47Thứ Ba, 04/07/2023, 21:53
95 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 04/07/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG VI – NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ” (BÀI BA)

Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng Kinh, nói pháp trong suốt 49 năm để giúp chúng sanh giác ngộ. Chúng ta học thường cho rằng mình làm đúng nhưng đến khi chúng ta sức tàn hơi kiệt thì chúng ta vẫn phiền não, khổ đau. Nếu khi sinh tử đến chúng ta mới nhận ra là mình chưa có công phu, lúc đó chúng ta lo lắng, khẩn trương cũng không còn kịp. Nhiều người ở trong danh lợi mà họ không nhận ra, họ vẫn muốn xây dựng các công trình để khẳng định bá đồ của mình. Chúng ta học Phật thì chúng ta phải xa lìa “danh vọng lợi dưỡng” để trở về với tâm thanh tịnh. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng “Kinh Bát Nhã” trong 22 năm, Ngài đã nhắc hơn 1000 lần câu nói: “Sắc tức thì không”. Hay trong “Kinh Kim Cang” cũng đã nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả những thứ có hình tướng đều là hư vọng.

Chúng ta vừa tổ chức hai chương trình tri ân rất hoành tráng nhưng tất cả cũng đã trôi qua như một cơn gió thoảng. Nếu chúng ta chấp trước, dính mắc thì tâm chúng ta đã bị ô nhiễm. Chúng ta học Phật thì tâm chúng ta phải ngày càng phải thanh tịnh. Chúng ta học Phật mà chúng ta ngày càng chìm trong “danh vọng lợi dưỡng”, trong lời khen chê thì chúng ta là những “kẻ đáng thương”. Chúng ta quán sát xem chúng ta có phải là những “kẻ đáng thương” không?

Hòa Thượng nói: “Giáo học xưa, Phật pháp và thế gian pháp đều có chỗ tương đồng đó là giúp học trò khai ngộ, phản tỉnh. Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đều không đề xướng học xuông mà phải thật học, thật làm”. Chúng ta không phản tỉnh thì chúng ta sẽ vẫn si mê, vẫn chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”. Nếu một người có nghiệp chướng sâu dày thì sau 10 năm họ cũng có thể thay đổi, người nghiệp chướng nặng hơn thì cần thời gian 20 năm, 30 năm, 40 năm nhưng nhiều người có nghiệp chướng nặng nề đến mức cả cuộc đời không thể thay đổi. Chính chúng ta cũng có thể là những người có nghiệp chướng nặng nề này!

Thế gian pháp hay Phật pháp đều là để giúp học trò nhận ra ngộ tánh. Thánh Hiền dạy chúng ta làm người quân tử chứ không làm tiểu nhân. Phật Bồ Tát dạy chúng ta làm người giác ngộ chứ không làm chúng sanh mê muội. Thánh Hiền dạy chúng ta: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thụ”. Người không có đạo đức thì không kết giao, vật phi nghĩa thì không nhận. Phật dạy chúng ta xa lìa “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Chúng ta chưa đáng được nhận danh lợi mà chúng ta muốn hưởng vậy thì tai ương sẽ đến với chúng ta. Hòa Thượng dạy, chúng ta đáng được hưởng danh lợi nhưng chúng ta cũng không hưởng mà chúng ta nhường cho chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Giáo học ngày nay chỉ chú trọng ở hình thức bên ngoài, chỉ chú trọng ở thật nói chứ không thật làm. Chúng ta thật nói, thật làm thì khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta mới có thể tuân theo chuẩn mực của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền”. Nếu chúng ta không kiểm soát thì khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta liền sẽ bị tập khí sai khiến. Chỉ trong khoảng một niệm thì chúng ta đã rời xa chánh niệm. Nếu không có người nhắc nhở thì chúng ta sẽ không biết để quay đầu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta càng phân biệt, chấp trước nghiêm trọng thì chúng ta càng không thể khai ngộ. Khi phân biệt, chấp trước của chúng ta tan nhạt thì chúng ta mới có thể nhận ra chân tướng sự thật”. Chúng ta thường dính mắc vào mọi việc. Người xưa dạy chúng ta: “Việc tốt không bằng không việc gì”. Chúng ta làm việc tốt mà việc đó khiến chúng ta khởi tâm phân biệt, chấp trước thì tốt nhất là chúng ta không nên làm việc đó. Chúng ta “không việc gì” để tâm chúng ta không loạn động. Nếu tâm chúng ta loạn động thì chắc chắn chúng ta sẽ đi vào vòng sinh tử.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp và thế gian pháp đều chú trọng ở “nhất môn thâm nhập”. Trong tất cả những giai đoạn học tập của cuộc đời chúng ta đều phải nhất môn thâm nhập”. Người thế gian nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chúng ta làm một nghề nào đó đạt đến đỉnh cao thì chúng ta có thể sống bằng nghề đó. Trong việc lựa chọn pháp tu cũng vậy, chúng ta chỉ nên chọn một con đường. Mấy chục năm qua, tôi chỉ nghe Hòa Thượng giảng, chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”. Khi tôi bị bệnh khổ sắp chết, nhiều người khuyên tôi làm các cách khác nhau nhưng tôi đều từ chối. Mấy mươi năm qua, những gì tôi đã làm cũng đã làm ra minh chứng cho mọi người. Vậy thì tại sao chúng ta vẫn không tin? Tôi không phải là người dẫn dắt mà tôi chỉ là người nhắc nhở mọi người học văn hóa truyền thông. Tôi có được cái thấy, cái hiểu này là vì mấy mươi năm nay tôi một môn thâm nhập.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook