330Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

 KỲ 106

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 26/12/2008

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông


Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, mời ngồi! Hôm nay có 70 câu hỏi, có thể thời gian của chúng ta không đủ, trả lời đến đâu tính đến đó. Trước tiên là câu hỏi của đồng tu trên mạng.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, có một đạo tràng cá nhân ở tỉnh Liêu Ninh ngày ngày chủ yếu niệm Phật, mục đích là tổ chức pháp hội tiêu nghiệp, tổ chức 2 ngày thu 1.000 đồng, tiền ít thì không làm. Xin hỏi dùng hình thức như vậy niệm Phật có đúng như pháp không?

Đáp: Chuyện này tôi cũng rất khó nói, bởi vì tôi không rõ [tình hình] Phật pháp trong nước; nếu như theo kinh giáo lý luận của Phật pháp mà nói thì không đúng như pháp. Cửa Phật cúng dường đều tùy ý, không nhất định yêu cầu người khác phải đưa bao nhiêu, chuyện này tôi rất ít khi nghe thấy. Năm đó Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, cả đời ngài không nhận cúng dường tiền tài. Cho nên trong kinh giáo, trong giới luật, cúng dường chỉ hạn chế ở tứ sự, đó là đồ ăn thức uống, bởi vì thời đó ngài ra ngoài ôm bình bát đi khất thực, cúng dường một bát đồ ăn, tiếp theo là tọa cụ, quần áo, quần áo rất ít, quần áo rách rồi, không thể mặc được nữa, tiếp nhận đệ tử tại gia cúng dường một bộ quần áo, tiếp theo là khi bị bệnh thì tiếp nhận cúng dường thuốc men, chưa từng nghe nói cần nhiều tiền như vậy để tổ chức pháp hội tiêu nghiệp gì đó. Nghiệp có thể tiêu không? Chúng ta biết được, nghiệp chướng không thể tiêu trừ bằng tiền, tốn bao nhiêu tiền đi chăng nữa, bố thí thất bảo của cả đại thiên thế giới cũng không thể nào tiêu trừ nghiệp của bạn. Nghiệp phải dùng điều gì để tiêu trừ? Phải dùng giới, định, tuệ; phải công phu tu trì mới có thể tiêu. Cũng chính là nói, trong lúc giảng kinh chúng tôi thường nói, đáng tiếc mọi người chưa nghe, hoặc nghe chưa hiểu, nghiệp từ đâu mà có? Nghiệp là từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà có, nếu như bạn hoàn toàn buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì nghiệp liền tiêu trừ. Bạn nghĩ mà xem, tôi bố thí một ngàn đồng, tôi bố thí một vạn đồng, tôi bố thí một triệu đồng, phân biệt chấp trước của bạn đã bố thí đi hay chưa? Nếu như không còn phân biệt chấp trước thì nghiệp liền tiêu trừ; vẫn còn phân biệt chấp trước, còn tự tư tự lợi, còn tham sân si mạn, vậy thì nghiệp của bạn chưa tiêu trừ. Điều này rất rõ ràng, rất sáng tỏ.

Hỏi: Cách làm như vậy liệu có thật sự tiêu nghiệp?

Đáp: Thật sự có thể tiêu nghiệp nếu bạn đưa một ngàn đồng cho họ, sau hai ngày pháp hội, tham sân si mạn, tự tư tự lợi của bạn hoàn toàn không còn nữa, vậy thì nghiệp thật sự tiêu trừ. Nếu như vẫn còn tự tư tự lợi, còn tham sân si mạn, còn danh văn lợi dưỡng, nghiệp của bạn không tiêu trừ được chút nào hết.

Hỏi: Nếu như không thể tiêu nghiệp, có phải là sẽ tạo nghiệp?

Đáp: Không thể tiêu nghiệp đương nhiên là tạo nghiệp.

Hỏi: Ai phải chịu nhân quả này?

Đáp: Bạn phải hỏi chính mình, người không tham gia không chịu nhân quả, người tham gia có thể sẽ đều có trách nhiệm nhân quả.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai, có một vị cư sĩ mỗi ngày ở nhà tịnh tu pháp môn niệm Phật, gần đây tuyên bố với mọi người, bà ấy có thể trực tiếp liên hệ và nói chuyện với pháp sư Tịnh Không, khuyên mọi người niệm Phật theo sự chỉ dạy của bà, không cần tụng kinh, cũng không cần đến đạo tràng niệm Phật. Đồng thời nói rằng 5 điều niệm Phật mới nhất mà lão pháp sư tự mình truyền thụ, trong đó [có một điều] gọi là linh hồn niệm Phật, vãng sanh tập thể, tức là chỉ cần viết tên ở trong nhà bà ấy, linh hồn đều có thể theo bà ấy niệm Phật, tập thể vãng sanh Tịnh độ. Không ít đồng tu bắt đầu ưa thích vị cư sĩ này, xin lão pháp sư từ bi khai thị.

Đáp: Chuyện này tôi không hề biết. Bà ấy liên hệ tôi, tôi không liên hệ bà ấy. Chuyện này nhất định không thể tin, đây thuần túy là mê tín. Đạo tràng của chúng tôi ngày ngày nghiên cứu học tập Hoa Nghiêm, căn cứ theo kinh điển của đức Phật, dựa vào chú giải của hai vị đại đức Thanh Lương và Lý Trưởng Giả làm tài liệu tham khảo cho chúng tôi học tập, chúng tôi không làm linh hồn gì đó. Chuyện này hy vọng quý vị đồng tu phải biết, nhất định không được mắc lừa. Không thể nào vãng sanh tập thể, tại sao vậy? Nhân khác nhau, quả cũng khác nhau. Đại sư Huệ Viễn, năm đó xây niệm Phật đường đầu tiên ở Lô Sơn, tổng cộng có 123 đồng tu, cũng không đồng thời vãng sanh, công phu của mỗi người chín muồi, thọ mạng tới, họ tự nhiên rời đi. Thị hiện của đại đức xưa chúng ta phải rõ ràng, phải thấu suốt, [chúng ta] nên học theo đại đức xưa, nhất định không được mắc lừa, đừng bị người khác lừa gạt.