80Thứ Bảy, 10/06/2023, 09:10
73 · Chương II (P2) - Nói Rõ Cách Giữ Tâm - 6

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 10/06/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: MỤC NÓI RÕ CÁCH GIỮ TÂM (PHẦN SÁU)”

Chúng ta thường cho rằng, chúng ta dễ dàng điều phục được tâm của mình nhưng khi chúng ta gặp cảnh thì tập khí của chúng ta lại trỗi dậy. Chúng ta quán sát thì chúng ta mới nhận ra điều này. Hòa Thượng thường nhắc nhở chúng ta phải giữ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi nhưng chúng ta gặp thuận cảnh vẫn sinh tâm ưa thích, gặp nghịch cảnh vẫn sinh tâm phiền não. Nếu có những năm tháng huân tập dài lâu thì trong vô hình trung tâm của chúng ta sẽ được thuần hoá. Chúng ta cần thời gian dài để huân tập, đào thải tập khí xấu ác nên tuổi thọ là rất quan trọng.

Người xưa nói: “Ba ngày không nghe Kinh thì diện mạo chúng ta đã thay đổi”. Ngày nay, chúng ta một ngày không học Phật pháp, học giáo huấn Thánh Hiền thì diện mạo chúng ta đã thay đổi. Tập khí rất đáng sợ. Người xưa tu hành nhiều năm, đã có công phu nhưng các Ngài vẫn tìm đến chốn tịch tĩnh để huân tu. Nếu chúng ta ngày ngày đến những nơi ồn ào, nhiều cám dỗ thì chúng ta không dễ giữ được tâm thanh tịnh. Thí dụ, hàng ngày, chúng ta ăn những món ăn lạ thì chúng ta sẽ hình thành thói quen, sau đó, chúng ta lại mất thời gian để đối trị những thói quen này. Người xưa nói: “Thanh tâm quả dục”. “Quả” là cô độc, riêng lẻ. Chúng ta phải ít muốn, hạn chế đến mức thấp nhất dục vọng của mình. Người có đạo lực mà còn phải tìm đến nơi thanh tịnh, chúng ta chưa có đạo lực mà chúng ta vẫn tìm đến nơi ồn náo, dễ dàng dẫn khởi dục vọng thì chúng ta sẽ càng mất thời gian để đối trị tập khí.

Khi Hòa Thượng còn đi học, Ngài chỉ ở bên cạnh Thầy, khi Ngài đi giảng Kinh, Ngài có được sự cung phụng rất lớn nhưng Ngài hoàn toàn không tiếp nhận. Ngài đến và đi rất tự tại. Ngài không phân biệt nơi nào đãi ngộ nhiều hay ít, khi công việc xong thì Ngài rời đi. Ông Lý Kim Hữu ở Malaysia là một đại hộ pháp của Hòa Thượng, ông có một khách sạn sáu sao rất sang trọng, ông phát tâm mở Phật thất cho các đồng tu, tu học miễn phí ở đó. Hòa Thượng nhận được sự đãi ngộ rất tốt nhưng giảng xong Ngài liền trở về nơi ở thanh tịnh của mình. Đó là cách Ngài giữ gìn tâm.

Có những người quen sống trong lời khen, trong ánh đèn sân khấu, khi họ mất đi những thứ này thì họ cảm thấy cô độc, đau khổ. Từ lâu, tôi cố gắng học theo Hoà Thượng, đó là cách tôi giữ gìn, rèn tâm. Tôi biết mình gần tài dính tài, gần sắc dính sắc, gần ăn dính ăn, gần ngủ dính ngủ nên khi tham gia sự kiện xong thì tôi quay về chốn của mình. Nơi tôi ở, nhiều tháng có thể không có người đến, tôi thường nói với mọi người là tôi rất bận, đây là cách tôi tránh duyên. Chúng ta gần “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” thì chắc chắn chúng ta sẽ động tâm.

Đức Phật và 1200 đệ tử của Ngài nửa ngày ăn một bữa dưới gốc cây ngủ một đêm, nếu các Ngài ngủ hai đêm dưới một gốc cây thì các Ngài đã có tâm đắm chấp. Các Ngài chỉ khất thực đến bảy nhà nếu đến bảy nhà mà vẫn không có thức ăn thì các Ngài quay về tịnh tu. Hòa Thượng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật là tấm gương tốt nhất để chúng ta nhìn thấy!”. Ngài xuất thân là một vương tử, có vợ đẹp, con xinh, cuộc sống giàu sang nhưng Ngài vẫn buông xả tất cả.

Khi vua Tịnh Phạn được báo là Đức Phật vào thành khất thực thì nhà vua nói, dòng họ Thích là dòng họ rất danh giá nên việc làm của Đức Phật có thể khiến dòng họ mất đi hình ảnh vì vậy Đức Phật và tăng đoàn hãy về để nhà vua nuôi. Đức Phật phải giải thích với vua Cha là tăng đoàn dùng hành động khất thực để giúp hạ tâm ngạo mạn của chính mình, để gần gũi, với chúng sanh, gieo duyên lành với chúng sanh, tiếp cận chúng sanh để nói pháp cho họ nghe. Hành động khất thực là tăng thượng duyên để chúng sanh khởi tâm bố thí, cúng dường. Ngày nay, Phật giáo đến quốc gia nào thì phải tùy thuận theo phong tục, tập quán của quốc gia đó nhưng người tu hành vẫn phải giữ tâm “thanh tâm quả dục”. Đệ tử của Phật phải trải qua đời sống nghiêm túc, xa lìa “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”.

Ngày trước, khi tôi đi dạy học, các lớp học thường tổ chức liên hoan, đi tham quan, tôi nói trước với mọi người là đừng rủ tôi, nếu mọi người không mời thì tôi sẽ không buồn đâu. Đây là cách để tôi giữ tâm. Chúng ta gần những thứ đó thì chúng ta sẽ hình thành thói quen, khi không có thì chúng ta sẽ cảm thấy thiếu, chúng ta sẽ đi tìm. Ngày trước, tôi có người bạn, chiều nào họ cũng uống một ly nước mía, ăn một ổ bánh mì, dần dần sau một hai tháng thì họ hình thành thói quen. Sau đó, khi họ không có nước mía, bánh mì thì họ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí họ cảm thấy nhớ những cô bán bánh mì, nước mía đó. Tôi đã cảnh báo trước là họ sẽ bị bánh mì và nước mía hại nhưng họ không nghe. Chúng ta phải xa lìa cám dỗ, ít muốn, biết đủ. Cho dù chúng ta có địa vị như thế nào, chúng ta có rất nhiều tiền thì chúng ta cũng không để những thứ đó ràng buộc chúng ta.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook