156Thứ Sáu, 07/04/2023, 05:40

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 06/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN SÁU)

Hòa Thượng nói: “Từng giờ, từng phút, ở nơi nào chúng ta cũng có thể quay trở về với câu Phật hiệu và niệm Phật đạt đến công phu thành khối. Chúng ta niệm tới công phu thành khối thì trình độ quán chiếu của chúng ta hoàn toàn giống với trình độ quán chiếu của các tông phái khác”. Chúng ta quán sát xem từng hành động của chúng ta có đang diễn ra trong trạng thái quán chiếu không? Chúng ta thường “cảm tình dụng sự” nhưng vì chúng ta không quán chiếu nên chúng ta không nhận ra.

Tôi luôn quan sát mọi sự, mọi vật xung quanh. Thí dụ, trước khi tôi ngồi giảng bài, nếu các cành hoa trong bình hoa không cân xứng thì tôi sẽ chỉnh lại, tôi cũng luôn điều chỉnh chiếc bảng ghi chữ “A Di Đà Phật” ngay ngắn. Hòa Thượng nhắc: “Mọi lúc, mọi nơi chúng ta đều phải quán chiếu”. Chúng ta quán chiếu nhưng tâm chúng ta vẫn rất bình lặng, không phan duyên. Thí dụ, chúng ta nhìn thấy một cái cây cần nước thì chúng ta đi tưới, chúng ta thấy một vật không ngay ngắn thì chúng ta sửa lại. Mọi lúc, mọi nơi chúng ta luôn phải ở trạng thái định tĩnh, kiểm soát mọi khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của mình. Tâm chúng ta không “tự tư tự lợi”, không sợ khó, sợ khổ thì tướng của chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi.

Hôm trước, khi tôi đang nói chuyện với một người quản lý doanh nghiệp lớn, có một học trò gọi điện cho tôi, sau khi người học trò nói điện thoại xong, người quản lý doanh nghiệp đó hỏi tôi, người học trò nào mà giọng nói khẳng khái, mạnh mẽ, dứt khoát như vậy! Chúng ta làm ra dáng vẻ cung kính với người, với Phật Bồ Tát nhưng tâm chúng ta “tự tư tự lợi” thì chúng ta chỉ đang cung kính vì “tự tư tự lợi”.

Ngày trước, tôi sợ mọi thứ, khi tôi nhìn thấy bụi cây bị gió lay động thì tôi tưởng đó là ma. Hiện tại, tôi đã hoàn toàn khác. Ngày trước, một lần tôi lên ngủ ở một ngôi chùa trên núi, tối hôm đó tôi đã gặp nhiều chướng ngại. Tôi nằm ngủ trên chiếc giường của Thầy trụ trì, Thầy trụ trì là học trò của tôi nên Thầy nhất quyết mời tôi nghỉ ở giường đó. Chiếc giường cũng chỉ làm bằng các mảnh gỗ ghép vào, chiếc giường được làm cao hơn những chiếc giường khác để Thầy trụ trì có thể quan sát được các chú tiểu. Khi tôi nằm trên chiếc giường đó tôi không thể ngủ được. Tôi nói với những người đang chướng ngại tôi rằng, ngày mai tôi phải dạy nhiều lớp, nếu tôi không ngủ được, tôi không dạy học được thì đó là các người đã chướng ngại người khác, nhân quả này sẽ không nhỏ! Tâm chúng ta chân thành, đoan chánh thì tâm chúng ta sẽ sinh ra năng lượng rất tích cực, người khác nhìn vào sẽ cảm thấy nể sợ. Người có tâm tà khi nhìn thấy người có tâm chánh họ sẽ sợ.

Nếu chúng là những người khởi tu thì chúng ta phải học đúng, làm một cách triệt để chứ chúng ta không làm một cách dễ coi. Tâm chúng ta chánh thì lời nói, hành động của chúng ta sẽ chánh, chúng ta niệm Phật sẽ có công phu. Nếu chúng ta niệm Phật giống như bị ép buộc thì khi chúng ta không chịu được nữa, chúng ta sẽ bỏ pháp môn niệm Phật. Tôi đã nhìn thấy vô cùng nhiều người bỏ pháp môn niệm Phật mặc dù trước đó họ nói họ rất an lạc khi niệm Phật. Họ tự lừa dối chính mình, nếu họ niệm Phật an lạc thì họ sẽ không bỏ pháp môn niệm Phật.

Hòa Thượng nhiều lần nhắc chúng ta phải quán chiếu, quán sát hành động, việc làm, soi chiếu nội tâm của chính mình. Chúng ta quán sát xem chúng ta đang dụng tâm gì, chúng ta có đang dùng tâm của người quân tử, tâm của Phật Bồ Tát không. Chúng ta dùng tâm tiểu nhân, tâm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta không thể có thành tựu. Nhà Phật nói: “Từ bi khắp pháp giới, thiện ý khắp nhân gian”. Phật Bồ Tát từ bi trùm khắp pháp giới, thiện đãi tất cả chúng sanh không phân biệt màu da, chủng tộc, vùng miền. Hòa Thượng, Phật Bồ Tát hết lòng, hết dạ khuyên bảo chúng ta. Chúng ta nghe có vẻ như hiểu nhưng chúng ta làm ngược lại là vì chúng ta hoàn toàn không có quán chiếu.

Khi tôi đi đến đâu, tôi cũng quan sát và ghi nhớ hoàn cảnh xung quanh. Thí dụ, nếu ai hỏi ở Sơn Tây có bao nhiêu đường ống nước, chỗ nào có viên gạch vỡ thì tôi sẽ nói cho họ nghe. Tôi đã chụp hình lại, khi nào cần nhớ thì tôi sẽ nhớ lại. Chúng ta không nhớ những việc cần nhớ, nhưng nhớ rất rõ những việc không cần nhớ vậy thì hàng ngày, chúng ta không quán chiếu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook