55Thứ Tư, 05/07/2023, 19:30
96 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 4

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 05/07/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG VI – NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ (BÀI BỐN)

Giáo dục của Phật Đà giúp con người đạt đến sự giác ngộ. Đa phần chúng ta hiểu sai về giáo dục của Phật nên chúng ta không có được thành tựu. Một người phụ nữ nói với tôi, bà đã quy y Phật 30 năm nhưng cuộc đời của bà vẫn khổ đau. Tôi hỏi, bà đã đọc tờ quy y mấy lần, bà suy nghĩ một lúc và trả lời là hình như bà mới chỉ đọc một lần. Trên tờ quy y có ghi những nội dung là đệ tử quy y Phật, quy y pháp, quy y Tăng; đệ tử quy y Phật không được sát sanh, không làm việc sai trái. Chúng ta quy y Phật rồi chúng ta vẫn sát sanh, tà dâm, vọng ngữ. Nhiều người cho rằng, đệ tử quy y Phật thì sẽ được Phật bảo hộ, tà ma không dám đến gần. Đây là sự ngộ nhận nghiêm trọng! Thế gian có câu: “Đức trọng quỷ thần kinh”. Người có đức hạnh thì Long Thiên Thiện Thần ủng hộ, quỷ thần không dám đến gần. Giáo dục của Phật hay giáo dục của Thánh Hiền là giáo dục nội học, hành giả phải thật làm.

Hòa Thượng nói: “Giáo học của nhà Nho lấy Khổng giáo làm tiêu chuẩn, giáo học của nhà Phật lấy Phật làm tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn của Khổng Lão Phu Tử có bốn khoa mục, thứ nhất là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba là kỹ thuật, thứ tư là văn học. Chúng ta phải hoàn thiện đức hạnh của mình rồi có dư sức thì chúng ta mới học văn học, nghệ thuật. Nhà Phật chú trọng ở tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Chúng ta tu bất cứ pháp nào chúng ta cũng phải đạt đến tâm thanh tịnh. Giáo học của nhà Nho là giáo dục đức hạnh, ngôn ngữ, kỹ thuật, văn học.

Hòa Thượng nói: “Giáo dục của Khổng Lão Phu Tử và Thánh Hiền thế gian đề cao đời sống tinh thần. Trình tự học của giáo dục Thánh Hiền rất rõ ràng, chúng ta phải học đức hạnh sau đó mới đến học kỹ năng, văn học, nghệ thuật. Giáo học của nhà Phật cũng không ngoại lệ, trước tiên chúng ta phải đoạn phiền não, sau mới chúng ta mới học pháp môn. Đoạn phiền não chính là học đức hạnh, học pháp môn chính là học kỹ thuật, năng lực. Tuy phương thức vận dụng có thể thay đổi nhưng nguyên lý, nguyên tắc giáo dục hoàn toàn không thay đổi”. Giáo học hiện đại và quá khứ hoàn toàn khác nhau. Nhà Nho và nhà Phật đều chú trọng học đức hạnh. Chúng ta rời xa đức hạnh, không cắm gốc đức hạnh đầu tiên thì chúng ta đã hoàn toàn sai.

Người hiện đại chú trọng hình thức hơn là chú trọng nội tâm. Ngày nay, nhiều người chỉ ngồi một chỗ đọc đạo lý Thánh Hiền nhưng không thật làm. Nếu chúng ta không thật làm thì chúng ta không thể dạy được người và chính chúng ta cũng không có lợi ích. Chúng ta dạy người sai thì chúng ta sẽ làm lãng phí thời gian của họ. Có một số người đến hệ thống Khai Minh Đức để thử việc trong một vài ngày nhưng họ không trụ lại được vì họ chỉ học trên lý thuyết.

Nếu mọi người có thể vận dụng giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền một cách hợp lý thì chúng sanh chân thật có phước báu. Chúng ta tổ chức các lớp học, các đại lễ tri ân Cha Mẹ chính là chúng ta vận dụng tâm từ bi vô điều kiện của Phật, chuẩn mực của Thánh Hiền. Chúng ta đề cao quan hệ ngũ luân chính là chúng ta vận dụng tốt giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền. Tinh thần của nhà Phật mới giúp con người có lòng từ bi, sự hy sinh vô ngã, tình yêu vô điều kiện như vậy. Chúng ta thật làm thì chính chúng ta có lợi ích chân thật, chúng ta có niềm tin để làm một cách mạnh mẽ.

Hòa Thượng nói: “Nhà Phật nói, Bồ Tát có tâm đại từ bi, thông đạt tất cả pháp thế, xuất thế gian nên các Ngài mới có thể làm Thiên Nhân sư, Thầy của Trời Người, dẫn đạo, giáo hóa chúng sanh. Loại năng lực này chính là trí tuệ chân thật và phương tiện khéo léo. Trí tuệ chân thật là thể, phương tiện khéo léo là vận dụng. Nếu chúng ta không có trí tuệ chân thật thì chúng ta không thể vận dụng được phương tiện khéo léo”. Người có tâm từ bi thì họ mới nghĩ ra cách để chúng sanh chân thật đạt được lợi ích. Bồ Tát có đầy đủ kỹ thuật, năng lực. Pháp xuất thế gian là giáo huấn của Phật. Pháp thế gian là giáo huấn của Thánh Hiền. Chúng ta muốn có trí tuệ chân thật thì chúng ta phải đoạn trừ phiền não. Phiền não của chúng ta càng ít thì trí tuệ của chúng ta càng hiển lộ. Chúng ta có trí tuệ thì chúng ta mới vận dụng được những phương tiện khéo léo nhất để lợi ích chúng sanh. Chúng ta thường “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng nhưng chúng ta vẫn còn đầy phiền não.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook