67Thứ Năm, 15/06/2023, 21:57

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 15/06/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG II - MỤC NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ” ( BÀI BỐN)

Chúng sanh có tập khí đố kỵ rất sâu nặng, đây là đại căn, đại bệnh của mỗi chúng ta. Chúng ta có tâm đố kỵ nên chúng ta không tán thán đạo tràng, pháp tu của người khác. Bồ Tát Phổ Hiền đã dạy chúng ta: “Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai”. Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật nên người tu hành đúng như pháp thì chúng ta tán thán, lễ kính, người tu hành không đúng như pháp thì chúng ta lễ kính nhưng không tán thán. Chúng ta trải qua những năm tháng dài tu tập thì chúng ta sẽ dần dần hiểu ra điều này!

Hoà Thượng gần 70 năm giảng Kinh, nói pháp, Ngài chỉ tán thán chứ tuyệt đối không đố kỵ, huỷ báng, chê bai một tôn giáo nào. Hoà Thượng nhắc chúng ta phải tán thán đạo tràng, pháp tu, các bậc Thầy dẫn đạo của người khác. Chúng ta tán thán một cách khéo léo, trí tuệ chứ chúng ta không tùy tiện tán thán. Thầy Thái dạy chúng ta chỉ nên khen ngợi đức hạnh, đạo đức của người khác. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của nhà Phật, pháp nào cũng có thể giúp chúng ta giải thoát. Người xưa nói: “Thà làm động nước trăm sông hơn là làm động tâm người tu hành”. Ở thế gian có rất nhiều ngành nghề dù là công nhân vệ sinh hay người buôn bán nhỏ cũng đều là những nghề quan trọng. Tri thức ở thế gian cũng vậy, môn học nào cũng tốt như nhau. Chúng ta phân biệt, chấp trước thì chúng ta mất đi tâm thanh tịnh. Người lão thật niệm Phật thì họ chỉ một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng.

Hòa Thượng từng kể câu chuyện về một người phụ nữ tên là Trương Thị, gia đình bà rất nghèo, chồng làm nghề lái xe ba gác, khi ở chùa có Phật thất thì bà thường đến chùa làm công quả. Mọi người niệm Phật ở niệm Phật đường còn bà ở dưới bếp làm những việc nặng nhọc nhưng bà vẫn luôn giữ tâm thanh tịnh niệm Phật. Một hôm, bà dặn chồng ở lại chăm sóc con nhỏ còn bà thì tự tại vãng sanh. Chúng ta chỉ cần lão thật niệm Phật là được! Chúng ta không lão thật nên chúng ta nơi nơi đều có chướng ngại.

Hòa Thượng nói: “Năm 1977, khi tôi đến Hồng Kông giảng Kinh, Hòa Thượng Thánh Nhất, ở núi Đại Vũ đều ngày ngày đến nghe Kinh. Hòa Thượng Thánh Nhất mời tôi đến chùa Bảo Liên để giảng Kinh, đây là đạo tràng tu thiền, mỗi ngày có khoảng 40 người, trong đó có cả người nước ngoài. Khi tôi giảng, từ đầu đến cuối tôi đều tán thán đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm, tán thán Hòa Thượng Thánh Nhất, tán thán đạo tràng là một tăng đoàn hoà hợp. Các Ngài biết tôi hiểu được quy củ nên tôi sẽ không làm những việc phá hoại đạo tràng mà tôi chỉ tăng thêm tín tâm của thính chúng đối với pháp môn và đối với các vị pháp sư”. Nếu chúng ta phá hoà hợp tăng thì tội báo của chúng ta sẽ là ở A tỳ Địa Ngục.

Hòa Thượng nói: “Năm 1987, khi tôi mới đến Singapore, pháp sư Diễn Bồi mời tôi đến đạo tràng của Ngài khai thị. Pháp sư Diễn Bồi tu Tịnh Độ Di Lặc, pháp sư cầu sinh về thế giới của Ngài Di Lặc. Khi đến đó khai thị tôi chỉ tán thán Tịnh Độ Di Lặc, đạo tràng, pháp sư của họ. Tôi không hề so sánh giữa Tịnh Độ Di Lặc và Tịnh Độ Di Đà”. Khi chúng ta đến một môi trường khác, chúng ta không thể nói rằng giáo dục văn hóa truyền thống tốt, giáo dục hiện đại không tốt. Chúng ta đến nơi của họ chúng ta tuyệt đối không thể nói pháp môn mình đang tu tốt, còn pháp môn mà họ đang tu hành là dở. Chúng ta làm như vậy thì tâm chúng đã phân biệt hơn thua, tốt xấu.

Hòa Thượng nói: “Nếu nơi nào chưa có phương hướng tu hành thì chúng ta mới có thể khuyên họ niệm Phật. Nếu họ đã có phương hướng tu hành thì chúng ta tuyệt đối không khuyên họ trừ khi họ thật sự muốn thay đổi. Nếu người nào thật muốn thay đổi pháp tu, họ cần cầu thì chúng ta chỉ nói với cá nhân họ. Nếu chúng ta nói ở đạo tràng thì chúng ta đã phá hoại đạo tràng. Đây là tội lỗi rất lớn! Người giảng Kinh, nói pháp nhất định phải hiểu lễ tiết này!”. Chúng ta phê bình, chỉ trích pháp tu của người khác thì chúng ta không phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Chúng ta phải trừ bỏ tập khí thì chúng ta mới có thể niệm Phật có công phu. Trong “Kinh A Di Đà” nói: “Đâu phải thiện căn, phước đức nhân duyên ít mà về được nước kia“. Trong “Đàn Kinh”, Ngài Lục Tổ Huệ Năng cũng nói: “Người chân thật tu hành thì không thấy lỗi của thế gian”. Chúng ta cho rằng chúng ta tu hành đúng, chúng ta làm giáo dục đúng còn người khác làm sai thì chúng ta đã có tâm phân biệt, chấp trước. Người thế gian có căn bệnh trầm kha là tự khen mình, chê người. Chúng ta khen pháp tu, đạo tràng, cách tu của mình tốt thì chúng ta đã có tâm phải quấy, tốt xấu, được mất, hơn thua.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook