Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 05/04/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN NĂM)
Mỗi chúng ta đều có thể đạt đến ba cấp độ của niệm Phật. Cấp độ thứ nhất là “lý nhất tâm bất loạn”. Các vị Bồ Tát đã đạt được “lý nhất tâm bất loạn”. Cấp độ thứ hai là “sự nhất tâm bất loạn”. Cấp độ thứ ba là “công phu thành khối”. “Công phu thành khối” là trong tâm chúng ta giữ chặt một câu “A Di Đà Phật”, không bị vọng tưởng, phiền não xen lẫn.
Công phu niệm Phật thấp nhất là niệm Phật thành khối nhưng chúng ta không dễ đạt được vì hàng ngày chúng ta luôn sống trong vọng tưởng. Hòa Thượng từng nhắc chúng ta đừng nhầm lẫn giữa vọng tưởng và quán chiếu. Chúng ta cũng thường nhầm lẫn giữa tham vọng là nguyện vọng. Chúng ta đang bị tham vọng thúc đẩy nhưng chúng ta tưởng đó là nguyện vọng. “Tham vọng” là cưỡng cầu, phiền não. “Nguyện vọng” thì không có cưỡng cầu, phiền não. Hàng ngày, chúng ta vẫn phiền não thì đó là chúng ta đang có tham vọng, chúng ta làm mọi việc đều vì “cái ta”, vì “cái của ta”.
Người thế gian luôn phân biệt, chấp trước “cái ta”, “cái của ta”. Hòa Thượng dành phần lớn thời gian ở xứ người, làm rất nhiều Phật sự không phân biệt quốc gia, chủng tộc, màu da, tôn giáo. Vị tổ của Tổ Đình Phước Hậu là Ngài Khánh Anh, Ngài quê ở huyện Phổ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, từ khi Ngài vào Nam, Ngài chưa từng quay trở về quê hương. Ngài dành cả cuộc đời để xây chùa, tiếp tăng, độ chúng, hy sinh phụng hiến vì chúng sanh. Chúng ta phải phát tâm rộng lớn, không có biên giới thì chúng ta mới có thể niệm Phật thành khối. Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi là một mảng tâm chân thành”. Tâm chúng ta cũng phải là một mảng tâm “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Chúng ta còn mạnh khỏe mà chúng ta không quán chiếu được khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của mình vậy thì khi bệnh khổ đến chúng ta sẽ rất khó làm được.
Hòa Thượng nói: “Công phu thành khối chính là tâm thanh tịnh. Nếu chúng ta đạt được niệm Phật công phu thành khối thì tâm chúng ta không còn xen tạp, vọng niệm, chúng ta chỉ chuyên chú ở câu Phật hiệu, chuyên chú về thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm”. Nếu chúng ta không niệm Phật nhưng tâm chúng ta là một mảng thanh tịnh thì chúng ta cũng sẽ không phải đi vào ba đường ác. Người có tâm thanh tịnh sẽ không có phiền não, chướng ngại vì họ không tranh đua, không khởi tâm thành bại, được mất, hơn thua, lời lãi, tốt xấu.
Hàng ngày, chúng ta luôn hấp ta, hấp tấp thì khi chúng ta sắp lâm chung tinh thần của chúng ta cũng sẽ bấn loạn. Thí dụ, chúng ta có cuộc hẹn lúc 9 giờ 30 thì chúng ta có mặt trước vài phút là được, nếu chúng ta đến quá sớm thì đó là chúng ta nóng vội, chúng ta đến trễ thì đó là chúng ta chểnh mảng. Hàng ngày, chúng ta chìm đắm trong sự ô nhiễm, xen tạp mà chúng ta không nhận ra. Hòa Thượng nói: “Người khác nhìn thấy rất rõ công phu của chúng ta. Chúng ta không giấu được ai!”. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta không thể bình tâm thì khi sinh tử đến chúng ta cũng sẽ không thể bình tâm. Khi chúng ta chết, tứ đại phân ly giống như tứ mã phanh thây. “Tứ mã phanh thây” là bốn con ngựa kéo thân thể đi về bốn hướng. Chúng ta bị nhức răng, bị gai đâm chúng ta đã đau đến mức không ngồi niệm Phật. Những việc được mất, hơn thua, tốt xấu chỉ là những việc bên ngoài chưa liên quan đến các bộ phận trong cơ thể của chúng ta, chúng ta có thể sẽ đột ngột mất đi các bộ phận hay mất đi cả cơ thể này.
Phật nói, thân người có tám cái khổ không thể tránh được, đó là: Sinh – Lão – Bệnh – Tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Nếu chúng ta không vượt qua được những cái khổ bên ngoài thì Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Chúng ta đáng đọa lạc như thế nào thì chúng ta sẽ phải đoạ lạc như thế đó. Chúng ta đáng sinh tử như thế nào thì chúng ta sẽ phải sinh tử như thế đó!”. Phật đã nói rất rõ tổng nguyên lĩnh, tổng nguyên tắc, chúng ta làm đạt tiêu chuẩn thì chúng ta sẽ có thành tựu.
Hòa Thượng từng kể câu chuyện, có một vị cư sĩ ở Singapore, hàng ngày ông dẫn chúng niệm Phật nhưng khi sinh tử đến thì ông hoảng sợ, mọi người đến niệm Phật cho ông thì ông đuổi về. Hàng ngày, công phu quán chiếu vô cùng quan trọng, chúng ta phải quán chiếu xem việc làm của chúng ta có đang vì “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn” hay không.