Trì Giới Vi Bổn
Tịnh độ Vi Quy
Quán Tâm Vi Yếu
Thiện Hữu Vi Y
TỨ TRỌNG GIỚI TƯỚNG
Tập 3
Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng
Thời gian: Ngày 23 tháng 8 năm 2016
Địa điểm: Chùa Tịnh độ Thiện Quả Lâm, Đài Loan
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
[Kính thưa] quý vị tỳ-kheo đại đức, quý vị ni sư, quý vị thiện tri thức tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành! A-di-đà Phật! Mời mở kinh:
“Cách phân biệt tội phạm giới và không phạm giới của bảy loại sát sanh còn lại ở phía trước, thì cũng giống như phần hầm lửa đã nói ở trên”.
Ở đây là một kết luận nhỏ, ở phía trước có nói đến các phương pháp để giết. Bảy cách giết ở phía trước nói đến chính là: dùng hạt giết, dùng bẫy giết, đào hầm giết, bắn đá giết. Đây đều là dụng cụ để giết, và đẩy xuống nước, đẩy vào lửa, đẩy xuống hầm, ở đây tổng cộng nói đến 7 loại. Đạo lý của 7 loại này đều giống như phần đẩy xuống hầm lửa để giết đã nói ở trước. Phạm hay không phạm, có tâm giết thì sẽ phạm, không có tâm giết thì không phạm. Nếu có tâm giết, mà đối tượng bị giết là người. Bạn biết họ là người, và có tâm giết muốn giết họ, như vậy thì phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không chết, vậy thì tính là tội bậc trung có thể sám hối. Hoặc là đối tượng giết, bạn muốn giết không phải là người, mà là súc sanh, nhưng người lại bị chết, như vậy thì bằng với ngộ sát người. Đối với người thì không phạm giới giết, bởi vì không có tâm giết. Nhưng có tâm giết đối với súc sanh, nhưng lại không giết được nên phạm tội phương tiện đối với súc sanh, có thể sám hối. Được rồi chúng ta xem kinh văn tiếp theo:
“Nếu đó là người và cũng nghĩ họ là người rồi giết thì phạm tội không thể sám hối. Nếu họ là người nhưng lại nghĩ là phi nhân rồi giết, nếu họ là người nhưng nghi không biết có phải người hay không rồi giết thì đều phạm tội không thể sám hối. Phi nhân nhưng tưởng là người rồi giết, hoặc hoài nghi không biết có phải phi nhân hay không rồi giết thì phạm tội bậc trung có thể sám hối”
Trong “Ngũ giới tướng kinh tiên yếu”, ở đây đại sư Ngẫu Ích nói: “Theo những bộ [luật] khác, hoặc chỉ nói một câu: nghĩ họ là người rồi giết là kết trọng tội; hoặc hai câu: nghĩ họ là người và nghi họ là người rồi giết thì kết trọng tội”. Tức là nếu là người, họ là người, mà bạn cũng nghĩ họ là người rồi giết, thì đương nhiên phạm tội bậc thượng, không thể sám hối. Nếu họ là người, nhưng nghĩ họ là phi nhân, hoặc nghi họ là phi nhân thì trong kinh Ngũ Giới Tướng này đều kết là trọng tội, tức là không thể sám hối. Nhưng trong bộ luật khác thì có chỗ không giống. Căn cứ theo bổ sung giải thích của đại sư Hoằng Nhất có nói, hai câu phía trước là kết trọng tội. Có lẽ đại sư Hoằng Nhất căn cứ theo bộ “Nhất Thiết Hữu Bộ Luật” có nói, họ là người mà cũng nghĩ họ là người, và họ là người nhưng nghi họ có phải là người không, họ là người phải không? Hoài nghi rồi giết họ. Hai loại này là tội bậc thượng không thể sám hối. Nếu căn cứ theo cảnh tướng trong bộ “Luật Tứ Phần” và “Nam Sơn Tam Đại Bộ” để phán định thì câu thứ nhất mới bị kết là trọng tội, hai câu kia thuộc về tội có thể sám hối. Cũng tức là họ là người mà cũng nghĩ họ là người, câu này là phạm trọng tội không thể sám hối. Họ là người nhưng nghĩ họ là phi nhân, và câu họ là người nhưng nghi họ có phải là người không, hai câu này đã phạm giới sát, tức là tội bậc trung có thể sám hối, cho nên mỗi bộ luật lại [có chỗ] khác nhau.
Đương nhiên luật giáo được truyền ở Trung Quốc, phần lớn đều lấy bộ Luật Tứ Phần làm chủ. Tổ luật tông Đạo Tuyên ở núi Chung Nam, đã biên tập ba bộ lớn chuyên về tông Luật Tứ Phần, đương nhiên ngài cũng thâu tóm những bộ luật khác. Tổ Đạo Tuyên không xem được bộ Căn Bản Hữu Bộ Luật. Đại sư Hoằng Nhất vô cùng tán thán bộ Căn Bản Hữu Bộ Luật, cho nên ở đây ngài dùng bộ Căn Bản Hữu Bộ Luật để bổ sung giải thích. Ở chỗ này, kinh Ngũ Giới Tướng phán định là tội nghiêm trọng nhất. Con người, [đối tượng] bạn giết là người, nhưng bạn nghĩ là phi nhân rồi giết. Ở đây đều nói là kết tội không thể sám hối. Nhưng chỗ này thì Tiên Yếu nói: “Dùng lý để cân nhắc”, là theo lý để xem xét. “Hai câu phía trước là kết trọng tội”, tức là hai câu ở phía trước. “Câu họ là người và nghĩ họ là người thì không thể sám hối. Họ là người nhưng nghi họ có phải là người không thì cũng không thể sám hối. Bốn câu còn lại thì kết tội có thể sám hối”. Bốn câu nào vậy? Chính là “người nhưng nghĩ họ là phi nhân”, câu này phạm tội bậc trung có thể sám hối, còn câu “phi nhân nhưng nghĩ là người” thì phạm tội bậc trung có thể sám hối. “Họ là phi nhân nhưng nghi không biết họ có phải là phi nhân không” thì phạm tội bậc trung có thể sám hối. “Họ là phi nhân và cũng nghĩ họ là phi nhân” thì cũng phạm tội bậc trung có thể sám hối. Bốn câu phía sau là tội bậc trung có thể sám hối. Vậy nên dùng phương pháp của đại sư Ngẫu Ích để phán định, vì sao vậy? Vì thời xưa sao chép kinh Ngũ Giới Tướng này cũng có khả năng sẽ có chỗ chép sai. Bởi vì những câu cảnh tưởng này có rất nhiều chữ đều giống nhau, sai một chữ, “không thể sám hối” nếu thiếu một chữ “không” thì thành có thể sám hối rồi, cho nên nếu người chép không thật cẩn thận thì có thể sẽ chép sót, chép sai. Tiên Yếu của đại sư Ngẫu Ích xem như là đính chính lại những chỗ viết sai này. Phía sau cũng có vài chỗ như vậy. Kinh văn tiếp theo: