93Thứ Tư, 24/05/2023, 08:56
55 · Chương VI - Tán Thán Tịnh Độ Siêu Thắng - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 23/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG VI: TÁN THÁN TỊNH ĐỘ SIÊU THẮNG (PHẦN MỘT)”

Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn siêu thắng vì pháp môn này có thể giúp chúng ta một đời thẳng tiến thành Phật. Nếu chúng ta vãng sanh thì chúng ta sẽ không còn thoái chuyển. Hòa Thượng nói: “Trong tất cả các cảnh giới hiện ra, trong mười pháp giới pháp giới Phật là tối thắng, viên mãn nhất. Pháp giới Phật do niệm Phật mà tạo ra. Niệm Phật là nhân thành Phật là quả. Bồ Tát muốn thành Phật thì các Ngài cũng phải niệm Phật. Hiện tại, chúng ta niệm Phật là trực tiếp thành Phật, không phải đi đường vòng. Do tâm niệm của chúng ta khác nhau nên cũng có rất nhiều pháp giới Phật khác nhau”. Chúng ta không dễ dàng có thể gặp và tin tưởng được Phật pháp. Trước khi chúng ta muốn tin tưởng thì chúng ta phải xem đó là lời nói của ai. Hòa Thượng cả cuộc đời gần 70 năm chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ, hiện tại Ngài đã vãng sanh. Cả cuộc đời của Ngài là tam bất quản, Ngài không quản tiền, không quản người, không quản việc vậy thì lời nói của Ngài chắc chắn là những lời chân thật! Chúng ta phải tin lời của Hòa Thượng!

Nhiều người học Phật phải đi đường vòng, họ chọn nhiều pháp nhưng cuối cùng họ không biết pháp nào có thể thật tin, thật làm. Hòa Thượng thường nói, đó là những người: “Vô sở thất tùng”. Họ không có chỗ để nương về. Hiện tại, chúng ta có công việc để hy sinh phụng hiến, chúng ta có pháp để tu, tâm chúng ta có chỗ để nương về. Có nhiều người có địa vị, tiền tài nhưng tâm họ luôn bất an. Tôi tin pháp môn Tịnh Độ vì tôi tin Hòa Thượng, cả đời Ngài chỉ chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ. Nhiều người dạy mọi người tu pháp này nhưng bản thân họ thì lại tu pháp khác.

Cho dù chúng ta tu hành bất cứ pháp môn nào thì chúng ta cũng phải chọn pháp môn có sự truyền thừa. Chúng ta đang tu pháp môn Tịnh Độ có sự truyền thừa một cách thuần chánh. Tổ Sư Ấn Quang là vị tổ thứ 13 của pháp môn Tịnh Độ, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là học trò của Tổ Sư Ấn Quang, Hòa Thượng Tịnh Không là học trò của Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Chúng ta học với Hòa Thượng, chúng ta là đời thứ tư.

Nhiều người tu học Phật pháp nhưng họ rơi vào “tu danh tu lợi, tu quanh tu quẹo, tu dục tu tình, tu gian tu dối”. Đây là lý do khiến mọi người không đạt được lợi ích chân thật từ Phật pháp. “Dục” là ham muốn, “tình” là cảm tình dụng sự. “Tu dục tu tình” là chúng ta tu hành nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều ham muốn, mong cầu. “Tu gian tu dối” là chúng ta tưởng rằng những việc chúng ta làm là không ai biết nhưng chúng ta chỉ cần khởi một niệm thì niệm đó đã châu biến pháp giới. Chúng ta khởi một niệm lợi ích chúng sanh hay một niệm tổn hại chúng sanh thì niệm đó liền đã châu biến pháp giới, chúng ta không thể giấu được ai.

Chúng ta quán sát, chúng ta đang dùng tâm gì để niệm Phật? Chúng ta đang dùng tâm gì để thúc đẩy giáo dục Thánh Hiền? Mấy hôm nay, khi tôi đi quanh khu học đường ở Tây Sơn, tôi gặp các cụ già, các cụ đều rất ngạc nhiên khi thấy chúng ta trồng rau sạch, làm đậu chỉ để mang tặng mọi người. Khi tôi gặp các cụ bà quét rác trên chùa, các cụ nói rau chúng ta trồng rất ngon, các cụ thường được ăn rau sạch chúng ta trồng. Tôi nói, chúng ta chỉ cần cố gắng làm, còn điện, nguyên liệu là do mọi người tặng cho. Chúng ta phải làm đạt đến “thuần chân vô vọng”. Tâm chúng ta chỉ là một mảng chân thành, không có vọng niệm, mong cầu. Hiện tại, chúng ta làm chưa tốt nhưng chúng ta phải cố gắng để làm đạt đến mức độ tốt nhất. Chúng ta làm đến mức “thuần chân vô vọng” thì chúng ta niệm Phật sẽ thẳng đến thành Phật. Nhà Phật dạy chúng ta: “Chí thành cảm thông”. Nếu tâm chúng ta chí thành thì trên chúng ta thông với chư Phật, dưới chúng ta cảm thông đến những chúng sanh nhỏ nhất. Nếu chúng ta chưa cảm thông được thì đó là do chúng ta chưa đủ chân thành.

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói về việc, rất nhiều Bồ Tát muốn cầu pháp môn này mà không cầu được vì họ không có cơ duyên để biết, để nghe được pháp môn này. Họ mong cầu pháp môn này bởi vì họ muốn sớm chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn. Bồ Tát cũng không dễ có duyên để gặp được pháp môn Tịnh Độ. Chúng ta ở ngay đời này gặp được pháp môn Tịnh Độ đây thật là may mắn, khó được biết bao! Có những người đã gặp pháp môn Tịnh Độ nhưng họ không tin tưởng, không thể lý giải, không thể y giáo phụng hành, việc này vô cùng đáng tiếc!”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook