Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 04/06/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II: NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN BẢY)”
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải hiểu rõ tất cả hoàn cảnh chúng ta đang tiếp xúc, từ đó khắc chế vọng niệm, phân biệt, chấp trước của chính mình. Đây chính là chúng ta đang tu học Phật pháp. Chúng ta có thể khắc chế chính mình thì công phu của chúng ta mới có lực”. Khi chúng ta gặp cảnh mà chúng ta không khởi tâm động niệm thì đó là chúng ta đã có công phu. Khi gặp cảnh, nếu chúng ta khởi lên bất cứ ý niệm nào thì tâm thanh tịnh của chúng ta đã bị mất. Điều này giống như nước hồ đang phẳng lặng, nếu chúng ta ném đá xuống mặt hồ thì sẽ làm mặt hồ bị gợn sóng. Nhiều người tu hành, niệm Phật, lạy Phật nhiều năm nhưng không có công phu, khi gặp cảnh họ vẫn khởi sân hận, phiền não.
Công phu tu hành chính là chúng ta có thể khắc chế vọng niệm, phân biệt, chấp trước của chính mình. Thời khóa hàng ngày chỉ hỗ trợ chúng ta trong việc tu hành. Nhiều người thường tưởng rằng thời khoá là công phu chính. Hàng ngày, chúng ta làm đủ thời khoá nhưng chúng ta vẫn khởi vọng tưởng, phiền não thì chúng ta giống như người xưa nói: “Đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Chúng ta vẫn khởi vọng tưởng, phiền não thì khi sinh tử, vô thường đến thì chúng ta sẽ không khởi được câu Phật hiệu. Chúng ta không niệm Phật mà chúng ta niệm những thứ khác thì khi sinh tử đến chúng ta sẽ đi về đâu?
Hòa Thượng nói: “Nguyên tắc quan trọng nhất để chúng ta gìn giữ tâm thanh tịnh thứ nhất là tín tâm kiên định, xả ly Ta Bà, cầu sanh Tịnh Độ, đây là chân tâm; Thứ hai là chúng ta nhất định không bị thế gian cám dỗ, thế gian pháp và xuất thế gian pháp đều có thể buông xả được”. Nếu chúng ta nhìn thấy người khác trì chú linh nghiệm nên chúng ta muốn vừa niệm Phật vừa trì chú vậy thì chúng ta đã xen tạp. Tổ Sư Đại Đức nói: “Nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”. Chúng ta nhất định không được hoài nghi, xen tạp, gián đoạn đối với pháp niệm Phật. Nếu chúng ta không xả bỏ các pháp khác mà chúng ta vẫn muốn thử hành trì thì chúng ta đã xen tạp. Ở thế gian, chúng ta chỉ cần cơm ăn, áo mặc, phương tiện đi lại vừa đủ. Nếu chúng ta cần quá nhiều thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại. Mọi người gửi rất nhiều đồ lên nơi tôi đang ở mà họ không quan tâm là tôi có cần những thứ đó hay không. Tôi lại phải mất thời gian để xử lý những thứ đó.
Hòa Thượng nói: “Trong tất cả thế xuất thế gian pháp, chúng ta chỉ lấy đủ nhu cầu mình cần, tuyệt đối không lấy quá, cái gọi là: “Tri túc thường lạc”. Biết đủ thường vui. Chúng ta biết đủ thì tâm chúng ta thanh tịnh, tâm chúng ta thanh tịnh thì câu Phật hiệu của chúng ta sẽ đối trị được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình. Đây là điều vô cùng quan trọng. Người xưa tu hành có thành tựu nguyên nhân chính là do họ khắc phục được vọng tưởng, dục vọng. Họ chân thật làm được như trên “Kinh Kim Cang” nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Hàng ngày, nếu chúng ta vẫn khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì câu Phật hiệu của chúng ta sẽ không có lực. Hàng ngày, khi chúng ta tiếp xúc ngoại cảnh nếu chúng ta khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta phải nhận ra để có thể khắc chế được chúng. Hiện tại, chúng ta chưa thể đạt đến cảnh giới như như bất động.
Hòa Thượng nói: “Trong tu hành, chúng ta chỉ chọn một pháp tu. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta chỉ chọn những thứ cần dùng, không nên lấy dư như vậy thì chúng ta mới không bị mê hoặc, chúng ta mới có thể giữ tâm thanh tịnh”. Hiện tại, trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều dụ hoặc. Thí dụ, khi chúng ta siêu thị mua đồ thì chúng ta nhìn thấy nhà sản xuất thường có các quà tặng kèm theo. Tôi thường nói: “Cho tôi cũng không lấy!”. Nếu chúng ta xác định như vậy thì chúng ta đã đóng tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu chúng ta mua một món đồ chỉ vì có quà tặng vậy thì chúng ta đã khởi tâm phân biệt, chấp trước.
Hòa Thượng nói: “Người chân thật tu hành không nên hướng ngoài tìm cầu dưỡng chất cho cơ thể. Trên Kinh nói, thiên nhân của cõi Trời sắc giới dùng thiền định làm thức ăn. Trên Kinh Phật nói, chúng ta phải xả bỏ tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Đây là năm thứ che đậy trí tuệ, đức năng, tự tánh của chúng ta”. Cả đời Hòa Thượng chỉ uống nước đun sôi để nguội, Ngài không dùng bất cứ bổ phẩm gì. Đó là vì tâm Ngài thanh tịnh. Tâm chúng ta ngày ngày phiền não, vọng tưởng nên chúng ta không thể làm được như Ngài.