48Thứ Sáu, 26/05/2023, 15:13
58 · Chương VIII - Nói Rõ Về Phương Pháp Niệm Phật - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 26/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG VIII: NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT”

Nhiều người niệm Phật nhưng không có thành tựu nên họ quay lại bài bác pháp môn niệm Phật. Nếu chúng ta không hiểu một cách tường tận thì chúng ta niệm Phật sẽ không có lực, chúng ta sẽ dần mất đi niềm tin. Cuốn “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục” là những lời dạy thiết yếu giúp người học Phật, người niệm Phật có mục tiêu, phương hướng rõ ràng. Nếu người học Phật mà không có mục tiêu rõ ràng thì họ sẽ không thể có thành tựu. Chúng ta học Phật mục tiêu là để làm Phật, niệm Phật mục tiêu là để vãng sanh. Nhiều người nói rằng họ không biết là họ có thể vãng sanh hay không nếu chúng ta không xác quyết thì chúng ta không thể làm một cách khẩn thiết. Trong đời sống, chúng ta thường rất khẩn thiết trong nhiều việc nhưng chúng ta lại rất xem thường việc thoát ly sinh tử.

Hòa Thượng nói: “Niệm là tưởng. Ngày ngày chúng ta tưởng Phật chính là trong tâm chúng ta chân thật có Phật. Mỗi niệm chúng ta đều có A Di Đà Phật chính là chúng ta có tâm, nguyện, hạnh của A Di Đà Phật”. Chúng ta quán sát, hàng ngày khi chúng ta niệm Phật thì trong tâm chúng ta có Phật không? Nếu chúng ta niệm Phật nhưng tâm chúng ta chỉ có buồn vui, thương ghét, giận hờn thì chúng ta giống như Tổ Sư Đại Đức nói: “Đau mồm, rát họng, chỉ uổng công”. Chúng ta niệm Phật nhưng chúng ta vẫn bị chi phối bởi tập khí, phiền não vì chúng ta không có tâm, nguyện, hạnh của Phật.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chân thật niệm Phật, chúng ta có tâm nguyện hạnh của Phật A Di Đà thì chúng ta phải đem “Kinh Vô Lượng Thọ” biến thành tư tưởng hành vi của chính mình”. Trong Kinh Vô Lượng Thọ” nói rõ về ba nghiệp, về 48 Nguyện của Phật A Di Đà. Phật tâm là chúng ta nghĩ đến việc của chúng sanh, của cộng đồng, chúng ta không nghĩ đến việc cá nhân.

Trong một kiếp, tiền thân của Thích Ca Mâu Ni Phật là một người thương nhân, trong một chuyến đi buôn, vị thương nhân này đi cùng 500 thương nhân khác. Trên đường đi, vị thương nhân này phát hiện ra có một tên cướp đang lẩn trốn trong đoàn thương nhân, tên cướp muốn giết 500 người thương nhân khác để chiếm tài sản. Vị thương nhân là tiền thân của Đức Phật nhìn thấy rõ, nếu Ngài không ngăn chặn tên cướp này lại thì 500 người sẽ bị giết và tên cướp cũng phạm phải tội giết người nên Ngài đã ra tay trước để ngăn chặn. Mặc dù vị thương nhân này biết rằng mình sẽ phải nhận quả báo do hành vi giết tên cướp nhưng vì hơn mạng sống của hơn 500 người nên Ngài vẫn chấp nhận làm. Vị thương nhân này đã có tâm rất từ bi, tâm Ngài chính là tâm Phật. Chúng ta mở rộng tâm thì chúng ta sẽ nhìn rõ những việc gì sẽ lợi ích được cho nhiều người.

  Hòa Thượng nói: ““Chúng ta không chỉ niệm Phật ở trên miệng mà trong tâm chúng ta phải có Phật”. Hòa Thượng từng nói: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không thể gián đoạn”. Tâm của Phật là tâm rộng lớn, các Ngài muốn mang lại lợi ích chúng sanh lâu dài. Các Ngài muốn, hiện tại chúng sanh thoát khỏi khổ đau, tương lai chúng sanh vượt thoát được sinh tử.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta niệm Phật để người khác nhìn thấy thì đây cũng là phương pháp để độ chúng sanh. Nhưng chúng ta phải niệm Phật để tâm, nguyện, hạnh của chúng ta tương ưng với tâm, hạnh, nguyện của Phật. Tâm Phật là tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Phật nguyện là nguyện giúp đỡ tất cả chúng sanh sớm thành Phật. Phật hạnh là chúng ta phải thật làm. Ngay trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải tùy phận, tuỳ lực, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê, khai ngộ”. Chúng ta là một người quét rác thì chúng ta cũng phải làm một người quét rác tận trách nhiệm. Nếu một người quét rác làm việc một cách tận tâm tận lực thì họ cũng có thể độ được chúng sanh.

Một lần, tôi đến một công viên rất đẹp, tôi nhìn thấy người quét rác đang vun rác vào trong các bãi cỏ. Nếu người đi đường nhìn thấy hành động này họ sẽ thấy rất phản cảm. Chúng ta có sức ảnh hưởng lớn thì chúng ta có thể ảnh hưởng, giúp đỡ được một cộng đồng lớn. Năng lực của chúng ta nhỏ, hạn chế thì chúng ta chỉ cần làm hết khả năng của mình. Thay vì, chúng ta trồng rau, cắt cỏ một cách nhanh chóng, qua loa trên diện tích lớn thì chúng ta chỉ cần làm một đoạn ngắn một cách chỉnh chu, hoàn thiện thì chúng ta cũng đã chinh phục được người khác. Chúng ta muốn đạt được tùy phận, tùy lực thì tâm chúng ta phải đạt đến chân thành. Người có Tâm Bồ Đề thì họ sẽ biết tùy phận, tùy lực.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook