56Thứ Ba, 04/07/2023, 08:49
94 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 30/06/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG VI – NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ” (BÀI MỘT)

Hòa Thượng nói: “Những năm gần đây tai nạn càng lúc càng nhiều, cuộc sống của chúng sanh đời sau ngày càng khổ hơn trước”. Hòa Thượng giảng bài này hơn 20 năm trước Ngài đã nhìn thấy tai nạn trên thế giới ngày càng nghiêm trọng. Hiện tại sau hơn 20 năm, chúng ta thấy thiên tai, nhân họa diễn ra thường xuyên. Đa số do tâm tham của con người nên gây ra sự thay đổi khác thường của thiên nhiên.

Hòa Thượng Nói: Có người hỏi tôi rằng: “Phật Bồ Tát đại từ đại bi sao không thấy các Ngài xuống cứu giúp? Tôi nói với họ: “Phật Bồ Tát không vì chúng sanh thiếu cơm ăn, áo mặc liền đáp ứng. Phật Bồ Tát giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, hiểu được nguyên nhân khởi nguồn của tai nạn, và cách tiêu trừ tai nạn”.

Hòa Thượng nói: “Phật dạy: “Nhân quả công bằng, nếu chúng ta muốn có quả báo là cuộc sống tự tại an vui thì phải tu nhân thiện. Đây là đạo lí chân thật, là phương pháp cứu độ chúng sanh chân thật của Phật Bồ Tát”. Cuộc sống của chúng sanh thường khổ đau vì có nhiều tập khí phiền não, khởi tâm động niệm, đối người tiếp vật đều vì mình hại người. Nếu chúng sanh không chuyển đổi ý niệm, chuyển đổi tập khí thì Phật Bồ Tát đến đáp ứng mọi điều kiện vật chất chúng sanh vẫn đau khổ. Nguyên nhân vì chúng sanh có thân đầy đủ nhưng tâm khiếm khuyết. Quan trọng hơn là chúng sanh không sửa đổi ý niệm thì vẫn trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Phật Bồ Tát luôn mong muốn chúng sanh dứt hẳn nguyên nhân khởi nguồn của đau khổ là luân hồi lục đạo.

Giáo dục của Phật là giáo dục trí tuệ, không phải giáo dục cảm tình. Phật Bồ Tát dạy chúng sanh hiểu rõ trong cuộc đời có khổ đau, có chướng ngại thì bản thân phải sửa đổi không oán trời trách người. Chúng sanh khổ đau vì phước mỏng, nghiệp dày, vì tự tư tự lợi, tạo tác có lợi cho mình có hại cho người. Phật Bồ Tát đến giúp chúng sanh với lòng vị tha vô ngại, luôn chờ đợi chúng sanh từ đời này đời khác giác ngộ một cách vô điều kiện. Còn chúng sanh thì luôn có điều kiện mới giúp đỡ người khác. Sự từ bi của Phật Bồ Tát biểu hiện trong đời sống Bồ Tát đạo của các Ngài. Phật có phước đức, trí tuệ tròn đầy nhưng Ngài không hưởng phước.

Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ở cõi trời Phạm Vương, Đại Phạm Thiên Vương có phước báu rất lớn nhưng không bằng với chúng sanh phẩm hạ phẩm hạ sanh tại thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng sanh ở trời Đại Phạm Thiên Vương tuy có phước báu rất lớn vẫn ở trong thập pháp giới chưa luân thoát khỏi luân hồi sanh tử. Khi họ hưởng hết phước ở cõi trời thì tiếp tục đọa lạc, chúng sanh hạ phẩm ở cõi Tây Phương Cực Lạc thẳng tiến đến thành Phật, không bị thối chuyển, đọa lạc. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực tiễn đại từ đại bi với cuộc sống ba y một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Ngài thị hiện thân phận nghèo khổ để độ tất cả chúng sanh có căn tánh khác nhau. Nếu Phật, Bồ Tát thị hiện dưới thân phận giàu sang thì chỉ những người giàu sang ngưỡng mộ và thân cận, người nghèo khổ sẽ oán trách, không gần gũi”. Phước báu, trí tuệ của Phật lớn hơn cõi trời Đại Phạm Thiên Vương nhưng Ngài thị hiện cuộc sống nghèo khổ, có những năm mất mùa Phật cùng cộng khổ với chúng sanh, cùng ăn lúa ngựa với chúng sanh trong ba tháng. Đây chính là thị hiện sự gần gũi với chúng sanh đau khổ để hóa độ. Chúng ta nên quán chiếu bản thân, không tiêu phước báu, không hưởng thụ cuộc sống xa hoa nên dành phước báu của mình cho chúng sanh khác đau khổ hơn.

Hòa Thượng nói: “Pháp môn tu học của Phật có vô lượng nhưng con đường để chứng ngộ chỉ có một mục tiêu, một phương hướng là thành Phật. Khi chúng ta thành Phật rồi sẽ đầy đủ trí tuệ, phước đức viên mãn. Người đạt đến trí tuệ, phước đức viên mãn thì được gọi là Phật”. Phật nói ra nhiều pháp môn để phù hợp với nhiều căn tánh, dục vọng của những chúng sanh khác nhau.

Đức Phật nói: “Vì chúng sanh không nghe được pháp nhất thừa nên ta phải nói pháp nhị thừa, tam thừa nếu chúng sanh nghe được pháp nhất thừa thì ta không nói pháp nhị thừa và tam thừa”. Phật thuận theo nguyện vọng, thị hiếu, sở thích của chúng sanh để giáo hóa.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook