Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 13/06/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“PHẦN II - CHƯƠNG II - MỤC NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ” ( BÀI HAI)
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phát tâm học Phật, dù chúng ta là người tại gia hay người xuất gia thì chúng ta đều phải làm được như trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Tất cả khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta phải chuẩn mực. Người học Phật tuyệt đối không được nói đùa, nói chơi khiến người khác không phân biệt được thật giả. Nhiều năm qua, Hoà Thượng nhắc đi nhắc lại câu nói này, tôi được nghe nhiều lần nhờ đó tôi đã thúc liễm thân tâm của mình.
Tôi là phàm phu vẫn còn nhiều sai sót nhưng tôi may mắn vì ngày ngày tôi được Hòa Thượng nhắc nhở. Chúng ta quán sát xem chúng ta đang “sơn son thếp vàng” hay “bôi tro trát trấu” lên giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền? Chúng ta không có thời gian dài lâu, trường kỳ thì chúng ta không thể thể hội được lời dạy của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền. Chúng ta thể hội được thì chúng ta mới có thể hành trì được miên mật. Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm như vậy mà chúng sanh làm theo chúng ta thì việc làm của họ có đúng không?”. Chúng ta nghe một lần mà chúng ta chưa tỉnh ngộ thì chúng ta nghe 10 lần, 20 lần, 100 lần. Tôi dành thời gian hơn 10 năm, gần 30.000 giờ để dịch đĩa của Hòa Thượng nên tôi đã được nghe Hoà Thượng nhắc rất nhiều lần. Khi chúng ta học 1200 chuyên đề chúng ta cũng đã được Hòa Thượng nhắc nhở rất nhiều lần.
Người xưa dạy: “Nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”. Chúng ta phải chuyên theo một vị Thầy hướng đạo, một hướng Tây Phương và một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng. Tâm chúng ta được định thì trí tuệ của chúng ta sẽ khai mở. Nếu chúng ta có trí tuệ thì mọi sự, mọi việc chúng ta đều tường tận, chúng ta không cần phải suy nghĩ, tư duy. Nếu chúng ta suy nghĩ, tư duy thì đó không phải là trí tuệ. Chúng ta có trí tuệ thì việc chưa đến thì nó không hiện bày, việc đến thì tự nhiên nó sẽ tự hiện bày. Chúng ta chắc cũng đã có thể hội về điều này. Nếu việc chưa đến nhưng chúng ta bao chao, xao động thì chúng ta thấy rất khẩn trương. Tâm chúng ta bình lặng thì chúng ta sẽ có cách giải quyết rất nhẹ nhàng.
Hôm qua, tôi xem một video clip, có một người thanh niên, sau khi tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin, anh về quê ở Thanh Hóa để tự canh tác trên mảnh đất đã bạc màu mà Cha Mẹ để lại. Anh sống hoà mình với thiên nhiên, tự trồng trọt. Đất đã bạc màu nên anh để cỏ mọc tự nhiên, rễ cỏ làm cho đất tơi xốp, khi cỏ chết thì thành phân bón cho đất. Con người chỉ cần thức ăn, không khí trong lành, đời sống thanh tịnh là đủ. Có một người nước ngoài đã nói rằng, ngày nay, con người làm việc vất vả kiếm tiền để gửi ngân hàng, mua đồ xa xỉ, nhưng con người không chú trọng đến chuyện ăn sạch, uống sạch, thở sạch. Khi vào nhà hàng họ chỉ không chú trọng đến các món hữu cơ tốt cho sức khoẻ. Người thế gian đi siêu xe, ở nhà đắt tiền nhưng họ lại không chú ý đến môi trường sống, chất lượng thức ăn, chất lượng không khí. Chúng ta không cẩn trọng thì chúng ta sẽ tạo ra tấm gương xấu về việc hoang phí thực phẩm, không bảo vệ môi trường. Nơi tôi đang ở, cây trái phát triển xanh tươi, tôi chỉ nhổ những cây cỏ lớn còn cây cỏ nhỏ giúp che phủ đất, có nhiều loài động vật sống cũng tìm về nơi này để sống.
Hoà Thượng nói: “Trên Kinh, Phật dạy chúng ta phải đạt đến “lão thật”. Chúng ta phải lão thật trong khởi tâm động niệm, lão thật trong đối nhân xử thế, lão thật niệm Phật. Người lão thật thì mới có thể có thành tựu trong Phật pháp. Người lão thật chính là Bồ Tát vì họ đã không còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, người này”. Ngày nay, người thế gian sống không thật, họ thường tìm cách lừa gạt người để chiếm lợi ích. Chúng ta học Phật, học đạo đức Thánh Hiền, chúng ta chỉ cần nghe lời, làm theo, không cần phải suy nghĩ, bàn luận. Những điều Phật Bồ Tát, Thánh Hiền dạy chúng ta đều lưu xuất ra từ trí tuệ của các Ngài nên những điều này không có tác dụng phụ, không thể sai! Chúng ta làm việc gì cũng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thí dụ, chúng ta cho rằng chúng ta làm việc vất vả mà không có được lợi ích gì thì đó là chúng ta đã vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu Phật Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có tâm như vậy thì các Ngài không thể làm ra được mô phạm cho thế gian.