Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 14/06/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“PHẦN II - CHƯƠNG II - MỤC NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ” ( BÀI BA)
Người học Phật phải vào được cảnh giới của Phật, nghĩa là người học Phật phải làm được những việc mà Phật Bồ Tát đã làm. Chúng ta học chuẩn mực của người xưa thì chúng ta phải làm được những việc người xưa đã làm. Nếu chúng ta chỉ làm được một chút việc tốt, việc thiện thì chúng ta chưa phải là người chân thật học Phật. Chúng ta học, nói ra những chuẩn mực của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền nhưng chúng ta không thật làm thì chúng ta chỉ giống như nhân viên ngân hàng. Nhân viên ngân hàng mỗi ngày đều đếm rất nhiều tiền nhưng đó là tiền của người khác chứ không phải là tiền của họ.
Hòa Thượng nói: “Phật nói rất nhiều pháp môn để phù hợp với căn tánh khác nhau của chúng sanh. Chúng ta phải chọn pháp môn phù hợp với căn tính của mình”. Trong mỗi trường Đại học cũng có nhiều khoa khác nhau, chúng ta phải chọn một chuyên ngành nhất định phù hợp với mình để học. Nếu môn nào chúng ta cũng muốn học thì chúng ta sẽ không thể có thành tựu. Chúng ta phải chọn pháp môn phù hợp với căn tính, công việc của chúng ta. Pháp môn đó phải là pháp môn mà chúng ta có thể “tùy văn nhập quán”. “Tùy văn nhập quán” là chúng ta phải thể hội và thực tiễn được những lời dạy của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền ngay trong đời sống. Khi chúng ta nhìn thấy một người đang tức giận thì chúng ta đọc “Lời nhường nhịn!” thì người kia liền hiểu “Lời nhường nhịn, tức giận mất” thì đây chính là “tùy văn nhập quán”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta vào được cảnh giới là ngay trong cuộc sống thường ngày, trong đối nhân xử thế tiếp vật, mỗi giờ, mỗi phút chúng ta đều không mất đi chánh niệm, chúng ta đều đề cao giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền. Người học Phật, người học đạo Thánh Hiền phải có được bản lĩnh này!”. “Giữ chánh niệm” là chúng ta biết nơi nào cần ứng dụng lời dạy của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền. Chúng ta cần biết trong hoàn cảnh nào chúng ta đề khởi giáo huấn của Phật Bồ Tát, hoàn cảnh nào chúng ta đề khởi giáo huấn của Thánh Hiền hay giáo huấn của những tấm gương đức hạnh. Chúng ta làm được điều này thì chúng ta sự sự vô ngại. Chúng ta sẽ không có chướng ngại. Hiện tại, chúng ta thường bị cảnh xoay chuyển, nghịch cảnh, thuận cảnh đều làm chúng ta động tâm.
Hòa Thượng nói: “Người có bản lĩnh “tùy văn nhập quán” thì sẽ không khiếp sợ yêu ma, quỷ quái. Thậm chí chúng ta còn giúp đỡ được những người cám dỗ chúng ta, những người tạo ra thuận cảnh, nghịch cảnh cho chúng ta. Chúng ta có bản lĩnh “tùy văn nhập quán” thì chúng ta có thể giải quyết mọi việc một cách rất viên mãn”. “Yêu ma quỷ quái” là những gì có thể chướng ngại tâm thanh tịnh của chúng ta. Nghịch cảnh, thuận cảnh đều là yêu ma, quỷ quái. Bản lĩnh “tùy văn nhập quán” là chúng ta phân biệt được nơi nào chúng ta cần ứng dụng lời dạy của Phật Bồ Tát, nơi nào chúng ta cần ứng dụng lời dạy của Thánh Hiền. Những người cám dỗ, tạo ra thuận cảnh, nghịch cảnh cho chúng ta thì chúng ta còn giúp họ nhận ra sai lầm. Chúng ta phải thật làm thì chúng ta mới có được bản lĩnh này. Nếu chúng ta không đề khởi được lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền thì chúng ta sẽ bị tập khí dẫn dắt. Chúng ta luôn gặp chướng ngại vì chúng ta không đủ bản lĩnh để vượt qua.
Hòa Thượng nói: “Thánh Hiền, Phật Bồ Tát đều dạy chúng ta để chúng ta có thể đạt đến cứu cánh viên mãn”. Các Ngài dạy chúng ta “tự hành hoá tha”. “Tự hành” là chúng ta tự mình thực hành. “Hoá tha” là chúng ta giúp cho người. “Tự hành” giúp cho “hoá tha” và “hoá tha” cũng giúp cho “tự hành”. Nhiều người khi ở trong bốn bức tường thì họ tưởng rằng mình đã “tự hành” rất tốt nhưng khi gặp cảnh thì họ vẫn khởi phiền não như cũ. Có những người cho rằng mình có bản lĩnh “hoá tha”, họ cho rằng họ có thể giúp người giác ngộ nhưng chính họ lại không tự làm.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta đọc Kinh, nghe giảng để chúng ta hiểu rõ chân tướng của vũ trụ, nhân sanh từ đó chúng ta có thể nhìn thấu, buông xả. Chúng ta hiểu rõ thì chúng ta mới có thể buông xả. Nếu chúng ta hiểu rõ thì chúng ta sẽ biết cách để đối đãi với mọi hoàn cảnh xung quanh”. Thế gian này không có gì là thật nhưng chúng ta vẫn kiên cố nắm chấp. Trên “Kinh Kim Cang” nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào ảnh”. Tất cả những thứ có hình tướng đều là hư vọng. Tất cả pháp chúng ta nhìn thấy đều như giấc mộng, như giọt sương, như ánh chớp. Giọt sương long lanh trên cỏ rất đẹp nhưng chỉ cần một cơn gió nhẹ thì giọt sương đã tan biến. Trong cuộc sống, chúng ta đã phải đưa tiễn bao nhiêu người thân rồi? Nếu thế gian là thật thì chúng ta đã không phải đưa tiễn người nào, một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ phải đưa tiễn chính mình.