97Thứ Hai, 29/05/2023, 17:32
61 · Chương VIII - Nói Rõ Về Phương Pháp Niệm Phật - 4

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 29/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG VIII: NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT (PHẦN BỐN)”

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định phải dùng tâm Chân Thành, tâm Thanh Tịnh, tâm Bình Đẳng, tâm Giác Ngộ, tâm Từ Bi lão thật niệm câu Phật hiệu. Câu Phật hiệu này nhất định phải tương ưng với “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”, đây chính là “một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”; Nếu câu niệm Phật của chúng ta không tương ưng với “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” thì câu Phật hiệu này liền không có công đức. Chúng ta muốn niệm câu Phật hiệu tương ưng thì chúng ta nhất định phải làm được “nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên”. “Nhìn thấu” là chân thật hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. “Buông xả” là buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”.

Chúng ta phải dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi trong việc niệm Phật cũng như trong tất cả phương diện của cuộc sống hàng ngày như trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác. Chúng ta phải làm mọi việc một cách rõ ràng, dứt khoát, thành thật. Khi chúng ta làm mệt thì chúng ta nghỉ, hết mệt thì chúng ta làm tiếp. Chúng ta tưởng rằng chúng ta gạt được người nhưng chúng ta không thể gạt được Phật Bồ Tát, Long Thiên Thiện Thần. Thí dụ, nếu chúng ta đọc lời phát nguyện chúng ta chưa thuộc thì chúng ta phải xin phép để chúng ta được cầm giấy đọc. Chúng ta thường không thành thật mà chúng ta thường thích dùng tiểu xảo. Thí dụ, có một số em nhỏ đang làm việc thì các em nói rằng mình bị đau bụng để không phải tiếp tục làm việc. Nếu chúng ta thích dùng tiểu xảo thì chúng ta không thể lão thật niệm câu “A Di Đà Phật”. Hàng ngày, chúng ta đều làm những việc trái với chân thành thì tâm chúng ta không thể đạt được chân thành.

Chúng ta nhìn thấu khởi tâm động niệm, cách đối nhân xử thế, hành động tạo tác của mình thì chúng ta sẽ nhận ra là mình đang chân thành hay mình đang dùng tiểu xảo. Chúng ta vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên ngày ngày chúng ta vận dụng tiểu xảo. Tự chính chúng ta phải chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi chứ chúng ta chỉ không làm để người khác nhìn thấy. Bản chất của chúng ta là chân thành chứ chúng ta không làm tiểu xảo để lừa người. Cuộc sống rất ngắn ngủi, chúng ta không nên dùng thủ đoạn để có được một chút lợi nhỏ. Người thành thật thì cuộc sống của họ tự tại, vô ngã, không có gì phải che giấu. Chúng ta có bệnh trầm kha là nói không thật, nói một đằng làm một nẻo, nếu chúng ta không mau sửa đổi thì sẽ không còn kịp.

Tổ Sư Đại Đức dạy chúng ta phải học đức tính lão thật, thành thật. Nhiều người giả là người khờ khạo để những người tự cho mình là người thông minh, lanh lợi lừa gạt. Hòa Thượng kể câu chuyện, khi Hòa Thượng còn trẻ, một lần Hoà Thượng đến thăm một bị Lão Hòa Thượng. Vị Lão Hòa Thượng hỏi Hòa Thượng là Ngài có nhìn thấy một người vừa đi ra không. Hòa Thượng trả lời là Ngài có nhìn thấy, khi người đó đi ra họ còn đụng vào vai Ngài. Vị Lão Hòa Thượng nói, người đó đã đến gạt Ngài mấy lần rồi hôm nay lại đến gạt nữa. Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ gạt được những người có tâm ý qua loa, chỉ cần người tâm có một chút se se thanh tịnh thì họ sẽ nhận ra ngay!”. Chúng ta làm tiểu xảo để che đậy hành động của mình chính là chúng ta muốn che dấu tập khí xấu ác của mình. Chúng ta học Phật, niệm Phật thì những việc đó không giúp ích mà chỉ làm tổn hại chúng ta.

Hôm qua, chúng ta tổ chức lễ cưới cho hai Thầy Cô giáo trong hệ thống, khi chúng ta thực hiện các nghi lễ chúng ta cũng đã độ được rất nhiều người. Nhiều người đã rất bất ngờ khi nhìn thấy những nét đẹp văn hoá truyền thống đó. Có người nói, những lễ nghi này ngày xưa mọi người có thực hiện nhưng giờ chúng đã bị mai một, nếu chúng ta có thể khôi phục lại thì sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều người. Chúng ta phải mở tâm của chúng ta rộng lớn ra chứ không phải là chúng ta chỉ mở túi tiền của mình. Nếu chúng ta không mở tâm trước mà chúng ta mở túi tiền trước thì chúng ta sẽ cảm thấy hối tiếc vì mình đã cho đi. Chúng ta mở tâm rộng lớn thì chúng ta sẽ có thể làm được nhiều việc lợi ích cho mọi người. Chúng ta ưu tiên làm những việc có thể lợi ích càng nhiều chúng sanh càng tốt. Phật Bồ Tát vì chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, chúng ta phải học Phật Bồ Tát mở tâm rộng lớn. Nếu một việc chỉ có thể lợi ích được vài người, vài chục người nhưng cũng bằng thời gian đó chúng ta có thể làm lợi ích cho vài trăm người thì chúng ta sẽ ưu tiên làm việc có thể làm lợi ích cho nhiều người. Chúng ta phải mở tâm vì Phật pháp, vì văn hóa truyền thống, vì tất cả chúng sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook