110Thứ Bảy, 27/05/2023, 16:53
59 · Chương VIII - Nói Rõ Về Phương Pháp Niệm Phật - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 27/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG VIII: NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT (PHẦN HAI)”

Hòa Thượng nói: “Việc niệm Phật rất quan trọng, công đức niệm Phật là vô lượng, vô biên, không gì thù thắng bằng. Công đức niệm Phật giúp chúng ta có thể tiêu trừ nghiệp chướng trong đời này và từ vô lượng kiếp. Nhà Phật nói: “Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Niệm niệm của chúng ta phải tương ưng với năm tính đức là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Mỗi niệm của chúng ta tương ưng với 48 lời nguyện của Phật A Di Đà chính là chúng ta đã tương ưng với nguyện của Phật. Mỗi niệm giúp đỡ tất cả chúng sanh chính là tương ưng với hạnh của Phật”.

Ngày nay, chúng ta niệm Phật không có lực, không có được thành tựu như người xưa. Nếu chúng ta có một trong năm tánh đức là “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” thì chúng ta cũng sẽ có những tánh đức còn lại. Chúng ta không thể nói là, chúng ta có tâm chân thành nhưng chúng ta không có tâm từ bi, chúng ta có tâm thanh tịnh nhưng chúng ta không có tâm chân thành. Trong tâm chân thành bao gồm cả tâm thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi; trong tâm từ bi thì bao gồm cả tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Có những người tưởng rằng là mình từ bi nhưng đó là họ đang cảm tình làm việc vì trong tâm họ không có chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Nếu chúng ta không được giảng dạy để thể hội một cách tường tận thì chúng ta không thể phân biệt được điều này.

Bài trước, Hòa Thượng đã nói, hàng ngày, chúng ta vọng tưởng, tham vọng nhưng chúng ta lại tưởng rằng đó là chúng ta có nguyện vọng. Thí dụ, chúng ta mong muốn phát triển trường, chúng ta tưởng đó là nguyện vọng lợi ích chúng sanh nhưng đó là tham vọng vì tâm chúng ta vẫn còn xen tạp “tự tư tự lợi”. Niệm niệm tương ưng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì đó mới là chân niệm. Chúng ta thường chỉ niệm Phật ở trên miệng còn trong tâm chúng ta loạn động. Có những người tưởng rằng mình đang làm Phật sự nhưng nếu chúng ta làm Phật sự thì tâm chúng ta phải tương ưng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.

Hòa Thượng nói: “Vọng niệm là từ nghiệp chướng biến hiện ra, vọng niệm chính là nghiệp chướng. Mỗi niệm của chúng ta đều là câu Phật hiệu thì vọng niệm liền không còn. Mỗi niệm chúng ta không gián đoạn thì nghiệp chướng của chúng ta mới có thể tiêu trừ. Chúng ta không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn thì công phu của chúng ta nhất định có lực. Đây là bí quyết của niệm Phật”.

Hòa Thượng nói: “Tổ Sư Đại Đức pháp môn Tịnh Tông dạy chúng ta phải: “Lão thật niệm Phật”. Hai chữ “lão thật” không dễ làm được! Người làm được hai chữ này thì ngay trong đời này, họ nhất định đạt được thượng phẩm vãng sanh”. Tánh đức “Lão thật” phải được lưu xuất ra từ tự tính. Chúng ta không chỉ lão thật niệm Phật mà chúng ta phải lão thật trong mọi khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật. Có chín phẩm vãng sanh là hạ phẩm hạ sanh, hạ phẩm trung sanh, hạ phẩm thượng sanh; trung phẩm hạ sanh, trung phẩm trung sanh, trung phẩm thượng sanh; thượng phẩm hạ sanh, thượng phẩm trung sanh và thượng phẩm thượng sanh. Chúng ta chỉ cần “lão thật” niệm Phật thì chúng ta có thể vãng sanh ở bậc thượng phẩm.

Có một người đã xả bỏ cả một tiệm vàng để chuyên tâm tu hành, một hôm, ông ngồi ăn cơm với bạn, sau khi ăn cơm xong thì ông liền cầm lấy trái chuối to hơn để ăn. Sau đó, ông giật mình phản tỉnh vì tập khí tham, muốn chiếm hữu của ông vẫn còn nguyên. Điều này rất vi tế, hàng ngày, trong ăn uống, trong khi làm việc nếu chúng ta quán sát tâm chúng ta thì chúng ta sẽ nhận ra.

Thầy Thái kể, trong “Quần Thư Trị Yếu” nói về câu chuyện, nhà vua ban cho mỗi người tham gia khóa thi một con dê. Mọi người tranh nhau chọn con dê khỏe, béo, mập, chỉ có một người đàn ông chọn con dê nhỏ nhất. Sau đó, ông là người được chọn và được phong danh hiệu là Tiến sĩ dê gầy. Ông là người thế gian, không học Phật nhưng ông có tinh thần của người quân tử là: “Quân tử thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook