Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 09/06/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II: MỤC NÓI RÕ CÁCH GIỮ TÂM (PHẦN NĂM)”
Nhà Phật dạy chúng ta phải mở tâm, chúng ta làm việc nhỏ nhưng tâm chúng ta mở rộng tận hư không, khắp pháp giới thì việc đó cũng không phải là việc nhỏ. Chúng ta làm một việc tưởng chừng rất lớn nhưng tâm chúng ta nhỏ bé, chúng ta làm vì “cái ta”, “cái của ta” thì việc đó cũng không phải là việc lớn. Điều này chúng ta không được nhắc nhở thì chúng ta sẽ không nhận ra. Điều quan trọng là chúng ta phải mở được tâm, chúng ta mở được tâm rồi thì việc nhỏ cũng thành việc lớn. Tâm chúng ta nhỏ hẹp đến mức không thể dung chứa được lợi ích người khác mà chỉ chứa được lợi ích của riêng chúng ta. Có những người làm quản lý, lãnh đạo, nhận trách nhiệm lớn nhưng họ ngày ngày phiền não vì tâm của họ không lớn.
Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Địa Tạng Luận Quán”, Pháp sư Thanh Liên, nói: “Vô tướng, vô danh, tuyệt tư, tuyệt nghĩ”. Không có hình tướng, không có tên gọi, không có tư duy, không có suy nghĩ”. Trên “Kinh Kim Cang” cũng đã nói rất rõ ràng như vậy. Nếu chúng ta thể hội được câu nói này thì tư tưởng, quan niệm, lời nói, hành vi của chúng ta sẽ chuyển biến”. Câu nói này cũng giống như Hòa Thượng thường nói: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”. Chúng ta thường dính mắc vào thiệt hại, hơn thua, tốt xấu. Chúng ta không làm vì tên tuổi, vì danh tiếng. Điều này giống như con nhạn bay qua bầu trời không để lại dấu vết như người xưa nói: “Nhạn hoá trường không”. Chúng ta không có tướng, không có danh, không có tư, không có nghị thì chúng ta sẽ không có khổ đau. Chúng ta khổ đau vì chúng ta có cái ta, cái của ta. Hàng ngày, chúng ta vẫn sống, làm việc bằng thể diện. Thí dụ, chúng ta tổ chức buổi lễ, buổi tiệc không hoành tráng thì chúng ta cho rằng như vậy sẽ mất thể diện. Chúng ta chỉ cần làm được việc chân thật lợi ích chúng sanh chứ chúng ta không cần quan tâm đến thể diện của mình.
Hôm trước, khi chúng tôi đến thăm một ngôi chùa ở sau khu đào tạo ở Sơn Tây, khi tôi nhìn thấy các cụ đang quét rác thì tôi bảo mọi người về lấy chổi lên để quét cùng các cụ. Các cụ nhìn thấy vậy thì thấy rất ngạc nhiên khi thấy tôi quét rác cùng. Tôi chỉ muốn tham gia quét cùng mọi người, đây là việc rất bình thường. Người khác khen ngợi, tán thán là việc của họ còn chúng ta làm việc không nề hà khó khăn, thân phận. Thân phận là do chúng ta tự định đặt cho mình.
Hoà Thượng định nghĩa chữ “Độ” nghĩa là phục vụ chúng sanh. Chúng ta là người phục vụ chúng sanh, chúng ta tận tâm, tận lực làm không đòi hỏi điều kiện. Điều này cũng giống như Bác dùng cụm từ: “Đầy tớ của nhân dân”. Chúng ta học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền chúng ta phải có bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm đem giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền đến với người.
Lão sư Lý Bỉnh Nam từng nói: “Ngày nay, các ông quỳ dưới chân tôi cần cầu học để Phật pháp. Nhưng tương lai, các ông phải quỳ dưới chân người để dâng Phật pháp lên cho họ!”. Người thế gian không cần nghe Phật pháp, chúng ta muốn mọi người nghe thì chúng ta phải dùng những phương tiện tốt đẹp, khéo léo nhất để họ tiếp nhận. Hoà Thường nói: “Ở đạo tràng Cư sĩ Lâm, ghế ngồi ở giảng đường là ghế đệm, nếu các vị ngồi chưa thấy thích thì mọi người có thể bảo cư sĩ Lâm đổi ghế khác!”. Các phòng học ở đạo tràng Cư sĩ Lâm trang hoàng rất đẹp, khi mọi người nghe giảng Kinh đói thì mọi người có thể xuống tầng hai ăn buffet. Các món ăn chay ở đây rất ngon, phong phú, phục vụ miễn phí cho tất cả mọi người. Những điều này đều đúng như dự báo của Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam!
Nếu chúng ta không làm như lời của Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã dạy thì chúng sanh sẽ không nghe, không tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền vậy thì tư tưởng, hành vi của họ sẽ sai lệch, họ sẽ chỉ tạo nghiệp. Nếu nhiều người tạo nghiệp như vậy thì chúng ta cũng sẽ không thoát khỏi cộng nghiệp. Chúng ta đang sống trong thế giới cộng sinh. Nếu mình chúng ta tốt là chưa đủ. Nếu chỉ một mình chúng ta tốt, những người xung quanh chúng ta xấu thì họ sẽ làm hoàn cảnh xung quanh chúng ta xấu đi vậy thì chúng ta cũng không tránh khỏi cộng nghiệp. Chúng ta phải nỗ lực thúc đẩy giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền để làm cho đời sống của mọi người thuần lương, tốt đẹp hơn. Cuộc sống mọi người tốt đẹp hơn cũng chính là chúng ta tạo ra hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn cho chúng ta. Đây là bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ mà chúng ta phải tích cực làm. Nếu chúng ta không làm thì chúng ta phải gánh lấy nhân quả của việc chúng ta thờ ơ, chểnh mảng.