79Thứ Bảy, 03/06/2023, 10:09
63 · Chương II (P2) - Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 31/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN BA)”

Hòa Thượng nói: “Chúng ta không thể hoà thuận với tất cả chúng sanh vì chúng ta không thể thấu hiểu được chân tướng sự thật. Chư Phật Bồ Tát, Đại Thánh, Đại Hiền các Ngài hiểu thấu chân tướng sự thật, các Ngài biết được ta và chúng sanh là một thể nên các Ngài có thể hoà thuận với tất cả chúng sanh. Phật dạy chúng ta: “Xem tất cả người Nam là Cha ta, tất cả người Nữ là Mẹ ta”. Đây là sự thật chứ không phải là tỷ dụ!” Trong sự tuần hoàn sinh tử vô lượng kiếp tất cả chúng sanh đều đã từng là thân bằng quyến thuộc của nhau.

Hòa Thượng nói: “Kiến giải, tư tưởng, thường thức của chúng ta chỉ giới hạn ở một đời, chúng ta không biết đời quá khứ, cũng không biết đời vị lai nên chúng ta có rất nhiều cái thấy sai lầm. Bồ Tát dùng sức định sâu đột phá được không gian, thời gian nên các Ngài tường tận các đời quá khứ, vị lai. Các Ngài biết chúng sanh đời đời kiếp kiếp đều là thân bằng, quyến thuộc”. Chúng ta chỉ nhìn thấy, chấp trước trong một đời. Trong “Kinh Nhân Quả” nói, dê chết làm người, người chết làm dê. Chúng sanh không biết rằng con dê sắp bị giết đã từng là thân bằng quyến thuộc của mình. Gần đây trên báo đăng, có một người con trai tìm mua một con heo về và mắc màn cho heo ngủ. Cha người đó về báo mộng là ông đã sinh vào làm heo ở trong một gia đình khác. Chúng ta không biết được những việc trong đời quá khứ, vị lai, chúng ta mê lầm nên chúng ta tạo ra rất nhiều oán kết, oan nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta gặp được Phật pháp, chúng ta đều hy vọng ở ngay trong đời này có được thành tựu. Việc này mỗi người đều có thể làm được, vấn đề then chốt là chúng ta có giác ngộ được thấu đáo không!”. Chúng ta biết được tâm bệnh của chính mình thì đó chính là giác ngộ. Chúng ta triệt để sửa đổi tâm thì đó là chúng ta tu hành. Chúng ta không nhận biết được tâm bệnh của chính mình thì chúng ta chắc chắn sẽ mắc sai lầm. Chúng ta ngỗ ngược nên chúng ta nhìn thấy Phật Bồ Tát, Đại Thánh Đại Hiền, Thầy giáo, mọi người đều đang có lỗi lầm với mình. Có người làm ảnh hưởng đến cộng đồng nhưng khi được người khác nhắc nhở thì họ cho rằng người khác không từ bi. Chúng ta nhìn thấy Cha Mẹ làm sai thì chúng ta cũng phải nhờ người khác giúp Cha Mẹ phản tỉnh. Chúng ta nên nhờ người khác thường nhắc nhở chúng ta để giúp chúng ta phản tỉnh. Chúng ta cho rằng Phật Bồ Tát có lỗi với chúng ta đó là chính chúng ta đang ngạo mạn, vô phép. Nghiệp chướng của chúng ta nặng nề nên chúng ta không nhận ra được tâm bệnh của mình. Chúng ta phải tuân thủ quy tắc, chuẩn mực. Nếu người khác nhìn thấy chúng ta làm sai mà họ không nhắc thì đó là họ “từ bi đa họa hại”.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường rất vô tâm. Chúng ta tưởng rằng chúng ta đang tu phước, bồi phước nhưng thực ra chúng ta đang làm tổn phước. Nhiều người đang rất lãng phí. Thí dụ, có một cái thùng đựng sơn, khi không đựng sơn nữa thì mọi người bỏ đi. Tôi chỉ cần lấy hết lớp sơn đã khô cứng đi thì tôi đã tiết kiệm được một cái thùng. Có người để một thùng óc đậu bị thiu nên phải bỏ. Hôm qua, tôi mang một bát váng đậu mà mọi người thường bỏ đi để về nấu canh, bát canh vẫn rất ngon. Gần như hàng ngày, tôi đều phải đi nhặt lại đồ mà mọi người đã bỏ đi. Có nhiều người đang rất thờ ơ với mọi việc xung quanh. Chúng ta vô tâm thì ngày ngày chúng ta tạo nghiệp, chúng ta đang lãng phí phước báu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn nhận biết được tập khí của chính mình rất khó. Chungs ta luôn cho rằng mọi việc mình làm đều đúng. Phàm phu không bao giờ nhận thấy được lỗi lầm của chính mình”. Có một vị Hòa Thượng được mọi người kính trọng vì đức hạnh, công hạnh tu hành, một hôm, Ngài xuống bếp, Ngài nhìn thấy mọi người rửa chén bát để nhiều hạt cơm mắc vào trong giẻ rửa bát, Ngài nhặt những hạt cơm đó mang đi rửa rồi cho vào miệng ăn. Các Ngài biết tiếc phước, tích phước còn chúng ta luôn thì lãng phí.

Hòa Thượng nói: “Tâm bệnh của phàm phu là “tự dĩ vi thị”, luôn cho rằng mình biết, mình làm đúng, luôn cho rằng người khác có lỗi lầm với mình”. Người khác nhắc nhở chúng ta thì chúng ta cho rằng người khác không từ bi. Hàng ngày, chúng ta đang sống rất vô tâm. Chúng ta thường cho mọi thứ vào thùng rác mà chúng ta không phân loại rác. Những thứ rác hữu cơ mà chúng ta mang đi chôn thì người đổ rác sẽ không phải làm việc vất vả. Chúng ta chôn thức ăn hữu cơ vài tháng thì chúng sẽ trở thành phân bón.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook