Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 23/06/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“PHẦN II - CHƯƠNG IV – VIỆC THIẾT YẾU KHI LÂM CHUNG” (BÀI MỘT)
Chúng ta thường bận rộn, tất bật cả một đời vào những việc không thật sự giúp ích cho mình. Việc thiết thực nhất của đời người là chúng ta tự tại ra đi và chúng ta quyết định được mình sẽ đi về đâu. Lúc sắp lâm chung, chúng ta tinh thần hoảng loạn, tay chân bối rối, chúng ta mong chờ người khác giúp đỡ nhưng không một ai có thể giúp được chúng ta. Chúng ta bị hoàn cảnh xoay chuyển nên lúc lâm chung chúng ta không chủ động được cảnh giới mình muốn đi.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta xem thấy nhiều người ra đi rất tự tại, tướng của họ rất đẹp, không có bệnh khổ. Tôi thường nhắc nhở mọi người, chúng ta nhất định phải làm được như vậy! Nếu lúc bệnh khổ, chúng ta hoàn toàn phải theo sự sắp xếp của người khác thì khi đó hoàn cảnh của chúng ta sẽ càng khó khăn hơn". Hòa Thượng Hải Hiền nói: “Người ta hộ niệm cho mình không chắc!”. Tâm của người hộ niệm thường rất bao chao, dao động.
Hòa Thượng nói: “Hiện tại, chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, tự đốc thúc, nỗ lực chính mình. Tốt nhất là chúng ta không cần người chăm sóc!”. Khi Hòa Thượng Hải Hiền vãng sinh, Ngài cũng không cần người chăm sóc. Ngài Lý Bỉnh Nam cũng là tấm gương về sự tự cường, tự chủ cho chúng ta. Con người là một cỗ máy cực kì tinh vi và phức tạp.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn lúc lâm chung bản thân tự tại ra đi, trong đời sống hiện tại phải xác định mục tiêu việc vãng sinh là thật còn tất cả những việc khác ở thế gian là việc giả”. Hằng ngày chúng ta hết lòng hết dạ lo việc giả mà việc thật thì không lo.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta tự tại vãng sinh chính là chúng ta “Tự lợi”. Việc “Tự lợi” này phải được xây dựng trên nền tảng “Lợi tha”. Ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải vì chúng sinh mà lo nghĩ. Chúng ta bỏ đi ý niệm tự tư tự lợi thì chúng ta mới đoạn trừ được “cái ta” và “cái của ta”. Như vậy công phu tu học của chúng ta mới có thành tựu”.
Hòa Thượng nhắc câu chuyện của bà Hàn Quán Trưởng, Bà là người hộ pháp cho Hòa Thượng trong suốt ba mươi năm. Hòa Thượng nói: “Từ lúc Bà Hàn Quán Trưởng bị bệnh đến khi bà vãng sinh, thần trí của Bà rất sáng suốt. Tuy thân bà có bệnh nhưng đầu óc của bà rất định tĩnh. Bà đã làm ra biểu pháp cho chúng ta”. Chúng ta phải có ý chí kiên định, hiểu thấu thân người là vô thường, không ai có quyền năng thay đổi được quy luật Sinh - Lão- Bệnh – Tử.
Hòa Thượng nói: “Khi lâm chung, chúng ta muốn thay đổi tư thế cũng không được mà chúng ta cần có người giúp đỡ. Người thế gian cho dù phước báu lớn, quyền lực to cỡ nào khi lâm chung cũng phải theo sự sắp xếp, an bài của người khác. Chúng ta không thể nào vượt qua hiểm cảnh này! Đây là thời khắc quan trọng nhất của đời người, quyết định chúng ta sẽ sinh về đâu”. Chúng ta muốn thần trí rõ ràng, kiên định lúc ra đi thì ngay lúc hiện tại chúng ta phải rõ ràng, kiên định. Hằng ngày, chúng ta phải tôi luyện, vượt khổ, vượt bệnh thì lúc lâm chung chúng ta mới không bị bệnh khổ chướng ngại việc vãng sinh. Bác Hồ nói: “Gạo đem vào giã bao đau đớn, gạo dã xong rồi trắng tựa bông”.
Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Địa Tạng” nói, những người lâm chung sẽ thấy thân bằng quyến thuộc của mình qua đời, những người này không phải là thật, họ đều là oan gia trái chủ của chúng ta biến hiện ra để dụ dỗ, để báo thù chúng ta. Rất nhiều người nhìn thấy cảnh giới này, Bà Hàn Quán Trưởng từ lúc bệnh đến lúc vãng sinh đều không có hiện tượng này”.
Bản thân tôi có trải nghiệm này, trước khi Bố vợ tôi mất, ông đang nằm trên giường bệnh, ông nhìn thấy rất nhiều người đến gọi ông đi. Khi mọi người nhắc ông niệm Phật, thì ông niệm “A Di Đà Phật” rất tinh tấn. Lúc ông tinh tấn niệm Phật thì ông không còn thấy hiện tượng đó nữa.
Hòa Thượng nói: “Tâm của người ở bên cạnh hỗ trợ chúng ta phải thật sự thanh tịnh thì việc ra đi của chúng ta có thể tốt. Bà Hàn Quán Trưởng nói, bà đã hai lần nhìn thấy Phật A Di Đà và ao sen. Điều này khẳng định Bà đã vãng sinh Tịnh Độ. Bà làm biểu pháp để cảnh tỉnh chúng ta. Bà là người có phước báu nên khi lâm chung bà có nhiều người chánh tín, tu học như lý như pháp đến hỗ trợ. Đây là phước báu có được do bà đã hộ trì chánh pháp trong ba mươi năm”. Chúng ta phản tỉnh, khi lâm chung nếu chúng ta không có loại phước báu này, không được các bậc tu hành như lý, như pháp hỗ trợ thì chúng ta sẽ ra sao?