Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 03/06/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II: NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN SÁU)”
Trong những bài học gần đây, chúng ta nghe Hòa Thượng nói nhiều về tập khí, phiền não để khi chúng khởi hiện hành thì chúng ta có thể đối trị. Hòa Thượng nói: “Hiện tại, chúng ta tu pháp môn niệm Phật là pháp rất dễ hành, dễ như vậy mà chúng ta không thể có thành tựu vì chúng ta chưa thể buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Mỗi niệm của chúng ta đều là niệm “tự tư tự tự lợi”. Mỗi khi chúng ta làm những việc liên quan đến “cái ta”, “cái của ta” thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta liền xuất hiện. Người tu hành pháp môn niệm Phật rất đông nhưng người thành tựu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hòa Thượng từng nói: “Hàng ngày, chúng ta làm theo vọng tưởng mà chúng ta tưởng rằng chúng ta đang làm theo nguyện vọng”. Chúng ta làm theo vọng tưởng thì chắc chắn có phân biệt, chấp trước.
Chúng ta “tự tư tự lợi” không chỉ trên phương diện vật chất mà trên rất nhiều phương diện khác nhau. Khi có người hỏi Khổng Lão Phu Tử là khi làm một việc thì tư tưởng của họ phải như thế nào, Khổng Lão Phu Tử nói: “Tư vô tà”. Tư tưởng của chúng ta không “tự tư tự tự lợi”, không nhiễm ô, không vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Người xưa nói: “Nếu ba ngày chúng ta rời giáo huấn của Phật thì mặt mũi của chúng ta đã khác”. Chúng ta không thường xuyên lấy giáo huấn của Phật để phản tỉnh thì chúng ta rất dễ rơi vào “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”. Khi Hòa Thượng giảng trên đài truyền hình Hoa Tạng, Ngài nói: “Suốt 36 năm, không ngày nào tôi không giảng Kinh, nói pháp, thế mà phiền não trong tôi vẫn dấy khởi!”. Ngài đã không quản tiền, không quản việc, không quản người nhưng phiền não vẫn dấy khởi. Hòa Thượng nói để cảnh tỉnh chúng ta.
Người xưa thành lập đạo tràng để đại chúng nương tựa vào nhau tu hành. Nếu chúng ta không có người động viên thì chúng ta rất dễ bị lui sụt. Một cây bèo trôi dạt trên sông rất dễ bị sóng làm cho tan rã. Nếu nhiều cây bèo kết thành mảng thì dù sóng to, gió lớn nó cũng đứng vững. Hơn 5 năm qua, chúng ta học tập cùng nhau, chúng ta đều có rất nhiều lợi ích. Có những việc khi chúng ta sắp sai phạm thì chúng ta đã được mọi người nhắc nhở.
Hòa Thượng nói: “Phàm phu tập nghiệp sâu dày. Khởi tâm động niệm, hành động tạo tác đều là tạo nghiệp. Chúng ta dùng tâm thái này tu học thì như người xưa nói: “Đau mồm rát họng chỉ uổng công. Chúng ta phải buông xả ý niệm tự tư tự lợi thì chúng ta niệm Phật mới có lực, thân tâm chúng ta mới an vui. Trong cuộc sống chúng ta có chút bệnh do ăn uống, đi lại không cẩn thận nên sinh ra cảm mạo nhưng không có bệnh gì lớn”. Hoà Thượng dùng kinh nghiệm cả đời để nói với chúng ta. Chúng ta muốn không có bệnh nghiêm trọng, không cần phẫu thuật thì chúng ta phải có đại phước báu. Chúng ta muốn có đại phước báu thì chúng ta phải tận tâm, tận lực dâng tặng cho đời. Chúng ta “tự tư tự lợi”, vun vén cho mình thì chúng ta thường phải vào viện phẫu thuật cắt bỏ. Hòa Thượng nói: “Chỗ này chúng ta phải tính thiệt hơn cho rõ ràng!”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không được có tư tâm, dục vọng, ý niệm chiếm hữu. Ý niệm chiếm hữu là căn gốc của sinh tử luân hồi, nguồn gốc tạo tác tất cả tội nghiệp, chúng ta phải tiêu trừ ý niệm này. Vì sao không thể chiếm hữu? Phật nói: “Nhất thiết pháp không”. Tất cả pháp đều không. Trong ngạn ngữ cũng nói: “Sinh không mang đến, chết không mang đi”. Làm sao chúng ta có thể chiếm hữu được!”.
Ý niệm chiếm hữu trong chúng ta rất mãnh liệt, kiên cố. Người xưa nói: “Vạn ban tương bất khứ duy hữu nghiệp tùy thân”. Chúng ta không mang theo được thứ gì chỉ mang theo nghiệp thiện, nghiệp ác. Hàng ngày, chúng ta tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác nhiều? Chúng ta tạo nghiệp ác nhiều thì chắc chắn chúng ta phải nhận quả báo ở ba đường ác. Nhỏ như thân chúng ta thì nằm trong định luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử, lớn như vũ trụ cũng nằm trong định luật Sinh - Trụ - Dị - Diệt. Có những núi đá cũng đang ở trạng thái tan rã. Hơn mười năm trước, tôi thường đi dạy ở Vũng Tàu, một hôm, khi tôi đi lên núi, tôi bám vào một tảng đá thì thấy tảng đá tan vụn ra. Các Sư Thầy nói núi này đã chết và nó đang hoại dần. Thân của chúng ta hợp thành từ đất, nước, gió, lửa nên nó rất mong manh, không có gì bền chắc. Rất nhiều người không biết điều này nên họ tranh thủ từng giây từng phút để hưởng thụ, không biết tích công bồi đức.