Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 28/05/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG VIII: NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT (PHẦN BA)”
Ngày nay, rất nhiều người niệm Phật nhưng không có thành tựu điều này khiến cho đại chúng không còn tin vào pháp Tịnh Độ. Đây là nguyên nhân chính khiến pháp Tịnh Độ dần bị mai một. Nhiều người học “Đệ Tử Quy”, nghe pháp Hoà Thượng nhưng không thật làm khiến mọi người nghi ngờ lời dạy của người xưa, của Hòa Thượng.
Cách đây hơn 10 năm, khi tôi bắt đầu dịch đĩa của Hòa Thượng, sau khi nghe đĩa xong, có nhiều người đã đề xướng cách tu của Hòa Thượng. Khi đó, tôi cảm thấy rất bất an vì nhiều người đã phổ biến, cắt ghép các đĩa của Hòa Thượng. Hoà Thượng đã hết lòng hết dạ dạy bảo chúng ta nên tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm nói và làm những điều Hoà Thượng đã dạy. Cách nói, cách làm, cách tu của chúng phải có sự nhất quán.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta bước vào niệm Phật đường, chúng ta muốn công phu có lực thì chúng ta phải buông xả thân tâm thế giới. Chúng ta không thể buông vì chúng ta chưa thông, chưa hiểu tường tận”. Nếu chúng ta dính mắc vào mọi việc thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại. Chúng ta muốn thể hội được câu: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh” cũng không dễ dàng. Chúng ta nhìn thấu thì chúng ta mới có thể buông xả. Chúng ta luôn dính mắc vào “cái ta”, “cái của ta”. Chúng ta cũng đã học gần 1000 ngày nhưng chúng ta đã thay đổi được tập khí của chúng ta chưa? Chúng ta học 1000 ngày không trễ phút nào thì tập khí của chúng ta mới có thể có sự chuyển đổi. Chúng ta nói để tự nhắc nhở chính mình.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta chưa thông giáo lý mà thì chúng ta phải nghe giảng Kinh, nói pháp, cùng nhau học tập để bổ cứu”. Hòa Thượng nói, Ngài may mắn vì suốt cuộc đời Hòa Thượng không phải rời pháp tòa, Ngài có cơ hội để nói cho chính mình nghe. Giai đoạn khó khăn nhất, khi Hoà Thượng ở nhà một vị cư sĩ thì Ngài vẫn ở trên pháp tòa để nói và nghe pháp. Chúng ta tu mà không học thì chúng ta mù quáng, chúng ta học mà không tu thì chúng ta giống như cái bị đựng sách.
Hòa Thượng nói:“Ngày trước ở đại Phật Đường không giảng Kinh nhưng trong thời gian một cây hương, sau khi mọi người ngồi yên lặng niệm thầm thì vị hội trưởng sẽ ra để khai thị. Thời hiện đại, thời gian chúng ta nghe Kinh rất ít, nền tảng của chúng ta không vững chắc thì dù chúng ta đến niệm Phật đường thì chúng ta vẫn phiền não. Cho nên chúng ta không thể không nghe pháp, không thể không đọc Kinh. Chúng ta phải chân thật dụng công nỗ lực”. Việc khai thị cũng gần giống như giảng dạy sẽ giúp mọi người đoạn nghi hoặc, sinh tín tâm, công phu có lực. Hòa Thượng là bậc Lão tu, Ngài đã đi qua rất nhiều đạo tràng nên Ngài đã nhìn thấy thực trạng của người tu hành ngày nay. Nền tảng của chúng ta không chắc chắn nên chúng ta phải ngày ngày đọc Kinh, nghe pháp. Thời hiện đại này, chúng ta nên dành thời gian đọc Kinh hai phần, thời gian niệm Phật một phần vì nền tảng của chúng ta không đủ, chúng ta chưa rõ ràng tường tận.
Hòa Thượng nói: “Những người ở trong thôn Di Đà đều là Bồ Tát vì họ đến đây chỉ có một mục đích là làm Phật. Niệm Phật là nhân làm Phật là quả”. Rất nhiều người đóng góp xây dựng thôn Di Đà nhưng thôn Di Đà đã không thể hình thành. Dù chúng ta không niệm Phật thì tâm chúng ta cũng phải là tâm Phật, chúng ta luôn nghĩ lợi ích nhân. Chúng ta vẫn nghĩ đến mình, không buông bỏ thân tâm thế giới vậy thì chúng ta chỉ gieo duyên với Phật.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải ngày ngày niệm Phật, nhớ Phật. Chúng ta là phàm phu nghiệp chướng, tập khí sâu nặng, chúng ta phải ngày đêm niệm Phật không gián đoạn. Nếu thể lực của chúng ta không đủ sức thì chúng ta phải cố gắng khắc phục. Đây là chúng ta “tự lợi lợi tha”, chúng ta vì chính mình và cũng là vì chúng sanh. Chúng ta thành tựu rồi thì chúng ta sẽ có thể phổ độ chúng sanh. Hy vọng mọi người có thể tự động, tự phát làm”.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta đến niệm Phật đường niệm Phật, chúng ta niệm Phật mệt thì chúng ta nghỉ ngơi. Khi nghỉ ngơi, chúng ta không cần cởi áo tràng vì khi cởi áo tràng rồi thì chúng ta sẽ có thể ngủ quên làm lãng phí thời gian niệm Phật. Chúng ta mặc áo tràng để đề cao sự cảnh giác, đề phòng sự lười biếng của chính mình. Chúng ta tu học như vậy thì làm sao chúng ta không thành tựu chứ!”.