67Chủ Nhật, 18/06/2023, 20:48
81 · Chương II (P2) - Khuyến Tấn Hành Giả Nỗ Lực - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 18/06/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG II - MỤC KHUYẾN TẤN HÀNH GIẢ NỖ LỰC” ( BÀI BA)

Tâm của phàm phu chúng ta rất dễ lười biếng, chểnh mảng. Chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta phải được khuyến tấn, nỗ lực nếu không thì chúng ta không thể có thành tựu. Bồ Tát muốn có thành tựu thì các Ngài cũng cần được Đại Bồ Tát, Phật khuyến tấn.

Khi còn trẻ Hòa Thượng thân cận Đại sư Chương Gia, sau khi Đại sư Chương Gia Viên Tịch Hòa Thượng thân cận với Giáo sư Phương Đông Mỹ. Sau đó, Ngài học hơn mười năm với Lão sư Lý Bỉnh Nam, trong suốt quá trình tu học Ngài luôn thân cận, gần gũi thiện tri thức. Khi Hoà Thượng ở nhà cư sĩ Hàn Quán Trưởng, suốt 30 năm Ngài không rời giảng toà đây là cơ hội để Ngài được khuyến tấn. Hòa Thượng Hải Hiền cũng 90 năm lão thật niệm một câu “A Di Đà Phật” mới có thành tựu. Chúng ta không có sự khuyến tấn của thiện hữu tri thức thì chúng ta sẽ bị lui sụt. Nếu chúng ta không được nhắc nhở thì chúng ta thuận theo thế tình, theo tập khí xấu ác vậy thì chúng ta sẽ ngày càng thoái lui. Hòa Thượng nhắc chúng ta phải tìm cơ hội gần gũi thiện hữu tri thức để chúng ta được họ nhắc nhở. Nếu chúng ta tìm cách tránh mặt thiện hữu tri thức thì chúng ta đã đặc biệt sai.

Hòa Thượng nói: “Từng câu Phật dạy chúng ta đều là lời chân thật, chúng ta phải y theo lời dạy mà “Tự cầu đa phước”. “Tự cầu đa phước” là chúng ta nỗ lực giúp đỡ tất cả chúng sanh, nỗ lực tu ba loại bố thí là bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô uý”. “Bố thí vô uý” là chúng ta mang sự an lành đến với chúng sanh. Chúng ta tổ chức trại hè, chúng ta giảng đạo lý cho chúng sanh là chúng ta đang bố thí pháp. Bố thí tài bao gồm bố thí nội tài và bố thí ngoại tài. “Bố thí nội tài” là chúng ta bố thí năng lực, sức khoẻ của mình. “Bố thí ngoại tài” là chúng ta bố thí tiền tài, vật chất. Chúng ta bố thí mà chúng ta vẫn thấy mình đang bố thí, vẫn thấy người tiếp nhận và những thứ chúng ta đang bố thí thì chúng ta chỉ có được phước báu. Bố thí của Bồ Tát là bố thí tam luân không tịch. Các Ngài không còn thấy người cho đi, người nhận và vật cho đi. Chúng ta giúp người khác nhận ra sai lầm, giúp họ chuyển từ bất trung, bất hiếu thành người con hiếu thảo, trung nghĩa thì chúng ta sẽ có phước báu rất lớn.

  Hoà Thượng nhắc chúng ta “tự cầu đa phước”, tôi có sự thể hội sâu sắc về điều này do tôi đã có nhiều năm dịch thuật những bài giảng của Hòa Thượng. Chúng ta phải cho đi tất cả những gì chúng ta có một cách vô điều kiện. Chúng ta nỗ lực làm ra tấm gương, khi mọi người nhìn thấy thì họ sẽ học theo. Chúng ta tặng đậu cho mọi người thì họ sẽ giảm ăn thịt, giảm giết hại chúng sanh. Người thế gian chưa biết cho đi thì chúng ta làm ra tấm gương, chúng ta phải cho đi những thứ tốt nhất.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định phải nói đi đôi với làm!”. Người thế gian chỉ đa phần nói mà không làm. Hôm trước, khi tôi đến chùa Phúc Long nói chuyện với các cụ, sau khi chúng tôi tặng đậu, tôi nói một tuần sau chúng tôi sẽ làm một dây chuyền sản xuất đậu ở đây. Chúng ta đã nói đi đôi với làm! Hàng ngày, chúng ta thường rất tùy tiện, chúng ta cho rằng chúng ta trễ một, hai giờ cũng không sao. Chúng ta không được phép trễ. Việc lớn đương nhiên là chúng ta không được phép trễ nhưng việc nhỏ chúng ta cũng không được phép trễ. Tâm chúng ta phải là một tâm. Nếu chúng ta có hai tâm thì chúng ta đã “một lòng hai dạ”, chúng ta không đáng tin tưởng. Lời nói của chúng ta phải có lợi ích cho người, người nghe phải có khả năng làm được điều đó. Chúng ta thường phạm phải điều này vì tâm ý chúng ta rất bao chao. Chúng ta cảm thấy run khi chúng ta đứng trước đám đông là do tâm của chúng ta bao chao. Người tâm ý định tĩnh thì họ sẽ luôn tự tại.

Hòa Thượng nói: “Chúng sanh có nhiều căn tính là thượng căn lợi trí, trung căn, hạ căn. Chúng ta phải tùy theo căn tính của mỗi người mà giao việc cho họ. Chúng ta làm được điều này thì mọi người đều là người đương cơ, mọi người đều sẽ làm được lợi ích chúng sanh”. Người thượng căn mà chúng ta giao việc đơn giản cho họ thì chúng ta đã lãng phí nguồn lực. Người hạ căn mà chúng ta giao việc khó cho họ thì sẽ lãng phí thời gian. Chúng ta thường cảm tình dụng sự. Chúng ta cho rằng một người là trưởng bối, nhiều tuổi thì sẽ có nhiều kinh nghiệm. Hòa Thượng từng nói, có những người còn trẻ nhưng họ cũng đã có những cảm ngộ rất sâu sắc.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook