106Thứ Hai, 19/06/2023, 17:31
82 · Chương II (P2) - Khuyến Tấn Hành Giả Nỗ Lực - 4

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 19/06/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG II - MỤC KHUYẾN TẤN HÀNH GIẢ NỖ LỰC” ( BÀI BỐN )

Ngày nay, tai nạn động đất, lũ lụt, dịch bệnh diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Nhà Phật nói: “Thế gian là vô thường cõi nước là không an”. Chúng ta có thời gian an ổn thì chúng ta phải cố gắng nỗ lực đoạn tất cả việc ác, tu tất cả thiện, dùng tâm thanh tịnh niệm Phật.

Hòa Thượng nói: “Vạn duyên buông xả chính là đoạn tất cả các việc ác. Dùng tâm thanh tịnh để niệm Phật chính là tu tất cả thiện”. Chúng ta phải buông bỏ những duyên xấu khiến chúng ta động tâm. Tâm chúng ta rất mong manh dễ vỡ chúng ta gần “tài, sắc, danh , thực, thuỳ” thì chúng ta liền dính mắc. Ngày nay, những duyên chúng ta tiếp xúc đa phần sẽ khiến chúng ta động tâm, là tăng thượng duyên để chúng ta tạo ác. Chúng ta chỉ cần cảm thấy không thích, cảm thấy không vừa lòng thì chúng ta đã tự sinh chướng ngại.

Người xưa nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”. Chúng ta không việc gì để tâm chúng ta thanh tịnh niệm Phật. Chúng ta làm quá nhiều việc nhưng chúng ta chưa làm xong thì chúng ta sẽ không làm ra tấm gương tốt cho người thế gian nhìn vào. Ngày nay, chúng ta làm một trăm việc tốt thì người thế gian cũng không nhớ, chúng ta làm một việc xấu thì người thế gian cũng tìm mọi cách khơi ra. Người thế gian không biết rằng đây là việc đại ác vì họ làm như vậy thì họ sẽ ngăn cản, khiến người khác sợ phát tâm làm việc tốt. Mọi người sẽ cảm thấy “việc tốt lắm giày vò”. Nhiều người được học Phật pháp, được tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền những họ vẫn tạo tội phỉ báng. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng!

Chúng ta tiếp xúc nhiều duyên, làm nhiều việc nhưng chúng ta làm với tâm “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta sẽ làm mất đi hình tượng của Phật, của Thánh Hiền. Chúng ta vẫn chưa phân biệt được rõ ràng tiêu chuẩn của thiện và ác. Chúng ta làm việc nhưng trong tâm chúng ta vẫn “tham, sân, si, mạn” thì việc đó không phải là việc tốt.

Hôm qua, Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Sở tác dĩ biền”. Việc chính mình nên làm thì chúng ta đã làm thoả đáng rồi!”. Nghĩa là chúng ta phải đối trị được tập khí, phiền não của chính mình. Chúng ta làm xong việc của mình thì chúng ta mới có thể làm việc lợi ích chúng sanh. Chúng ta chưa làm xong việc của mình thì chúng ta phải tuyệt đối “y giáo phụng hành” theo lời dạy của người xưa. Hòa Thượng nói: “Chúng ta chưa có trí tuệ thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của Phật Bồ Tát”. Chúng ta chưa có trí tuệ của Cha Mẹ, của Thầy Cô thì chúng ta nương theo trí tuệ của Cha Mẹ, Thầy Cô. Chúng ta làm được như vậy thì chúng ta nắm chắc được việc vãng sanh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải khuyên bảo, làm ra tấm gương cho người khác xem. Đây là việc thiện tốt nhất trong các việc thiện. Chúng ta làm một việc mà chúng ta khiến chúng sanh phiền não, chúng ta cũng phiền não thì đó không phải là việc thiện. Chúng ta làm chúng sanh phiền não thì chắc chắn chúng sanh cũng làm chúng ta phiền não”. Chúng sanh phiền não thì họ sẽ có lời nói, hành động huỷ báng Tam Bảo, Thánh Hiền. Hàng ngày, chúng ta niệm “A Di Đà Phật” mà chúng ta làm người khác khó chịu vậy thì họ sẽ mắng Phật. Chúng ta thường cho rằng, họ nghiệp chướng sâu dày nên họ mới làm vậy. Chúng ta quán sát xem họ tạo nghiệp chướng hay chúng ta tạo nghiệp? Chúng ta có phải là tác nhân chính khiến họ tạo nghiệp không? Nếu chúng ta là tác nhân chính khiến họ tạo nghiệp thì chúng ta sẽ không phải là người vô can! Chắc chắn họ sẽ chướng ngại con đường vượt thoát sinh tử của chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm được việc “chí thiện”, việc thiện tốt nhất trong những việc thiện thì chúng ta sẽ làm ra tấm gương cho người. Người chưa học Phật nhìn thấy tấm gương của chúng ta thì họ có thể quay đầu chăm chỉ học tập. Đây chính là chúng ta đã phổ độ chúng sanh như nhà Phật đã nói. Hy vọng mọi người cùng nhau khích lệ, chăm chỉ, nỗ lực làm được!”. Phổ độ chúng sanh không phải là chúng ta phải giảng Kinh, nói pháp. Bản thân chúng ta làm tốt việc của mình thì chúng sanh sinh tâm kính phục, họ cũng sẽ tự động, tự phát học tập. “Thân giáo” là bài học cảm hoá con người một cách thiết thực nhất.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook