56Thứ Sáu, 07/07/2023, 21:55
98 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 6

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 07/07/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG VI – NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ (BÀI SÁU)

Chư Phật mười phương thị hiện ở thế gian chỉ với một mục đích là giúp chúng sanh giác ngộ, thuận theo tự tánh Giác - Chánh - Tịnh, không thuận theo tập khí, phiền não. Chúng sanh tiếp nhận lời Phật dạy nhưng không thật làm nên vẫn phải trôi lăn trong vòng sinh tử vô lượng kiếp. Chúng ta có thể gặp, lắng nghe, tin nhận Phật pháp là do nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã có duyên với Phật pháp. Nếu đời này chúng ta không thật làm thì chúng ta sẽ tiếp tục trôi lăn trong dòng sinh tử. Lời Phật dạy không dễ làm nhưng cũng không quá khó vì đã nhiều người làm được theo lời của Ngài. Hòa Thượng từng nói, Ngài không phải là bậc thượng căn, thượng trí, cũng không phải người học rộng, nghe nhiều nhưng Ngài thật làm nên ngay đời này Ngài có được hoa báo. “Hoa báo” là những quả báo tốt lành đến ngay trong đời này. Chúng ta thật làm thì chúng ta cũng có thể làm được như Ngài. Người thật làm thì mới có thể thật buông xả, thật vì chúng sanh phục vụ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đã phát tâm xuất gia làm đệ tử Phật thì chúng ta phải gánh vác nhiệm vụ giáo hóa chúng sanh của Phật Đà. Trước tiên chúng ta phải hiểu rõ, hình tướng này của chúng ta là giả không phải là định tướng. Nếu chúng ta chấp trước thân tướng này là định tướng, cho rằng tướng này chính là ta thì chúng ta vĩnh viễn không thoát ly được luân hồi”. Chúng ta có “cái ta” nên chúng ta cảm thấy buồn vui, khổ đau, thiệt thòi. Chúng ta cho rằng “cái ta” là thật, chúng ta vun vén cho “cái ta” nên chúng ta trôi lăn trong vòng sinh tử. Chúng ta chấp trước “cái ta” nên chúng ta cảm thấy không vừa lòng, không thoả mãn, phiền não, khổ đau.

Nhiều người học Phật nhiều năm nhưng vẫn dính chặt vào “cái ta”, họ xem trọng “cái ta” và “cái của ta” nên họ rất lao tâm khổ chí khi làm việc. Chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi để làm việc vì chúng sanh thì chúng ta sẽ không phải lao tâm, khổ chí. Chúng ta làm mà chúng ta lao tâm, khổ chí, sợ được mất, hơn thua thì tốt nhất chúng ta đừng làm. Người xưa nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”. Chúng ta làm nhiều việc mà chúng ta xa rời tự tánh vậy thì ít việc tốt hơn nhiều việc. Chúng ta làm tốt cho chúng sanh nhưng tự chúng ta chướng ngại mình thì tốt nhất là chúng ta không nên làm.

Phật mong tất cả chúng sanh đều thành Phật. Chúng ta giúp chúng sanh có được lợi ích còn chúng ta đọa lạc thì đó không phải là mong muốn của Phật. Chúng ta phải thật làm vì chúng sanh chứ không làm vì “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta lao tâm, khổ chí, lo nghĩ thì đó là chúng ta đang làm vì “cái ta”. Chúng ta làm việc đó thành công vì chúng sanh có phước. Chúng ta làm không thành công là vì chúng sanh nơi đó không có phước. Chúng ta cưỡng cầu thì chúng ta sẽ lao tâm khổ chí. Hoà Thượng nhắc người xuất gia cũng chính là nhắc chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta chìm đắm trong việc chấp trước vào “cái ta” thì chúng ta không thể thoát khỏi tam đồ, ác đạo”. Khi chúng ta được nhắc nhở thì chúng ta khiếp sợ, nhưng sau đó chúng ta lại chỉ nhớ đến “cái ta”, “cái của ta”. Chúng ta phải kiểm soát nếu tâm chúng ta khởi ý niệm hơn thua thì chúng ta phải chặn ý niệm đó lại. Tâm hơn thua là tâm luân hồi, tâm của Atula. Chúng ta làm việc của Phật mà quả báo của chúng ta ở đường Ngạ quỷ, Địa ngục, Súc sanh thì tốt nhất chúng ta đừng làm!

Chúng ta gần “tài, sắc, danh, thực, thuỳ” thì chúng ta liền bị nhiễm. Tôi nhắc mọi người cũng là nhắc chính mình, đời này chúng ta học Phật nếu không cẩn trọng thì đời sau chúng ta trở thành oan gia của nhà Phật. Chúng ta học Phật nhưng chúng ta không có kết quả thì chúng ta sẽ oán Phật, trở thành oan gia của nhà Phật. Có rất nhiều người đã oán Phật, họ không đạt được mong muốn nên họ cho rằng lời Phật dạy không chính xác. Họ làm không đúng, xa rời nguyên lý, nguyên tắc Phật dạy nên họ không có kết quả. Chúng ta phải luôn giữ vững nguyên lý, nguyên tắc Phật dạy đó là giữ tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook