VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
KỲ 107
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 02/01/2009
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, mời ngồi! Hôm nay có 49 câu hỏi, trước tiên là câu hỏi của đồng tu Malaysia.
Hỏi: Người này nói đệ tử có một người bạn tu Mật bị bệnh ung thư, có ba vấn đề muốn hỏi. Thứ nhất, mỗi lần tới bệnh viện hóa trị, khi nhìn thấy người khác bị bệnh khổ, bản thân anh ấy cảm thấy càng đau hơn, tại sao lại như vậy?
Đáp: Tình huống như vậy có, từ xưa đến nay đều có, nhưng mà không quá phổ biến. Khi người khác đang chịu khổ nạn, bản thân mình nhìn thấy hoặc nghe thấy, hoặc tiếp xúc được, sẽ phản ứng trên cơ thể mình, cho nên chuyện này cũng không kì lạ. Bạn muốn hỏi nguyên nhân tại sao? Trong Phật pháp gọi là nghiệp cảm, bạn chắc chắn có liên quan đến người đó, không phải trong đời này, cũng có thể là đời quá khứ, hơn nữa quan hệ rất thân thiết mới sanh ra phản ứng như vậy. Người Trung Quốc thời xưa, trong sách sử có ghi chép, gọi là “mẹ con liền tâm”, thật sự có chuyện như vậy, họ vô cùng thân thiết. Đứa trẻ ở bên ngoài gặp tai nạn, trong lòng người mẹ sẽ cảm giác được, sẽ bất an, hoặc là sẽ cảm thấy đau đớn. Tôi tin rằng anh ấy nhìn thấy người khác làm hóa trị, sẽ có cảm xúc này, có lẽ có sự liên quan này.
Hỏi: Thứ hai, người này hỏi người học Phật nên có cách nhìn thế nào đối với cái chết?
Đáp: Người thật sự học Phật sẽ không sợ hãi cái chết, tại sao vậy? Chết là thân thể, thân thể không phải bản thân, người học Phật nhất định phải hiểu rõ điều này. Thân thể là thứ ta sở hữu, giống như quần áo vậy, quần áo mặc cũ, mặc dơ, mặc hư rồi, tự nhiên bạn sẽ đi đổi bộ khác; thân thể có hư hoại, bạn cũng mau chóng đổi thân thể khác. Cho nên sanh diệt của thân này giống như mặc quần áo, cởi quần áo vậy, nếu anh ấy không lưu luyến chút nào thì cũng không có đau khổ, không có đau khổ thì càng đổi càng thù thắng. Nếu như cảm thấy đau khổ, cảm giác còn lưu luyến đối với thân thể này, vậy thì có thể càng đổi càng tệ, càng tệ thì đọa vào ba đường ác. Càng thù thắng thì sanh vào cõi trời cõi người, đây là mức độ thấp nhất của học Phật, anh ấy sẽ thường tiếp tục tu hành ở cõi người cõi trời. Chuyện như vậy cũng rất nhiều, chúng ta thấy quốc sư Ngộ Đạt trước đây, đây là cao tăng mười đời thời nhà Đường. Từ đó thấy được, sau khi ngài qua đời lại tới cõi người, mười lần đều tới cõi người, chuyện này cũng rất không dễ dàng. Mỗi lần đều tiếp tục cố gắng nâng cao đạo hạnh của chính mình, cho nên khi đến đời thứ mười ngài làm quốc sư, đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Cho nên đây là ngài hiểu rõ chân tướng sự thực, xem nhẹ sống chết, cho nên sau khi chết, tự mình có thể làm chủ, chọn lựa sanh vào cõi nào, có được thân thể như thế nào. Nếu như lúc lâm chung hoảng loạn, rất lưu luyến thân thể này, rất lưu luyến thân bằng quyến thuộc, ngài sẽ đọa vào ba đường ác. Đây là cách nhìn nên có của người học Phật.
Hỏi: Tiếp theo anh ấy hỏi, làm thế nào mới có thể buông xuống cảm giác sợ hãi đối với bệnh khổ và cái chết?
Đáp: Tốt nhất là niệm Phật, lúc bệnh khổ chuyển dời sự chú ý, đổi phương hướng không nghĩ tới bệnh, không nghĩ tới chết, nghĩ bệnh, nghĩ chết sẽ có đau khổ, có sợ hãi. Người học Phật tốt nhất là nghĩ tới Phật, niệm Phật, nhớ Phật, hoàn toàn quên hết đau đớn của bệnh tật. Nếu như bạn vẫn còn thọ mạng, bạn niệm Phật sẽ hồi phục khỏe mạnh; nếu như thọ mạng của bạn sắp hết, bạn chắc chắn có thể vãng sanh. Cho nên ý niệm quyết định hết thảy, đây là câu “hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh” mà đức Phật giảng trong kinh điển, chúng ta nghĩ Phật thì đi làm Phật, nghĩ Bồ-tát thì đi làm Bồ-tát. Cho nên người bình thường trên thế gian, họ nghĩ điều không tốt, họ muốn phát tài, muốn thăng quan, muốn danh văn lợi dưỡng, cách nghĩ này không tốt, nghĩ tới oán hận thì càng gay go. Phật nói nghiệp nhân của mười pháp giới cho chúng ta, nghiệp nhân đương nhiên rất phức tạp, mặc dù phức tạp nhưng nó có điều quan trọng nhất. Đức Phật, trong lục đạo nói với chúng ta nghĩ thập thiện, niệm niệm đều là thiện hạnh; thiện tâm, thiện hạnh sanh vào cõi trời. Nghĩ ngũ giới, người Trung Quốc nói là niệm niệm không quên luân thường đạo đức, đời sau sanh vào cõi người cõi trời, vẫn được quay lại cõi người; nếu như tâm tham nặng thì sanh vào cõi quỷ; tâm sân hận, tâm đố kị nặng thì dễ đọa địa ngục, bởi vì thuộc về sân hận; ngu si sanh vào cõi súc sanh. Từ đó thấy được, đời này của con người báo hết, đời sau đi về đâu hoàn toàn phải xem ý niệm của họ. Cho nên Tịnh độ Tông nói, đây là điều Phật nói, nghiệp nhân vãng sanh Tây Phương Cực Lạc là nghĩ Phật, lúc nào nghĩ Phật? Một niệm cuối cùng lúc lâm chung nghĩ A-di-đà Phật, họ liền tới thế giới Cực Lạc. Cho nên Tịnh Tông nói “lâm chung một niệm mười niệm, ắt sanh Tịnh độ”, chính là đạo lý này. Tại sao bình thường chúng ta phải niệm Phật? Bình thường niệm Phật là luyện binh, một niệm lúc lâm chung là đánh trận, bình thường nếu không niệm cho quen thuộc, sợ rằng lúc lâm chung quên mất, nguyên nhân là ở chỗ này. Cho nên phải niệm rất nhuần nhuyễn, đừng có những suy nghĩ khác, chỉ có một suy nghĩ niệm Phật, bình thường tạo thành thói quen, thời khắc cuối cùng sẽ có nắm chắc, duy trì một niệm này chắc chắn được vãng sanh.