148Thứ Hai, 12/06/2023, 17:15
75 · Chương II (P2) - Nói Rõ Phương Pháp Tu Trì - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 12/06/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG II - MỤC NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ” ( BÀI MỘT)

Phật nói ra nhiều pháp môn để phù hợp với căn tánh khác nhau của chúng sanh. Chúng ta phải lựa chọn pháp môn phù hợp với căn tánh của mình. Phật Bồ Tát, các vị Tổ Sư Đại Đức cũng đã vì chúng ta mà lựa chọn. Hoà Thượng là người thông tông, thông giáo, Ngài có thể giảng được tất cả các Kinh, thậm chí cả Kinh của các tôn giáo bạn nhưng Ngài một đời gần 70 năm chỉ chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ. Một lần Hoà Thượng giảng về Thiền cho những người tu Thiền nghe, có người hỏi Hoà Thượng, Ngài giảng Thiền hay như vậy sao Ngài không tu Thiền. Hòa Thượng nói, tôi giảng Thiền để những người có căn tánh phù hợp pháp môn Thiền nghe, còn căn tánh của tôi chỉ phù hợp với pháp môn Tịnh Độ. Hòa Thượng trả lời một cách rất dứt khoát.!

Trong “Kinh Đại Tập”, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng đã nói: “Thời kỳ Chánh Pháp giới luật thành tựu. Thời kỳ Tượng pháp thì pháp môn Thiền Định thành tựu. Thời kỳ Mạt pháp thì pháp môn Tịnh Độ thành tựu”. Thời kỳ Chánh pháp là thời kỳ 500 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn. Thời kỳ Tượng pháp là thời kỳ 1.000 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn. Thời kỳ Mạt pháp là thời kỳ 10.000 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn. Chúng ta đang là thời kỳ đầu của thời kỳ Mạt pháp. Phật cũng đã vì chúng ta mà chọn lựa pháp môn phù hợp với căn tánh của chúng ta.

Hàng ngày, tâm chúng ta luôn nghĩ tưởng lăng xăng, vọng tưởng triền miên. Chúng ta không nhớ niệm câu “A Di Đà Phật” vậy thì chúng ta càng không thể giữ tâm không. Chúng ta đề khởi câu “A Di Đà Phật” một cách miên mật thì vọng niệm sẽ dần biến mất. Trước khi Phật nhập Niết Bàn, Phật dạy chúng ta: “Y pháp bất y nhân. Y nghĩa bất y ngữ. Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa. Y trí bất y thức”. “Y nghĩa bất y ngữ” là mỗi người có thể diễn đạt ngôn ngữ theo cách khác nhau nhưng quan trọng là ý nghĩa phải thấu tình đạt lý, phù hợp với phong tục tập quán, nhân quả. “Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa” là chúng ta phải chọn pháp tu phù hợp với căn tánh của chúng ta. Nếu pháp tu phù hợp với căn tánh của chúng ta thì chúng ta mới có thể có thành tựu. Chúng ta không phải bậc thượng căn cũng không phải người hạ căn. Bậc thượng căn thì một nghe ngàn ngộ. Người căn tính hạ ngu thì chân thật nghe và làm theo lời dạy. Chúng ta không phải bậc hạ căn vì chúng ta có nhiều kiến giải. Tổ Sư Đại Đức dạy chúng ta phải “học ngu”. Chúng ta thấy mình không có trí tuệ thì chúng ta phải hướng đến người khác để học tập.

  “Y trí bất y thức” là chúng ta phải nương vào trí tuệ, đừng nương vào tình cảm. Chúng ta tổ chức sự kiện, chúng ta thường bị cảm tình lôi kéo. Chúng ta không phải người “vô sự” thì chúng ta không thể sáng suốt. Phụ huynh, học sinh có thể cảm xúc, các Thầy Cô giáo có thể hòa mình vào trong cảm xúc đó nhưng Ban lãnh đạo phải hoàn toàn tỉnh . Chúng ta hòa trong cảm xúc với mọi người thì chúng ta đã bị động tâm. Hôm qua, khi chúng ta tổ chức sự kiện, tôi chỉ hoà cùng cảm xúc với mọi người ở mức nhất định.

Một lần, khi Hoà Thượng về thăm Lão sư Lý Bỉnh Nam, Lão sư Lý Bỉnh Nam nói với Hòa Thượng: “Ông phải tin Phật!”. Hòa Thượng ngạc nhiên, vì Hòa Thượng đã theo Thầy Lý Bỉnh Nam học 10 năm, Ngài đã giảng Kinh nói pháp khắp nơi trên thế giới nhưng Ngài Lý Bỉnh Nam vẫn cho là Ngài chưa tin Phật. Nếu chúng ta tin Phật ở mức độ nào thì sẽ đạt chúng ta sẽ đạt được kết quả ở mức độ đó. Ngày trước, tôi chưa hiểu thấu câu nói này của Lão sư Lý Bỉnh Nam, gần đây, tôi mới có sự thể hội sâu sắc.

Chúng ta tin Phật thì những lời Phật dạy phải là chân lý. Nếu chúng ta làm được theo lời Phật dạy 50% thì chúng ta sẽ có kết quả là 50%. Nếu chúng ta làm được theo lời Phật dạy 100% thì chúng ta sẽ có kết quả là 100%. Không thể nào khác! Nếu chúng ta chỉ làm được kết quả 30% thì chúng ta mới chỉ tin lời Phật 30%. Chuẩn mực của Thánh Hiền cũng như vậy, chuẩn mực của Thánh Hiền cũng đã trải qua thời gian, không gian minh chứng, ai làm được 100% thì kết quả sẽ là 100%, ai làm được 70% thì kết quả sẽ là 70%, ai làm được 30% thì kết quả sẽ là 30%. Chúng ta thường cho rằng chúng ta đã dụng tâm nhưng đó là chúng ta đang vọng tưởng. Chúng ta tổ chức bất cứ sự kiện gì, người lãnh đạo, ban tổ chức phải là người chủ động dẫn đạo hoàn cảnh, không để hoàn cảnh lôi kéo. Chúng ta phải làm được “cảnh tùy tâm chuyển”, cảnh phải chuyển theo tâm của chúng tta. Chúng ta để tâm tuỳ cảnh chuyển thì chúng ta càng làm, càng rơi vào Ma sự.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook