81Thứ Bảy, 24/06/2023, 21:22

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 24/06/2023.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

Phần II, chương IV

VIỆC SANH TỬ THẬT ĐÁNG SỢ

Phần nhiều chúng ta chưa rơi vào cảnh sanh tử, chúng ta thấy dễ vui, không khẩn trương. Đến khi phải đối đầu với sanh tử thì chúng ta tay chân bối rối, thần trí hỗn loạn, lúc đó càng không tốt cho chính mình. Cho nên Hòa Thượng nói: “Việc chúng ta cần phải làm ngay chính là phải nỗ lực, nắm được phần làm chủ mình sẽ đi về đâu”.

Nhưng thật ra hiện tại mỗi chúng ta đều rất lờ mờ, vẫn còn chưa rõ ràng. Đấy là điều rất đáng lo! Chúng ta phải thật sự rất rõ ràng, rất tường tận. Các vị tổ sư đã từng dạy chúng ta phải nắm chắc phần vãng sanh. Nhưng mỗi chúng ta, kể cả bản thân tôi vẫn còn rất lờ mờ, chưa có xác quyết rõ ràng. Cho dù mấy mươi năm rồi, chỉ một câu “A Di Đà Phật”, chỉ một hướng Tây Phương để đi, chỉ nghe theo Hòa Thượng nhưng tôi thấy mình vẫn chưa tinh chuyên vì ngày ngày vẫn bị những phiền não không cần thiết chi phối. Thế gian gọi là “vẫn buồn vu vơ”. Chúng ta ngày ngày vẫn khởi vọng tưởng, phân biệt chấp trước, mà có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chắc chắn có phiền não. Có phiền não thì tâm nhất định không thanh tịnh. Mình vẫn thấy mình lờ mờ chưa rõ ràng. Nếu rõ ràng xác quyết thì việc gì phải vọng tưởng, việc gì phải phân biệt, việc gì đáng để chúng ta chấp trước, phiền não nữa đâu! Chúng ta biết rõ tất cả đều không tốt đối với chúng ta nhưng vẫn bị chi phối. Đó chẳng phải là chúng ta vẫn còn lờ mờ hay sao!

Hòa Thượng cũng đã từng dạy chúng ta: Hiện tại chỉ có việc vãng sanh là đáng để chúng ta xem trọng, ngoài việc vãng sanh ra thì không có việc gì đáng để chúng ta xem trọng. Vậy thì chúng ta mới thực sự rõ ràng, xác quyết. Chúng ta vẫn đang rất lờ mờ, chưa xem trọng việc vãng sanh là quan trọng nhất. Việc chúng ta phải rơi vào sanh tử, rơi vào luân hồi sáu cõi là vô cùng đáng sợ nhưng chúng ta vẫn không xem trọng.

Hôm qua tôi ra vườn hái mấy trái dưa chuột. Tất cả những quả dưa chuột đó đều bị ong vàng châm trích. Những quả mướp ở trên giàn cũng đều phải bọc kín bằng ni lông để không bị ong vàng trích. Quả nào chưa kịp bọc ni lông đều bị ong chích, thậm chí khi trái mướp phát triển to hơn bao ni lông thì cũng bị ong chích.

Chúng ta thấy chúng sanh đã mang thân tội nghiệp làm súc sanh rồi nhưng chúng vẫn đang tạo nghiệp. Người nông dân hễ nói đến ruồi vàng thì ai cũng thù ghét, tìm cách giết ruồi vàng. Ruồi vàng còn trích cả mít, gần như cây trái gì nó cũng trích, su su, cà chua, dưa chuột, bí bầu… chỉ có quả dừa vỏ cứng là nó không trích được.

Chúng ta không tìm cách giết chúng nhưng chúng ta quán tưởng và thấy chúng rất đáng thương. Chúng sanh do tạo nghiệp mà phải làm thân súc sanh. Có được mấy loài súc sanh làm tốt cho cộng đồng chủng loại của chúng! Chúng không ăn nuốt lẫn nhau thì ăn nuốt loài khác, không ăn nuốt loài khác thì tự thân cũng bị ăn nuốt.

Chúng ta liên tưởng đến lời dạy của Hòa Thượng: Mang thân súc sanh là thọ báo, thọ báo là tạo nghiệp. Làm thân súc sanh là thọ nghiệp, làm ra những việc khiến bao nhiêu người thù ghét. Người ta hễ thấy ruồi là muốn đập chết.

Một khi đã rơi vào đường súc sanh thì cơ hội thoát khỏi đường súc sanh vô cùng khó. Hòa Thượng từng kể câu chuyện: Một hôm, Phật đứng ở tịnh xá của Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Phật nói với đệ tử rằng đã 7 đời chư Phật đi qua rồi mà ổ kiến này vẫn làm kiến. Không phải là kiến sống lâu như vậy mà chúng sống được vài ngày rồi chết đi, chúng vẫn tiếp tục làm thân kiến, cứ mãi như vậy. Đó là thân súc sinh.

Chúng sanh ở địa ngục thì còn khiếp sợ hơn! Gió nghiệp thổi qua, chúng sanh địa ngục liền có thân người, có thân người liền thọ tội như ôm cột đồng, nằm trong chảo dầu sôi, ngồi trên giường sắt bị cháy thành tro tàn, chốc lát gió nghiệp đi qua họ lại được thân người, lại thọ tội. Cảm thụ đó vô cùng khủng khiếp, luôn luôn ở trong cảm thụ khủng khiếp như vậy.

Phật nói chúng sanh rất đáng thương bởi vì có được một chút vui tạm thời của ngũ dục “tài, sắc, danh, thực, thùy” cũng giống như liếm giọt mật trên đầu lưỡi dao. Đứa nhỏ không thấy lưỡi dao mà chỉ thấy giọt mật, lè lưỡi liếm mật liền bị đứt lưỡi. Phật thí dụ năm dục giống như giọt mật trên đầu lưỡi dao. Sau niềm vui nhất thời là khổ dài lâu. Chúng ta nói năm dục đó là thật vui nhưng chúng ta thấy có thật không? Có người thích ăn, họ ăn hết một mâm thịnh soạn nhưng không thể ăn thêm một mâm nữa, nếu ăn nữa thì ăn không nổi. Nếu cố ăn thêm thì khổ liền. Có người thích ngủ, nếu ngủ suốt 3 ngày 3 đêm, ngủ suốt 7 ngày 7 đêm cũng không thể được.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook