215Thứ Bảy, 03/06/2023, 10:09
64 · Chương II (P2) - Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 4

.Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 01/06/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN BỐN)”

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải học Phật Bồ Tát, đối với những người làm việc cực ác thì chúng ta cũng không để tâm, chúng ta tuyệt đối không nhắc đến việc làm của họ. Chúng ta chẳng những không nhắc đến việc làm của họ mà trong tâm chúng ta cũng không lưu lại ấn tượng vậy thì tâm chúng ta mới thanh tịnh, tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta được đại tự tại”. Nhiều người hiểu sai, họ cho rằng không được nói lỗi của người khác. Người không liên quan, không trong phạm vi trách nhiệm của chúng ta thì chúng ta không quan tâm. Nhưng những người trong phạm vi quản lý của chúng ta thì chúng ta phải nhìn thấy lỗi của họ. Hòa Thượng từng nói, Phật Bồ Tát còn phải vỗ bàn để quở trách chúng sanh. Nếu chúng ta không thấy gì hết, chúng ta không biết gì hết thì chúng ta đã sai. Chúng ta vẫn để những người trong đoàn thể của mình làm sai thì chúng ta đã sai rồi!

Hòa Thượng nói: “Người thế gian thì nói một lần, hai lần, ba lần. Chúng ta thì nói mười lần, một trăm lần, nói đến một ngàn lần, nói đến khi nào họ không cho nói nữa thì thôi!”. Chúng ta trồng rau nhưng chúng ta chểnh mảng làm vườn rau bị sâu bệnh thì chúng ta đã sai. Rất nhiều người đã đầu tư, dành tâm huyết vào vườn rau nên chúng ta không thể không bận tâm! Nếu những người mắc lỗi có liên quan với chúng ta thì chúng ta phải cố gắng điều chỉnh, giúp đỡ họ. Thí dụ, trong lớp của chúng ta có nhiều học trò, mỗi học trò có tập khí xấu riêng, chúng ta phải tìm cách đối trị, dạy bảo chúng.

Hòa Thượng nói: “Trong lòng chúng ta không nên thường nghĩ phải trái, tốt xấu, ân oán, ta người mà chúng ta phải thường xuyên nghĩ đến giáo huấn của Phật, đến nghĩa lý của Kinh. Chúng ta phải lấy “Kinh Vô Lượng Thọ” làm chủ, thường tư duy đến nghĩa lý trong Kinh. Chúng ta phải đem lời giáo huấn của Phật, của Cổ Thánh Tiên Hiền biến thành chánh tư duy của chính mình từ đó chúng ta mới có thể ứng dụng ngay trong đời sống hàng ngày. Chúng ta dùng Phật nhãn quan sát thế gian thì chúng ta mới chân thật trở thành đệ tử của Phật A Di Đà, chân thật là Bồ Tát, chuyển phàm thành Thánh”. Hàng ngày, chúng ta phải đem lời giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền thực tiễn trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác. Thí dụ, trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Dĩ thân tác tắc”. Phải lấy mình làm gương. Cách nghĩ, cách nói, cách làm của chúng ta phải gương cho chúng sanh. Chúng ta phải làm ra tấm gương cho người. Chúng ta phải dùng đôi mắt của Phật chứ không phải dùng đôi mắt phàm phu quán sát thế gian. Hòa Thượng nói: “Chúng ta không có trí tuệ của Phật, của Thánh Hiền thì chúng ta mượn trí tuệ của Phật, của Thánh Hiền”. Chúng ta nghe theo lời dạy của các Ngài chính là chúng ta nghe theo lời dạy của các Ngài.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn chuyển phàm thành thánh thì chúng ta phải chuyển từ nơi tâm, từ nơi hành vi của chính mình. Chúng ta làm được điều này thì chúng ta sẽ có công đức chân thật. Quyển thứ hai, phần mở đầu của “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Tâm chúng ta trùm khắp hư không, lượng khắp tất cả pháp giới. Lão tử nói: “Chúng ta có tâm rộng lớn rồi thì chúng ta có thể làm những việc to lớn”. Khi tâm chúng ta rộng lớn thì không còn cái ta nhỏ bé, chỉ còn cái ta của đại chúng xã hội. Khi đó, việc làm của chúng ta là vì tất cả chúng sanh ở tận hư không khắp pháp giới. Nếu chúng ta còn làm vì nhà ta, quê hương ta thì đó là chúng ta còn tâm hẹp hòi, ích kỷ. Tâm chúng ta mở rộng như vậy thì đó chính là tâm Phật, tâm chúng ta mở rộng như vậy thì chúng ta mới có thể thành Phật.

Hòa Thượng nói: “Trên Kinh nói, đại nhẫn chính là chân nhẫn, là dùng nhẫn của chân tâm. Chân tâm tâm lượng rộng lớn, không có gì không thể không bao dung. Chúng ta triệt để hiểu thấu chân tướng sự thật thì tâm lượng của chúng ta mới có thể mở rộng được”. Chúng ta không hiểu được chân tướng sự thật thì chúng ta sẽ dính chặt vào cái ta, cái của ta, vậy thì lời nói, việc làm của chúng ta đều vì ta, cái của ta. Điều này rất vi tế, chúng ta rất khó nhận ra. Cảnh giới “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” là cảnh giới vốn có của tâm, nhưng chúng ta tự làm cho tâm chúng ta nhỏ lại, nhỏ đến mức không thể dung chứa được bất cứ thứ khác. Nội tâm chúng ta đang chứa đầy “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”.

Hôm qua, tôi đi khám sức khoẻ tổng thể, bác sĩ dẫn tôi đến nhiều phòng, tôi thấy có rất nhiều bệnh nhân đang ngồi đợi mỏi mòn. Khi bác sĩ kiểm tra tim của tôi, bác sĩ rất ngạc nhiên vì chức năng tim của tôi rất tốt. Cách đây khoảng 4 năm, tôi đi kiểm tra tim, vị bác sĩ này nói chức năng tim của tôi chỉ còn khoảng 30. Tôi nói với bác sĩ, chúng ta tặng quà nhiều thì chức năng tim của chúng ta sẽ tốt. Hiện tại, chúng tôi có rất nhiều thứ để tặng mọi người, mỗi tháng chúng ta sản xuất gần 3 tấn rau sạch, hơn 3000 miếng đậu sạch. Chúng ta cho đi mà không chứa vào thì chức năng tim của chúng ta sẽ tốt. Bác sĩ cũng nói các bộ phận khác trong cơ thể tôi cũng đều hoạt động rất tốt. Chúng ta cho đi càng nhiều càng tốt, bệnh khổ đều là do chúng ta chất chứa những toan tính trong cơ thể. Đây là minh chứng, chúng ta ngày ngày vì người lo nghĩ thì bệnh khổ cũng dần biến mất. Bác sĩ vẫn nhớ cách đây khoảng 4 năm, khi bác sĩ khám tim cho tôi, bác sĩ nói tôi có thể chết bất cứ lúc nào. Cách đây hai năm khi tôi đi khám, chức năng tim của tôi cũng đã hồi phục dần. Chúng ta phải tập cho đi, cho đi càng nhiều càng tốt. Chúng ta phải bố thí chứ đừng lo tích chứa.

Hòa Thượng nói: “Cảnh giới của tâm không phải do học mà được, cũng không phải do dần dần có được mà vốn dĩ tâm chúng ta đã rộng đến tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta học để chúng ta dần dần khôi phục lại cảnh giới này. Phật nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”. Tâm của chúng ta vốn dĩ rộng tận hư không khắp pháp giới giống như vầng trăng trên bầu trời luôn sáng tỏ. Ngày rằm, mặt trăng ở vị trí gần trái đất nên chúng ta nhìn thấy vầng trăng rất tròn, sáng. Những ngày trăng không bị mây che phủ thì vầng trăng luôn sáng rõ. Hiện tại, vầng trăng của chúng ta không sáng là vì vầng trăng của chúng ta bị che phủ bởi phiền não, vọng tưởng, “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta vốn dĩ là đại nhẫn, là Phật. Chúng ta cùng với Phật Tỳ Lưu Giá Na, với Phật A Di Đà giống y như nhau, không khác. Hiện tại, chúng ta thành ra như thế này là vì chúng ta bị mê mất tự tánh, chân tâm. Giáo học của Phật không thiên lệch, dạy người vô điều kiện, giúp người hồi phục được bản lai diện mục vốn có”. Mỗi chúng sanh đều có tự tánh của Phật. Giáo học của Phật giúp chúng sanh khôi phục lại tự tánh vốn có. Hiện tại, chúng ta là phàm phu phiền não vì tâm chúng ta bị nhiễm ô, bị chi phối. Nếu tâm chúng ta không bị chi phối, nhiễm ô thì giống như mây mù trên bầu trời được xua tan, vầng trăng lại sáng tỏ. Phật bình đẳng dạy mọi người nhưng người càng mê lầm, càng nhiều chướng ngại thì càng không thể tiếp thu được. Ở thế gian, trong một lớp học, Thầy giáo dạy mọi người như nhau nhưng sự tiếp nhận, sự nỗ lực của mọi người khác nhau nên kết quả hoàn toàn khác nhau.

Hòa Thượng nói: “Thánh, Phàm, Chúng sanh và Phật chỉ khác nhau ở một niệm là mê hoặc ngộ. “Mê” là phàm phu. “Ngộ” là Phật, là Thánh. Trên Kinh Phật thường cảm thán, gọi chúng sanh mê hoặc là “kẻ đáng thương!”. Họ ngày ngày tạo tội nhưng họ không nhận ra, cho dù có người can ngăn thì họ vẫn làm”. Chúng ta đang quán sát thì chúng ta sẽ thấy ngày ngày chúng ta đang tạo nhân của ba đường ác. Nhân của ba đường ác là “tham, sân, si, mạn”, “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”.

Có người hỏi tôi, làm thế nào để họ có thể làm được Phật Bồ Tát. Tôi nói, chúng ta muốn làm Phật Bồ Tát thì chúng ta làm những việc của Phật Bồ Tát, chúng ta không làm việc của chúng sanh nữa. Chúng sanh làm những việc “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Tâm của Phật là ngày ngày hy sinh phụng hiến. Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Hàng ngày, Ngài đi khất thực, thức ăn dư ra thì sẽ bố thí cho chúng sanh không để dành. Đời sống của Ngài an vui, tự tại.

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Hoa Nghiêm”, tận hư không khắp pháp giới, có thiện thần, ác thần, thiên long bát bộ của mười pháp giới còn có các chư Thiên. Tâm lượng của chúng ta phải rộng lớn, bao dung được tất cả. Chúng ta phải hồi phục lại tâm lượng rộng lớn này. Khi tâm chúng ta mở ra tận hư không khắp pháp giới thì tâm chúng ta có thể bao dung, dung chứa được tất cả. Tâm chúng ta nhỏ hẹp thì chúng ta không thể bao dung, nhẫn nại với người vậy thì chúng ta sẽ kết oan gia với người. Chúng ta chướng ngại, phá hoại người thì người cũng sẽ chướng ngại, phá hoại chúng ta. Chúng ta tạo nhân gì thì chúng ta sẽ nhận quả báo đó. Quả báo thông ba đời. Chúng ta bao dung, giúp đỡ người thì người khác cũng bao dung, giúp đỡ chúng ta. Đây là chân lý bất biến. Việc này trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật đã hiện thân nói pháp để chúng ta tự mình thể hội”. Quả báo thông ba đời là đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nhân quả rất đáng sợ, quá khứ chúng ta tạo nghiệp thì hiện tại chúng ta phải nhận, hiện tại chúng ta đang tạo thì tương lai chúng ta phải nhận lấy. Tâm chúng ta rộng mở thì chúng ta có thể dung chứa được tất cả. Tâm chúng ta nhỏ hẹp thì chúng ta sẽ chướng ngại người, chúng ta sẽ tạo ra oan gia đối đầu.

Chúng ta học Phật là học mở rộng tâm giống như Phật. Tâm chúng ta phải mở rộng tận hư không khắp pháp giới, chúng ta phải dung chứa được tất cả mọi thứ trong khắp hư không, khắp các pháp giới. Nhiều người học Phật chỉ để nói cho người khác nghe còn tâm họ ngày càng nhỏ bé. Bài học hôm trước Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật là để làm Phật. Chúng ta niệm Phật là để vãng sanh”. Ngoài mục tiêu này ra, không có việc gì đáng để chúng ta bận tâm!

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!


Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook