146Thứ Sáu, 07/04/2023, 05:40

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 04/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN BỐN)

Nhiều người niệm Phật không hiểu rõ về pháp môn niệm Phật vì họ không có người giảng dạy tận tình, thấu đáo. Hòa Thượng rất dụng công để giúp chúng ta nắm vững phương pháp tu trì, niệm Phật. Hòa Thượng đã giảng bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” hơn mười lần, mỗi lần Ngài đều giảng hơn 1000 giờ. Chúng ta đã học xong 1200 chuyên đề, chúng ta đã chân thật chuyển đổi hay chúng ta vẫn giữ y nguyên tập khí, phiền não, chúng ta vẫn “cảm tình dụng sự”? Nếu chúng ta vẫn còn “tình chấp” thì chúng ta không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi. Chúng ta phải dùng lý trí để quán chiếu cách khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế của chính mình.

Hàng ngày, chúng ta vẫn đang cảm tình dụng sự, chúng ta không thể dạy được con của mình nhưng ở trường các cô giáo có thể dạy được các con. Trong “Tứ Y Pháp”, Phật dạy chúng ta rất rõ ràng: “Y trí bất y thức”. “Trí” là “trí tuệ”. Chúng ta đã học Phật nhiều năm nhưng chúng ta vẫn “cảm tình dụng sự”. Nếu chúng ta dùng tâm này niệm Phật thì chúng ta giống như người xưa nói: “Đau mồm, rát họng cũng uổng công”.

Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế giới Ta Bà tiếp độ tất cả chúng sanh không phân biệt. Khi vua Tỳ Lưu Ly kéo quân tàn sát dòng họ Thích, Ngài biết rõ đây là nhân trước quả sau, Ngài ba lần khuyên bảo vua Tỳ Lưu Ly nhưng Ngài phải đứng nhìn chúng sanh oan oan, tương báo. Người xưa nói: “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc”. Chúng ta phải tự nỗ lực, dụng tâm, không thể trông chờ vào người khác.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật vãng sanh, nếu tự lực của chúng ta thấp thì thời gian chúng ta có thể thành Phật sẽ rất dài. Người tự lực, mạnh mẽ thì sau khi vãng sanh thì họ sẽ nhanh chóng thành Phật”. Ở thế gian, nếu chúng ta tự động làm một cách dũng mãnh thì chúng ta sẽ có thành tựu rõ ràng. Người học Phật, người niệm Phật phải luôn nỗ lực, tinh tấn. Khi chúng ta vừa thức dậy thì chúng ta đã phải ở trạng thái phấn phát. Có người thức dậy rồi nhưng vẫn uể oải, không có tinh thần. Có người nói, họ lạy Phật, niệm Phật tinh tấn nhưng khi làm việc thì họ chểnh mảng. Nếu chúng ta làm như vậy thì chúng ta đã có hai tâm, chúng ta không nhất tâm.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta lạy Phật, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật đều phải ở trạng thái tinh tấn”. Ở mọi trạng thái, chúng ta đều phải: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Chúng ta chỉ đang làm cho dễ coi, chứ chúng ta chưa thật làm. Chúng ta làm việc, đối nhân xử thế bằng tâm “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” thì đó là chúng ta đang niệm Phật. Đây chính là chúng ta dùng chân tâm. Chân tâm của chúng sanh và của Phật là như nhau. Phật là người đã giác ngộ, các Ngài hoàn toàn sử dụng được chân tâm. Chúng ta đang mê nên chúng ta dùng vọng tâm.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật ngoài tự lực còn có tha lực của Phật. Phật A Di Đà bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta đủ tiêu chuẩn vãng sanh thì Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn. Nếu chúng ta nỗ lực một cách đặc biệt thì chúng ta sẽ có thành tựu cao hơn!”. Ở thế gian, chúng ta học cùng một vị Thầy nhưng chúng ta cũng sẽ có kết quả thi khác nhau. Có người được cộng thêm điểm nên có thể đỗ, có người vừa đủ điểm đỗ, có người đạt được điểm 8, 9, 10. Chúng ta phải luôn ở trạng thái đặc biệt dũng mãnh, tinh tấn. Người có tâm cảnh này thì dù họ ở trong hoàn cảnh nào họ cũng rất dụng tâm. Thí dụ, có những người lái xe khiến người ngồi sau rất yên tâm nhưng có người lái xe khiến người khác không dám ngồi xe của họ lần thứ hai. Một lần tôi lái xe chở hai bác lớn tuổi, hai bác hỏi tôi lấy bằng lái xe lâu chưa. Tôi nói, tôi mới lấy bằng lái xe được khoảng ba tháng. Hai bác ngạc nhiên vì hai tôi lái xe cẩn thận, hai bác rất an tâm khi ngồi xe trên của tôi. Chúng ta làm mọi việc chúng ta đều phải dụng tâm một cách đặc biệt.

Ngày trước, khi Sư bà gọi điện mời tôi đi dạy chữ Hán, Sư bà nói: “Nhưng con không có tiền trả cho Thầy đâu đó nha!”. Tôi nói: “Sư bà yên tâm, có tiền hay không có tiền thì con cũng dạy y như vậy!”. Tôi lái xe, trồng rau, cuốc đất, dù ở trong hoàn cảnh nào tôi cũng đều rất dụng tâm. Khi chúng ta học 1200 chuyên đề, tôi cũng phải di chuyển khắp nơi nhưng tôi vẫn không nghỉ ngày nào, lên lớp học không trễ phút nào. Phật Bồ Tát cũng không thể giúp được chúng ta mà chúng ta chúng ta phải tự mình nỗ lực.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook