Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 03/04/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN BA)
Hòa Thượng nói: “Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay: “Chúng ta vãng sanh phẩm vị cao hay thấp là do công phu niệm Phật của chúng ta sâu hay cạn”. Công phu niệm Phật của chúng ta sâu hay cạn không phụ thuộc vào việc chúng ta niệm Phật nhiều hay ít mà phụ thuộc vào mức độ thanh tịnh của tâm chúng ta”. Tâm chúng ta càng thanh tịnh thì chúng ta càng tương ưng với tự tánh, chúng ta càng tương ưng với cõi Tịnh Độ.
Nếu chúng ta niệm Phật mà chúng ta phiền não, người khác cũng phiền não thì tốt hơn là chúng ta đừng niệm. Hòa Thượng từng nói, nếu chúng ta niệm Phật mà chúng ta cảm thấy phiền não, chúng ta nghe nhạc chúng ta không phiền não thì chúng ta nghe nhạc tốt hơn! Cư sĩ Bàng cũng nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”. Chúng ta nhiều việc mà chúng ta làm cho mình và mọi người phiền não thì nhiều việc không bằng ít việc. Nếu chúng ta ít việc mà chúng ta vẫn phiền não, tâm chúng ta không thanh tịnh, thì ít việc không bằng không việc gì. Điều quan trọng nhất trong tu hành là tâm chúng ta phải thanh tịnh.
Nếu chúng ta chọn“không việc gì” thì Tâm Bồ Đề của chúng ta sẽ không thể khai mở. Nhiều người cho rằng, nếu họ chọn giải pháp không làm việc gì thì tâm họ sẽ không bị phiền phức, tâm họ sẽ thanh tịnh. Nếu giải pháp đó tốt thì chư Phật Bồ Tát đã lựa chọn! Bồ Tát Địa Tạng đã phát nguyện: “Địa ngục chưa trống rỗng thì ta thề không thành Phật. Chưa độ hết chúng sanh thì ta thề không chứng quả Bồ Đề”.
Hòa Thượng nói: “Trong việc tu hành, phát Tâm Bồ Đề là vấn đề căn bản, tâm này phải xây dựng trên pháp môn Đại Thừa”. “Đại thừa” là chiếc xe lớn. Chúng ta phải phát tâm rộng lớn, gánh vác tất cả những việc mà chư Phật, Thánh Hiền đã làm. Chúng ta làm mà như không làm. Chúng ta dùng tâm này mà niệm Phật thì chúng ta sẽ tương ưng với Phật A Di Đà. Chúng ta dùng tâm né tránh khó khăn thì chúng ta niệm Phật không thể tương ưng với Phật.
Phật A Di Đà khi còn là Tỳ Kheo Pháp Tạng đã phát nguyện với Thầy của mình rằng: “Con sẽ kiến tạo nên thế giới Tây Phương Cực Lạc, tạo ra một thắng địa để chúng sanh tu hành thẳng đến thành Phật”. Sau khi trải qua vô lượng kiếp tu hành, từ công đức của mình Ngài đã kiến tạo nên thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta muốn về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tâm, hạnh của chúng ta phải giống như Phật. Người quân tử ở thế gian cũng đã là người: “Thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân”. Nếu chúng ta là người học Phật thì chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm, “lánh nặng, tìm nhẹ”.
Tôi thấy rất nhiều chọn giải pháp an ổn, họ ngộ nhận rằng họ làm như vậy thì tâm họ sẽ thanh tịnh. Nhà Phật nói: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Nếu tâm chúng ta thanh tịnh thì mọi người sẽ không phiền não vì chúng ta. Trong lớp học của chúng ta, có những người niệm Phật mỗi ngày niệm Phật hàng nghìn tiếng, lạy Phật hàng nghìn lần nhưng tâm họ cũng không thanh tịnh. Chúng ta dùng tâm “lánh nặng, tìm nhẹ” để niệm Phật thì chúng ta chỉ có thể “vãng lai” chứ chúng ta không thể “vãng sanh”. Đây là nguyên nhân người niệm Phật nhiều nhưng người vãng sanh càng ngày càng ít! Chúng ta niệm một câu “A Di Đà Phật” đến cùng nhưng chúng ta phải phát Tâm Bồ Đề. Hai việc này tương bổ, tương thành. “Tâm Bồ Đề” là tâm vì chúng sanh. Chúng ta phát tâm vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là vì những chúng sanh đau khổ. Sau khi học xong 1200 chuyên đề, tôi mới hiểu thêm một chút về “Tâm Bồ Đề”!
Nhiều người thế gian cũng đã phát được Tâm Bồ Đề, sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chúng ta tự cho mình là đệ tử Phật nhưng chúng ta lại đang tránh né việc, sợ khó, sợ sai, sợ khổ. Chúng ta làm sai là vì trong chúng ta còn “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Mỗi chúng ta đều cũng sẽ sai, bản thân tôi cũng phải ngày ngày nỗ lực. Sáng nay, tôi giật mình thức dậy, tôi nhìn đồng hồ là 2 giờ 30 phút nên tôi ngủ tiếp, nếu đồng hồ là 3 giờ 01 phút thì tôi sẽ nhất định ngồi dạy. Tôi đã thỏa thuận một cách cương quyết với chính mình. Chúng ta đừng cho rằng, chúng ta đã cố gắng rồi nên chúng ta cho phép mình được nới lỏng một lần. Nguyên tắc là nguyên tắc! Nếu chúng ta xác quyết như vậy thì chúng ta sẽ không mắc sai lầm.