Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 25/06/2023.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
Chương 5 – Phần 2: NHẮC NHỞ TIN SÂU NHÂN QUẢ
Mục: NÓI RÕ LÝ NHÂN QUẢ
Trong nhà Phật chúng ta có câu : “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Hòa Thường nói: “Vì sao mà nhân quả bất không?” Thí dụ chúng ta trồng xuống bất cứ hạt gì, hạt cải, hạt ngô, thì hạt đó chính là nhân. Hạt được trồng xuống đất, lớn lên thành cây thì hạt không còn nữa. Sau khi cây lớn lên, sẽ ra hoa, kết quả. Cho nên sự tuần hoàn của nhân quả không bao giờ mất. Vì vậy nhà Phật chúng ta nói: Sự tiếp nối, sự chuyển biến của nhân quả không bao giờ mất. Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát đến thế gian này dạy bảo tất cả chúng sanh, chính là muốn chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, nắm chắc chân tướng sự thật này thì có thể đại tự tại”.
Chúng ta hiểu rõ: Nhân nào quả đó, không thể nào nhân này quả khác. Một lần tôi đi giảng ở Phú Thọ, tôi nói với các cụ: “Các cụ đã trồng ớt, trồng tiêu nhưng bán ớt, tiêu không được giá. Các cụ đến cầu Phật Bồ Tát biến trái tiêu, trái ớt thành trái cà phê, rái sầu riêng để bán được giá thì có được không?”. Các cụ tròn mắt ngạc nhiên, nói: “Làm sao mà được như vậy! Không được!”. Tôi phải hỏi 3 lần, đưa nghi tình lên thật cao rồi tôi mới giải thích. Hàng ngày chúng ta sống với tâm niệm tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si ngạo mạn mà lúc nào cũng muốn mình có đời sống an lạc. Chúng ta chưa từng bố thí mà lúc nào cũng muốn mình giàu có, mọi đãi ngộ trong cuộc sống phải tốt đẹp hơn người khác. Đây chẳng phải là trồng tiêu, trồng ớt mà muốn thu hoạch cà phê hay sao!
Phật dạy chúng ta phải đoạn ác tu thiện, chúng ta không đoạn ác tu thiện nhưng lại luôn luôn mong muốn mình gặp được điều thiện. Những việc ác chúng ta đã làm thì chúng ta lại không muốn nhận nhân quả đó thì có khác gì chúng ta trồng ớt, trồng tiêu nhưng lại muốn cây cho ra trái cà phê, trái sầu riêng, trái dưa hấu. Nhân quả hoàn toàn sai lệch.
Ngay mỗi chúng ta cũng như vậy. Ngày ngày chúng ta làm bất cứ việc gì cũng bị dính mắc vào đó, rơi vào danh vọng lợi dưỡng, rơi vào tình chấp, rơi vào lời khen. Hỏi làm sao mà không gặp chướng ngại! Chúng ta làm mà người ta khen thì mặt mày hớn hở, chúng ta làm mà người ta chê thì mặt mày bí xị. Thật ra nếu chúng ta làm với tâm chân thành thì chúng ta sẽ vượt ra khỏi sự khen chê, không bị vướng mắc vào sự khen chê. Chê cũng không sao, khen cũng không hề gì!
Mọi người thấy tôi có bao giờ nói ra những lời người khác khen ngợi tôi không? Tôi không bao giờ nói ra như vậy. Mỗi lần tôi đi giảng, mọi người viết ra danh sách một loạt những câu hỏi, ở trước các câu hỏi là những lời khen, lời tán tụng. Tôi chưa bao giờ đọc những lời khen đó, tôi chỉ đọc câu hỏi và trả lời câu hỏi.
Trước đây có một anh chàng sáng tác nhạc rất hay, hát cũng hay. Tôi đã từng về quê của anh chàng đó tổ chức lễ tri ân. Anh chàng nói rằng: “Con muốn sáng tác một bài hát về Thầy”. Tôi trả lời: “Anh đừng sáng tác bài hát về tôi. Anh hãy sáng tác bài hát ca ngợi Phật, ca ngợi Bồ Tát, ca ngợi những bậc Thánh Hiền, ca ngợi những tấm gương đức hạnh của cha ông chúng ta, ca ngợi cha mẹ”. Tôi cự tuyệt nên anh chàng không làm. Sau đó một thời gian, anh ta bỏ niệm Phật, bỏ tu, bỏ vợ con, ăn mặn, quay trở lại nêu tên chửi mắng những người mà anh ta đã từng sáng tác ca ngợi. May là trước đó tôi đã từ chối nên anh ta không có cách nào mắng chửi tôi.
Chỉ cần chúng ta lơ là, không kiểm soát thì chúng ta dễ dàng bị rơi vào bẫy danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần. Tôi hết sức sâu sắc thể hội câu nói của Hòa Thượng: “Tại sao Phật Bồ Tát sự sự viên dung, lý sự đều viên dung, không hề có chướng ngại? Vì các Ngài không có vướng mắc”. Chúng ta thì bị vướng mắc, chướng ngại vì chúng ta làm gì cũng ẩn tàng sâu thẳm danh lợi. Tập khí phiền não của chúng ta đang đội lốt, biến hình mà chúng ta không nhận ra. Chúng ta quen với lời khen thì khi không được khen sẽ chịu không nổi. Chúng ta làm một việc thành công to tát thì cũng có gì đáng khen đâu!
Chúng ta tưởng rằng mình đã thấu hiểu nhân quả, khi nói đến nhân quả thì chúng ta cho rằng điều này mình biết rõ rồi. Thật ra chúng ta biết một cách hời hợt, sơ sài chứ không biết một cách tường tận, thấu đáo. Khởi tâm động niệm của chúng ta vẫn bị rơi vào bẫy tập khí phiền não của chính mình giăng ra.