Trì Giới Vi Bổn
Tịnh độ Vi Quy
Quán Tâm Vi Yếu
Thiện Hữu Vi Y
TỨ TRỌNG GIỚI TƯỚNG
Tập 4
Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng
Thời gian: Ngày 24 tháng 8 năm 2016
Địa điểm: Chùa Tịnh độ Thiện Quả Lâm, Đài Loan
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
[Kính thưa] quý vị tỳ-kheo đại đức, quý vị ni sư, quý vị liên hữu và quý vị thiện tri thức đang xem phát sóng trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành! A-di-đà Phật! Mời để tay xuống. Hôm nay, chúng ta bắt đầu nói về giới thứ hai trong bốn giới trọng, đó là giới trộm cắp. Trước tiên chúng ta đọc đoạn kinh văn thứ nhất:
“Phật nói với các vị tỳ-kheo rằng: nếu ưu-bà-tắc có đầy đủ ba điều kiện để cướp đoạt những đồ vật có giá trị của người thì phạm tội không thể sám hối. Thứ nhất là dùng tâm, thứ hai là dùng thân, thứ ba là mang đi khỏi chỗ cũ. Dùng tâm là khởi tâm suy nghĩ muốn trộm cắp. Dùng thân là dùng bộ phận trên thân thể để lấy đồ vật của người khác. Mang đi khỏi chỗ cũ là mang đồ vật từ chỗ này đến chỗ khác”.
Ở đây Phật nói với các vị tỳ-kheo, ở hiện trường không có mặt các cư sĩ. [Phật muốn] tương lai các vị tỳ-kheo sẽ truyền thọ giới học cho các cư sĩ. Trong phần khởi tự ở phía trước đã nói qua điều này rồi. Phật đem sứ mệnh hoằng dương giới pháp giao cho tỳ-kheo mà không phải là những chúng còn lại, mà Phật lệnh cho tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di phải cầu giới, học giới ở chỗ tỳ-kheo. Do vậy cho dù là giới tướng của ngũ giới thì Phật cũng nói với tỳ-kheo, để tỳ-kheo đi truyền dạy lại cho cư sĩ.
Ở đây nói ưu-bà-tắc tức là người, người nam thọ tam quy ngũ giới, cũng bao gồm cả ưu-bà-di. “Có đầy đủ ba điều kiện để cướp đoạt những đồ vật có giá trị của người”, ba loại duyên này đầy đủ thì phạm tội không thể sám hối. Đương nhiên nếu nói đầy đủ thì xem Tiên Yếu của đại sư Ngẫu Ích, “Trộm cắp đầy đủ sáu duyên thì phạm tội không thể sám hối”, ở đây Phật nói ba loại, tức là ba loại duyên ở trong đó, vật có giá trị là một loại, còn một loại ở đây là ẩn chứa, còn hai loại ẩn chứa chưa nói ra.
Đầy đủ mà nói thì chúng ta xem trong Tiên Yếu nói: “Một là đồ của họ”, đây là vật của người khác, vật có chủ, “Hai là biết là đồ của họ”, bạn cũng biết đó là đồ của người khác, là đồ có chủ. “Ba là tâm trộm”, bạn có tâm trộm cắp. “Bốn là dùng phương tiện để lấy”, tức là dùng thân thể hoặc miệng của bạn để tạo tác hành vi trộm cắp. Thứ năm đồ vật này “có giá trị là 5 tiền”, cũng chính là vật có giá trị cao mà trong kinh nói, dưới 5 tiền gọi là vật có giá trị thấp.
Giá trị là 5 tiền, 5 tiền này có giá trị bao nhiêu? Chúng ta xem trong ngoặc nói: “Ở Tây Vực 1 đồng tiền lớn bằng 16 tiền trinh ở đây”. Tây vực chính là Ấn Độ, 1 tiền của họ trị giá bằng 16 tiền trinh ở Đông Độ, 5 tiền cũng chính là 80 tiền trinh, đương nhiên đây cũng là tiền trinh thời cổ, “Luật Nhiếp”, bộ luật điển này có nói: “5 tiền, thì mỗi 1 tiền là bằng 80 tiền vỏ sò, tức là bằng 400 tiền vỏ sò”. Điền Nam, Điền chính là Vân Nam, dùng 5 tiền vỏ sò đổi ra bằng 1 ly bạc, cũng bằng với 8 phân bạc. Cho nên nói 5 tiền kỳ thực chính là 8 phân bạc. Đương nhiên đây cũng là tiền thời cổ, đương nhiên bạn có thể đổi một chút để tính, hiện nay 8 phân bạc rốt cuộc có giá trị là bao nhiêu. Hiện nay bạc cũng có giá trị, trên quốc tế mỗi ngày đều có báo giá của vàng và bạc, vậy thì bạn có thể tính toán một chút, nhưng cũng không hoàn toàn giống thời xưa, bởi vì hiện nay cách dùng bạc cũng khác nhau, hiện nay không dùng vàng bạc để làm tiền tệ nữa, cho nên không lưu thông vàng bạc, vàng bạc được xem là một loại kim loại quý để cất giữ, hoặc là dùng vào một số vật liệu khác.
Có rất nhiều cách tính toán. Một cách nói phổ thông tức là giá trị đại khái, dùng tiền Đài Loan để nói chính là 1.000 đồng hiện nay, nhân dân tệ là khoảng 200 đồng. Điều này tính như thế nào vậy? Khoảng năm 1988 có một số tỳ-kheo trưởng lão bên Nam truyền đã mở cuộc họp thảo luận xem rốt cuộc 5 tiền hiện nay là bao nhiêu tiền? Lúc đó mọi người đã ước định, là giá trị của 20 đô la Mỹ vào năm 1988, lúc đó 20 đô la mỹ là khoảng 160 nhân dân tệ, nghĩ đến lạm phát như hiện nay thì có lẽ là khoảng 200 nhân dân tệ. Có người nói là bằng giá trị mua một chiếc áo cà-sa, bởi vì trước đây đã từng xảy ra một việc, tức là trong lục quần tỳ-kheo, trong đó có một người mặc nhầm áo của người khác, 5 người kia nhận định thầy này đã phạm giới trọng, phạm giới trọng ăn trộm cà-sa, vậy đương nhiên Phật sẽ khai thị, tức là không có tâm trộm thì không tính là phạm giới trộm, thầy ấy chỉ lấy nhầm cà-sa của người khác, nhưng từ ví dụ để phán, khi ấy các vị tỳ-kheo đều cho rằng giá tiền của một chiếc cà-sa là 5 tiền. Đương nhiên cà-sa thời ấy cũng không giống với giá trị [của cà-sa] hiện nay. Hiện nay mua một chiếc cà-sa đẹp một chút có lẽ cũng phải 1.000 đài tệ, cho nên không có cách gì tính được. Thông thường chúng ta hay dùng 1.000 đài tệ hoặc 200 nhân dân tệ, lấy giá trị như vậy để tính là 5 tiền.