64Thứ Ba, 06/06/2023, 13:07

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 06/06/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: MỤC NÓI RÕ CÁCH GIỮ TÂM (PHẦN HAI)”

Người thế gian nói: “Tâm viên ý mã”. Tâm chúng ta giống như con khỉ chuyền cành, như con ngựa chạy ngoài đồng cỏ. Buổi sáng, chúng ta phát tâm nhưng đến buổi chiều chúng ta đã hối hận, chúng ta cho rằng mình đã phát tâm quá nhiều. Chúng ta làm việc gì thì chúng ta phải mở tâm trước sau đó chúng ta mới mở ví. Chúng ta mở ví trước thì sau đó chúng ta sẽ hối hận. Con người rất dễ hối hận, chúng ta hối hận về những lỗi lầm thì ít mà chúng ta thường hối hận vì mình đã làm những việc hy sinh phụng hiến cho người. Đây là căn bệnh của mỗi chúng ta. Chúng ta đã quyết định rồi thì chúng ta không nên hối hận. Bài học hôm trước, Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn khuyên người, chúng ta muốn người khác tin mình thì trước tiên, chính chúng ta phải làm”. Chúng ta thật làm thì chúng ta mới có thể ảnh hưởng đến người khác.

Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta, chúng ta đã có thân người, đã đến thế gian thì cũng phải ở vài chục năm. Mấy mươi năm ngắn ngủi này chúng ta sẽ dụng tâm như thế nào? Thế gian là vô thường, tất cả những thứ có hình tướng đều sẽ hư hoại”. Nhiều người muốn sống mãi nên họ không có sự chuẩn bị cho cái chết, khi vô thường đến thì bàng hoàng, khiếp sợ, cố bám víu tìm sự sống. Chúng ta biết rằng ngày nào đó chúng ta sẽ phải chết nhưng chúng ta muốn cuộc sống kéo dài càng lâu càng tốt. Nhiều người khi sinh tử đến họ chạy Đông, chạy Tây để tìm người cứu giúp.

Một lần tôi cũng được cử đi tìm thầy thuốc, bệnh nhân đã rất gần kề cái chết nên có ai nói chỗ nào linh nghiệm thì bệnh nhân đều muốn tìm đến. Mọi người nói rằng vị Thầy thuốc này có thể trị được bệnh rất nặng, tôi nhìn thấy vị Thầy đó đã rất già, thân thể ốm yếu nên tôi không thấy có niềm tin. Chúng ta có được thân người, chúng ta có thật sự đem mấy mươi năm ngắn ngủi này để hy sinh phụng hiến, dâng hiến hết thời gian sống cho cuộc đời hay không? Phật không bao giờ bảo đệ tử dâng hiến cuộc đời cho Phật còn Ma thì bảo chúng ta dâng hiến cuộc đời cho các đấng bề trên. Chúng ta đang dùng thời gian ngắn ngủi này làm việc có ý nghĩa hay chúng ta dùng nó để tạo nghiệp? Tôi cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều rất ý nghĩa vì tôi có thể tận lực vì người.

Hòa Thượng nói: “Người thông minh, trí tuệ thì họ biết rõ “vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Vạn pháp đều không, nhưng nhân quả thì bất không. “Đoạn ác” chính là chúng ta đoạn tập khí, phiền não của chính mình. “Tu thiện” là chúng ta trì Giới - Định - Tuệ, tu sáu phép tu của Bồ Tát, tu Mười Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Chúng ta phải đem Tam Học, Lục Độ, Mười Nguyện biến thành tư tưởng, kiến giải, hành vi của chính mình và hành trì trong đời sống. Đây chính là chúng ta tích công, bồi đức”. Chúng ta tạo nhân thì chắc chắn sẽ phải nhận lấy quả. Nhân nào quả đó. Chúng ta muốn tích công bồi đức thì chúng ta phải dũng mãnh tinh tấn “đoạn ác, tu thiện”. Có nhiều người cho rằng, đoạn ác là chúng ta không làm những việc ác lớn còn những việc ác nhỏ thì chúng ta không thể tránh được đây là quan điểm sai lầm. “Tu thiện” không phải là chúng ta bố thí nhiều tiền của mà “Tu thiện” quan trọng nhất là chúng ta phải đem Tâm Học, Lục Độ, Mười Nguyện biến thành tư tưởng, kiến giải, hành vi của chính mình.

Hòa Thượng nói: “Trái ngược với Giới - Định là ba độc Tham - Sân - Si. Phật dạy chúng ta lấy Giới học để đoạn Tham, lấy Định học để đoạn Sân, lấy Tuệ học để đoạn Si. Ngày ngày chúng ta chuyển Tham - Sân - Si thành Giới - Định - Tuệ. Đây chính là đoạn ác, tu thiện”.

Hòa Thượng nói: “Sáu phép tu của Bồ Tát lấy bố thí đoạn tham lam, lấy trì giới đoạn ác nghiệp, lấy nhẫn nhục đoạn sân si, lấy tinh tấn đoạn giải đãi, lấy thiền định đoạn tán loạn, lấy trí tuệ để đoạn ngu si. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu người nào đối nhân xử thế tiếp vật tuân thủ theo sáu nguyên tắc này thì người này chính là Bồ Tát. Khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của Bồ Tát nhất định tương ưng với những nguyên tắc này”. Bố thí nội tài là chúng ta bố thí năng lực, sở trường của mình. Bố thí ngoại tài là chúng ta bố thí tiền tài, vật chất. Ngày ngày chúng ta luôn ở trong trạng thái tán loạn, ngu si. Nếu chúng ta không ngu si thì chúng ta sẽ không làm những việc sai trái. Chúng ta có trí tuệ, chúng ta biết được “vạn pháp giai không” thì chúng ta không ngày ngày vun vén cho cái thân giả tạm này. Chúng ta chỉ cần chăm sóc cho thân vừa đủ, nếu chúng ta không chăm sóc thân thì chúng ta không có sức làm việc lợi ích chúng sanh, chăm sóc cho thân thể mình quá nhiều thì thân chúng ta sẽ trì trệ. Chúng ta muốn trải qua đời sống của Bồ Tát thì chúng ta phải vận dụng Sáu Phép Tu của Bồ Tát. Phàm phu suốt ngày tham lam, sân hận, lười biếng, tán loạn, ngu si.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook