98Thứ Bảy, 03/06/2023, 10:08
62 · Chương II (P2) - Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 30/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN HAI)”

Phiền não của chúng ta đã có từ vô lượng kiếp nên chúng ta không dễ đối trị. Nếu chúng ta không miên mật, ngày càng siết chặt tập khí, phiền não thì chúng ta không dễ đối trị được. Thí dụ, nếu chúng ta lơ là với tập khí ngủ, nếu chúng ta đã thức dậy sớm trong 1000 ngày, chỉ cần một ngày chúng ta thức không đúng giờ thì 1000 ngày trước đó sẽ coi như uổng phí.

Hòa Thượng nói: “Phương pháp khắc phục phiền não rất nhiều, nhà Phật nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, “pháp” là phương pháp, “môn” là cách thức, cách thức khắc phục phiền não, cách thức tiêu trừ nghiệp chướng là vô lượng vô biên. Ở trong vô lượng pháp môn, Đức Thế Tôn nói với chúng ta, niệm Phật là pháp môn thuận tiện nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất và hiệu quả nhất.”. Chúng ta khắc phục phiền não cũng chính là chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, thay vì chúng ta niệm phiền não, niệm vọng tưởng, niệm chấp trước, niệm buồn vui, thương ghét, giận hờn thì chúng ta niệm Phật. Chúng ta niệm phiền não thì phiền nào sẽ ngày càng tăng. Hàng ngày, chúng ta vẫn niệm phiền não, chúng ta nghĩ rằng chúng ta nghĩ đến những việc đó thì việc đó sẽ thông nhưng đây là cách nghĩ sai lầm. Tâm chúng ta thanh tịnh thì mọi việc sẽ thông.

Khi chúng ta tổ chức bất cứ sự kiện gì tôi cũng không hề suy nghĩ làm như thế nào, tổ chức ra sao. Suy nghĩ là vọng tưởng. Thay vì chúng ta suy nghĩ thì chúng ta niệm Phật. Tâm chúng ta có định thì chúng ta sẽ sinh tuệ, chúng ta sẽ nghĩ ra giải pháp tốt nhất để làm. Có người nói, từ ngày học chữ Hán, họ có thể giải quyết một cách rõ ràng, minh bạch. Người xưa nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biến”. Chúng ta giữ tâm ở một chỗ thì chúng ta có thể làm được tất cả sự việc. Chúng ta tập trung viết một chữ Hán là chúng ta đang buộc tâm, buộc vọng tưởng, phiền não của mình vào chữ đó. Chúng ta thường cuống cuồng lo toan, vọng động mà chúng ta không biết rằng mình càng cuống cuồng thì mọi việc càng không thể giải quyết.

Ngày trước, khi tôi ở cùng một số người hút thuốc, họ thường dụi tàn thuốc lá vào khung cửa sổ, một hôm khi trời mưa to, sấm chớp thì khung cửa sổ bị bốc cháy. Khi tôi ngửi thấy mùi khét, tôi sang phòng bên cạnh, tôi thấy cửa sổ đang cháy thì tôi thong thả lấy mấy thùng nước dập lửa. Hôm trước, trên báo đăng, có một ngôi nhà bị cháy, người con dâu đã dẫn mọi người bình tĩnh ra ban công qua nhà hàng xóm nên họ thoát chết. Cô con dâu đã bình tĩnh tìm đường thoát thân. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn giữ tâm mình thanh tịnh. Chúng ta thường niệm vọng tưởng khiến tâm mình bao chao, xao động.

Hôm trước, khi tôi đi dự một đám hỏi, Cha Mẹ cô dâu bất an đến mức không ngủ được, khi nhà trai đến thì Cha Mẹ cô dâu rất lo lắng, run rẩy. Họ đã niệm Phật nhiều năm, đến nhiều pháp hội mà với một việc nhỏ họ cũng động tâm như vậy! Việc nhỏ mà chúng ta cũng động tâm thì khi thần chết đến tâm chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta có khởi được câu “A Di Đà Phật” không? Chúng ta phải minh tường, định tĩnh trong mọi sự, mọi việc.

Tôi luôn niệm Phật rất chậm rãi, “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, “Nam Mô A Di Đà Phật”. Hàng ngày, chúng ta phải kiểm soát tâm, quán sát lại khí tiết của chúng ta. Chúng ta còn trẻ mà chúng ta không kiểm soát thì khi chúng ta già chúng ta rất khó kiểm soát. Chúng ta còn trẻ mà chúng ta bao chao, xao động thì khi chúng ta già chúng ta sẽ càng bao chao, xao động hơn.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta biết cách niệm Phật thì câu Phật hiệu có thể giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn trừ được phiền não. Người biết niệm như lý, như pháp thì họ niệm Phật sẽ có hiệu quả rất thù thắng”. Câu Phật hiệu có lực thì chúng ta sẽ tiêu trừ được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta niệm Phật mà vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vẫn còn nguyên là do phương pháp, lý luận của chúng ta đã sai vậy thì chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu. Chúng ta phiền não thì tương lai, chúng ta đáng đọa lạc như thế nào thì chúng ta vẫn phải đọa lạc như thế đó.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật thì chúng ta phải gánh vác, kế tục sứ mạng hoằng pháp lợi sanh tiếp nối huệ mạng của Phật. Chúng ta chỉ cần buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta sẽ gánh vác được sứ mạng của Phật”. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải buông xả ngã chấp. “Ngã chấp” là chúng ta chấp vào cái ta, cái của ta. Chúng ta thường chấp trước vào “cái ta”, “cái của ta”, bạn bè, quê hương ta. Chúng ta thường nghĩ là phải làm điều gì tốt cho quê hương của mình mà không quan tâm đến quê hương của người.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook