/ 6
24

Trì Giới Vi Bổn

Tịnh Độ Vi Quy

Quán Tâm Vi Yếu

Thiện Hữu Vi Y


TỨ TRỌNG GIỚI TƯỚNG

Tập 5

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: Ngày 25 tháng 8 năm 2016

Địa điểm: Chùa Tịnh độ Thiện Quả Lâm, Đài Loan

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


[Kính thưa] quý vị tỳ-kheo đại đức, quý vị ni sư, quý vị liên hữu và quý vị thiện tri thức đang xem phát sóng trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành! A-di-đà Phật! Mời mở kinh. Chúng ta tiếp tục nói về giới trộm. Phật đã đưa ra rất nhiều ví dụ, để chúng ta thể hội được về tướng nặng nhẹ của phạm giới, có thể sám hối hay là không thể sám hối. Hôm nay chúng ta nói về đoạn động vật bốn chân và động vật nhiều chân.

“Trộm động vật bốn chân như voi, ngựa, bò, dê. Người chủ dùng dây thừng buộc chúng ở một nơi, cư sĩ dùng tâm trộm dắt đi, hễ con vật đi 4 bước chân thì phạm tội không thể sám hối”.

Động vật bốn chân như là voi, ngựa, bò, dê. Nếu có người dùng dây thừng cột chúng lại ở một chỗ, ví dụ như buộc ở gốc cây. Vậy có cư sĩ là người đã thọ tam quy ngũ giới dùng tâm trộm dắt con vật đi mất, tháo dây thừng ra kéo chúng đi 4 bước, đó chính là mang vật rời khỏi chỗ cũ, việc này được tính là phạm tội không thể sám hối, tức là tội bậc thượng, mất giới thể.

“Nếu những con vật này đang nằm ở một nơi, cư sĩ dùng tâm trộm đuổi chúng dậy, chúng đi 4 bước chân thì cư sĩ phạm tội không thể sám hối”.

Ví dụ những động vật có bốn chân này đang nằm ở một nơi, bạn dùng tâm trộm đuổi chúng đứng dậy, chúng bước 4 bước thì điều này cũng phạm tội không thể sám hối. Tiếp theo:

“Trộm những động vật nhiều chân cũng như vậy”.

Tức là những động vật nhiều chân, ví dụ như con rết là động vật nhiều chân, bạn đuổi chúng đi, ví dụ con rết này là một con rết rất lớn, có thể dùng để làm thuốc. Bạn trộm ở chỗ người khác về, xua đuổi để chúng bò vào trong lồng của mình, như vậy thì cũng phạm tội không thể sám hối.

“Nếu động vật đang ở trong vách tường hoặc hàng rào, cư sĩ dùng tâm trộm đuổi chúng rời khỏi đàn 4 bước chân thì phạm tội không thể sám hối, những trường hợp khác như đã nói ở trên”.

Ví dụ những động vật này ở trong vách tường, hàng rào, ví dụ bị nhốt trong chuồng bò, bạn dùng tâm trộm đuổi chúng đi ra, mà chúng “rời khỏi đàn 4 bước chân”, bạn đuổi con bò này chạy rời khỏi đàn, đi 4 bước chân, như vậy cũng phạm tội không thể sám hối. “Những trường hợp khác như đã nói ở trên”, ví dụ chúng vẫn chưa bước đến 4 bước, mới chỉ bước một bước hoặc 2 bước, 3 bước, như vậy thì đều có thể sám hối, bước thứ tư vừa hạ xuống thì không thể sám hối.

“Nếu [người chủ] đang chăn thả súc vật ở bên ngoài, cư sĩ khởi tâm trộm nghĩ rằng: khi người chủ vào trong rừng cây thì ta sẽ trộm những con vật này. Khi khởi niệm như vậy thì phạm tội bậc trung có thể sám hối”.

Tức là chăn thả bò dê ăn cỏ ở bên ngoài, cư sĩ khởi lên tâm trộm, nghĩ rằng: Nếu khi người chăn thả bò dê này vào trong rừng núi, nhân cơ hội ấy ta có thể đến bắt trộm những con vật này, khi vừa mới khởi lên ý niệm này thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Phần trước chúng ta đã nói, nếu chỉ khởi tâm động niệm, vẫn chưa động thân khẩu thì thuộc về tội nhỏ có thể sám hối, tội bậc hạ. Động thân khẩu, dùng phương tiện mà trước khi vẫn chưa mang vật rời khỏi chỗ cũ thì thuộc tội phương tiện bậc trung. Ở đây tại sao nói là khi khởi niệm trộm như vậy, khi vừa mới động ý niệm này thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Căn cứ theo “chú giải” của luật sư Quảng Hóa nói rằng: thông thường khởi tâm muốn trộm cắp, việc này đáng lý căn bản thuộc về tội nhỏ có thể sám hối, nhưng bởi vì phía bắc của Ấn Độ là khu vực các sa mạc nối tiếp nhau. Khu vực sa mạc đều là dân tộc du mục, cuộc sống, ăn mặc ở đi của họ đều dựa vào bò dê, cho nên đối với họ mà nói thì bò dê là nguồn sống rất quan trọng. Do vậy nếu có chuyện trộm bò dê, chuyện nguy hại, não hại này vô cùng lớn. Do đó ở đây Phật càng nghiêm cấm hơn, chỉ cần động niệm thì đều phạm tội bậc trung có thể sám hối, đây là một cách nói.

Còn một cách nói khác, tức là chữ “bậc trung” này có lẽ là chép sai, đáng lẽ là tội nhỏ có thể sám hối. Trường hợp này phía trước cũng có, thời xưa chép kinh, chép sai đều có thể xảy ra. Mặc dù chép sai nhưng chúng ta không thể theo ý của mình tự ý sửa lại được mà có thể viết chú thích nhỏ ở bên cạnh, giống như Tiên Yếu này vậy, đại sư Ngẫu Ích cũng không sửa đổi nguyên văn, phía trước cũng có trường hợp viết sai, như tội bậc trung có thể sám hối mà họ viết thành tội nhỏ có thể sám hối, nhưng ngài có thể viết thêm chú thích nhỏ ở bên cạnh: chỗ này viết sai rồi nên là chữ gì đó, việc này thì được. Đây là tôn trọng nguyên văn của kinh. Tiếp theo:

/ 6