, thực sự có người có thể hưởng được chút phước, nhưng con người hiện nay tôi nhìn thấy rất ít có phước báo như vậy.
Lại nói người không có phước báo sau khi về hưu, niệm Phật ngược lại là thực sự hưởng thanh phước, ở niệm Phật đường, tại sao vậy? Tinh thần có nơi gửi gắm, mục tiêu của đời người chuyển sang thế giới Cực Lạc. Thanh phước này là thanh phước hàng đầu trong tất cả mọi thanh phước, thanh phước vô thượng. Có thể buông xuống vạn duyên nhất tâm niệm Phật, không những họ không dễ già yếu, chắc chắn tâm tình của họ vui vẻ, tinh thần sung mãn, hoàn toàn không giống với người không niệm Phật, cho nên niệm Phật, nghe kinh là thanh phước tốt nhất của tuổi già. Nếu như có thể có một số đồng tu ở cùng nhau cộng tu thì càng tốt, tại sao vậy? Một người tu hành thường dễ giải đãi. Có mấy người ở cùng nhau tu hành, đôi bên khích lệ lẫn nhau, có lúc tới thảo luận Phật pháp, trao đổi tâm đắc học tập, như vậy thường sẽ đề khởi hứng thú học Phật, đôi bên đều có thể tiến bộ, cho nên đại chúng ở cùng nhau học tập có lợi ích của nó. Một người trừ phi thực sự là hiếu học, dũng mãnh tinh tấn không giải đãi, vậy thì được. Người bình thường nhất định phải dựa chúng nương chúng, tức là chúng ta phải dựa vào mọi người, phải nương vào mọi người, mọi người ở cùng nhau học tập. Người xưa xây đạo tràng, xây niệm Phật đường dụng ý là ở chỗ này.
Hỏi: Câu hỏi thứ hai, một khi tuổi tác lớn thì thân thể càng ngày càng vô dụng, mang theo thân thể chịu tội như vậy còn có thể học Phật sao? Nếu như có thể thì phương pháp nào là thích hợp nhất?
Đáp: Nếu như có nền tảng tương đối, có nhận thức tương đối đối với Phật học thì niệm Phật là được, chuyên tâm niệm Phật. Đại khái hơn 20 năm trước, khi tôi giảng kinh ở miền nam Đài Loan, ở Bình Đông gặp được một lão cư sĩ, hình như lúc đó ông 84 tuổi, thân thể rất khỏe mạnh, trước đây cũng từng làm quan, địa vị cũng tương đối cao, về hưu rồi, một ngày niệm 30 ngàn tiếng Phật hiệu. Ông nói với tôi, ông từng tham thiền cũng từng học mật, ông nghĩ thử đều không được, đều không dùng sức được, sau cùng vẫn là niệm Phật tốt, ông nói với tôi mỗi ngày ông niệm 30 ngàn tiếng Phật hiệu. Tôi nói cách niệm của ông thế nào? Ông đi bộ, đi bộ là vận động, sống ở dưới quê, trên cánh đồng lúa ở quê, ông đi một bước niệm một tiếng Phật hiệu, 30 ngàn tiếng Phật hiệu thì ông đi được 30 ngàn bước, cho nên 84 tuổi thân thể rất khỏe mạnh.
Phương pháp tu học của ông cụ này rất đáng để người trẻ tuổi học tập, tại sao vậy? Tâm phải thanh tịnh, dưỡng tâm phải tĩnh, dưỡng thân phải động. Thân thể là một bộ máy, nếu như không động thì nó sẽ gỉ sét, nó sẽ hư hỏng, cho nên nhất định phải động. Chúng ta thường nói “hoạt động”, sống thì phải động, không động thì không sống được, đây là đạo lý tất nhiên. Bạn xem văn tự này của Trung Quốc rất có ý nghĩa, bạn động thì bạn sẽ sống; bạn không động thì bạn không sống được nữa, hoạt động. Mỗi ngày, người già không có việc gì làm, kinh hành là tốt nhất, vận động tốt nhất cho người già là đi bộ. Cho nên một ngày ông có thời gian dài như vậy để đi bộ, tốt, vô cùng tốt, mỗi bước niệm một tiếng Phật hiệu. Đếm số, dùng chuỗi hạt đếm số, thông thường chuỗi hạt của chúng ta một chuỗi là 108, mười chuỗi là 1080, dùng chuỗi hạt đếm số. Đếm số để phòng ngừa giải đãi, ngăn ngừa lười biếng, nó có lợi ích này, niệm Phật đếm số.