Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 17/06/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“PHẦN II - CHƯƠNG II - MỤC KHUYẾN TẤN HÀNH GIẢ NỖ LỰC” ( BÀI HAI)
Tâm của phàm phu chúng ta rất dễ lười biếng, chểnh mảng. Khi có người thúc đẩy thì chúng ta mạnh mẽ, tinh tấn nhưng khi không có người thúc đẩy thì tâm chúng ta lại trở về như cũ. Trong suốt cuộc đời tu hành của mình, chúng ta cần có sự khích lệ, khuyến tấn của Tổ Sư Đại Đức, của Phật Bồ Tát thì chúng ta mới có thể có thái độ tinh tấn. Suốt hơn mười năm tôi đã dùng hơn 30.000 dịch đĩa của Hòa Thượng, tôi cũng đã học 1200 chuyên đề một cách nghiêm túc, không trễ một phút nào. Hiện tại, chúng ta đang học “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, chúng ta cần phải gần gũi thiện tri thức để chúng ta được nhắc nhở, phản tỉnh.
Hòa Thượng nói: “Tôi sống trong thời chiến tranh, phần lớn thời gian là phải chạy loạn nên tôi không có nền tảng giáo dục tốt. Hiện tại, cho dù tôi rất nỗ lực, phấn đấu nhưng thành tựu của tôi cũng không thểp bằng người xưa. Nếu như thể chất của tôi không tốt, thân thể suy yếu nhiều bệnh thì tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn”. Hòa Thượng nhắc, chúng ta còn trẻ, có sức khoẻ thì chúng ta phải cố gắng, nỗ lực. Thầy Thái đã rất nỗ lực nhưng Thầy vẫn nói, thời trẻ Thầy ham chơi, đến khi được giao việc thì Thầy không làm tốt việc nên Thầy cảm thấy rất hối hận. Khi Thầy còn trẻ Thầy đã nỗ lực học đến học vị Tiến sĩ, học xong Tiến sĩ thì Thầy nghiên cứu để giảng về “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh”. Thầy dũng mãnh, tinh tấn như vậy mà Thầy còn cảm thấy chưa đủ! Chúng ta thường lười biếng thậm chí là phóng túng. Chúng ta nói chúng ta muốn làm lợi ích, muốn phục vụ chúng sanh nhưng chúng ta còn chưa thể làm tốt việc của mình. Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta đừng làm phiền chúng sanh đã là phước cho chúng sanh rồi chứ đừng nói là chúng ta độ chúng sanh!”.
Tôi đang cảm thấy tâm có thừa mà sức không đủ. Nhiều sự kiện nếu tôi có thể có mặt thì sự kiện đó sẽ có thể diễn ra tốt hơn. Vừa qua, trại hè ở thành phố Hồ Chí Minh có những việc không cần thiết mà chúng ta nên lược bỏ đi. Nếu chúng ta không có đủ sức khoẻ để làm lợi ích cho chúng sanh thì đây là việc rất đáng tiếc! Chúng ta phải cân bằng giữa việc đảm bảo sức khoẻ và việc lợi ích chúng sanh.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta ở Singapore, chúng ta có nhân duyên rất thù thắng đây là cơ hội để chúng ta tăng tấn tín nguyện. Chúng ta phải tranh thủ tu học để mau mau có thành tựu. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói: “Vô lượng kiếp đến nay, chúng ta mới có được nhân duyên rất hy hữu này! Chúng ta gặp được nhân duyên này thì chúng ta phải nỗ lực nắm lấy”. Chúng ta rất có phước vì chúng ta được sống trong thời đại hoà bình, chúng ta phải nỗ lực tự hoàn thiện mình để có cơ hội phục vụ chúng sanh tốt hơn.
Chúng ta luôn đọc lời phát nguyện trước Phật là: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chúng ta có tâm chân thành vì chúng sanh thì chúng ta sẽ có đầy đủ các năng lực. Khi chúng ta lắp đặt dây chuyền sản xuất đậu chúng ta mở rộng tâm vì chúng sanh nên cũng có những người mở rộng tâm hướng dẫn chúng ta tận tình. Tuy nhiên, khi lắp đặt dây chuyền sản xuất đậu ở nhiều nơi, có một số người tùy tiện nên đã dẫn đến sai sót khi lắp đặt. Phàm phu chúng ta luôn sống trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu chúng ta cho rằng tượng Phật phải để ngay ngắn còn đôi dép thì không cần để ngay ngắn thì chúng ta đã sai. Tâm để đôi dép và tâm để tượng Phật phải giống như nhau. Tâm làm việc lớn và việc nhỏ phải như nhau thì đó là chúng ta có một tâm. Hoà Thượng nhắc: “Chúng ta phải quay về với tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Chúng ta chỉ dùng một tâm để khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế, hành động tạo tác. Chúng ta làm việc cho con của mình và con của người khác bằng hai tâm khác nhau vậy thì chúng ta đã sai.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta sống trong nhân duyên khó được mà chúng ta vẫn không thắng được tập khí, cám dỗ vậy thì chúng ta đã bỏ lỡ cơ duyên tốt đẹp này rồi! Điều này chân thật là vô cùng đáng tiếc!”. Người thế gian cho rằng, khi còn trẻ thì chưa cần tu mà nên dành thời gian hưởng thụ “danh vọng lợi dưỡng”. Nếu chúng ta không tu đến khi chúng ta nhận ra thì thời gian đã không còn đủ. Chúng ta đã có bao nhiêu năm ô nhiễm thì chúng ta cần từng đó thời gian để cải đổi. Chúng ta đã ô nhiễm hai mươi năm thì chúng ta cũng cần hai mươi năm để sửa đổi.