
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 22/05/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG V: NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ (PHẦN CHÍN)”
Đối với người học Phật, nhất là đối với những người niệm Phật như chúng ta việc vãng sanh là tối hệ trọng. Tổ Sư Đại Đức thường nhắc nhở chúng ta: “Nếu chúng ta không vãng sanh thì không có việc gì đáng để bàn!”. “Không vãng sanh” là chúng ta không vượt thoát khỏi sinh tử, không thể ra khỏi vòng luân hồi. Chúng ta thường mải lo danh lợi, mải tình chấp nên chúng ta quên đi lời dạy của Tổ Sư.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta mỗi niệm phải nghĩ nhớ đến quê hương là y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong tâm chúng ta chỉ có y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, tất cả những việc khác đều không quan hệ đến chúng ta”. Tất cả sự đãi ngộ ở thế gian, “danh vọng lợi dưỡng” đều không quan trọng, đều không đáng để chúng ta để trong tâm. Chúng ta vẫn tận tâm tận lực làm mọi việc nhưng chúng ta không lưu lại trong tâm. Nếu người khác giao việc mà chúng ta để hư hại vậy thì chúng ta đã thất trách.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải có ý niệm nghĩ đến quê hương, nghĩ đến ngày chúng ta vãng sanh. Ý niệm này mới là chánh niệm. Vãng sanh là sanh chứ không phải tử, là chân thật vĩnh sanh. Vãng sanh chính là chứng được, mở đầu cho pháp thân huệ mạng, mở đầu cho chân thường”. Thế gian này, mọi người làm những việc vô thường. Chúng ta niệm Phật vãng sanh là mở đầu cho chân thường. Nếu chúng ta vãng sanh thì chúng ta sẽ không còn Sinh – Lão – Bệnh – Tử.
Hòa Thượng nói: “Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể dễ dàng hành trì pháp Mười Niệm. Pháp Mười Niệm dễ như vậy nhưng chúng ta vẫn thường quên, suốt ngày chúng ta không nhớ niệm lần nào. Mỗi ngày, chúng ta có thể niệm mười câu Phật hiệu chín lần vào các thời gian là: buổi sáng sớm khi chúng ta vừa thức dậy, trước khi đi ngủ, trước khi ăn ba bữa cơm, khi chuẩn bị đi làm và khi làm xong việc vào buổi sáng, khi bắt đầu làm việc và khi kết thúc làm việc vào buổi chiều. Đây là định khóa thường ngày của đồng tu niệm Phật”. Chúng ta chưa thể niệm Phật thành khối thì chúng ta phải nhớ rõ định khóa này. Nếu chúng ta làm đều đặn trong nhiều năm thì khi chúng ta lâm chung, chúng ta sẽ có thể đề khởi được câu Phật hiệu.
Hòa Thượng nói: “Khi đồng tu chúng ta họp mặt, khi chúng ta đến học Kinh, nghe pháp thì chúng ta cũng có thể niệm mười câu Phật hiệu. Chúng ta căn cứ vào những việc chúng ta làm để chúng ta đề khởi pháp Mười Niệm, việc này có lợi ích đặc biệt thù thắng. Cách này đơn giản, dễ làm, chỉ mất khoảng thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả rất cao. Đây là phương pháp Phật pháp hóa gia đình”. Chúng ta áp dụng thời khóa này lâu dần thì chúng ta sẽ có rất nhiều lợi ích. Chúng ta tưởng rằng đây là việc nhỏ nhưng chúng ta có thể dùng phương pháp này Phật pháp hóa gia đình, thân bằng quyến thuộc, dần dần là phổ cập xã hội, lợi ích mọi người. Thí dụ, khi bạn bè chúng ta đến ăn cơm, khi gia đình chúng ta chắp tay niệm Phật thì họ cũng phải chắp tay niệm Phật. Những người trong gia tộc, thông gia của tôi cũng vậy, đến giờ ăn, gia đình tôi chắp tay niệm Phật thì họ cũng làm theo. Ban đầu, họ cảm thấy chưa quen nhưng những lần sau thì họ tự làm.
Hòa Thượng nói: “Pháp Thập Niệm là phương pháp đơn giản, dễ làm, từ sáng đến tối chúng ta niệm chín lần, mỗi lần chúng ta niệm mười câu Phật hiệu không gián đoạn. Chúng ta niệm Phật tiếp nối lâu dài thì tâm tính của chúng ta dần dần sẽ được biến đổi”. Trong vô hình chung, tâm tính của người niệm Phật sẽ được chuyển đổi rất tốt, sinh ra pháp lạc, phước báu cũng sẽ lớn dần. Chúng ta cũng đã hình thành thói quen, trước bữa ăn đều niệm Phật, tri ân Cha Mẹ, Thầy Cô. Đây là nét văn hóa rất thiện lành. Ban đầu, khi mọi người đến nhà chúng ta họ sẽ thấy kỳ lạ nhưng dần họ sẽ quen với văn hóa của gia đình chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta xưng niệm mười câu Phật hiệu để mọi người tâm tánh được định lại, loại bỏ được tạp niệm. Tinh thần của chúng ta tập trung như vậy thì khi chúng ta ăn cơm thì cơm sẽ dễ tiêu hóa hơn, khi chúng ta làm việc thì công việc cũng hiệu quả hơn. Chúng ta làm như vậy thì chúng ta sẽ được Phật lực gia vị, kiết tường như ý, công đức của việc này là không thể nghĩ bàn!”. Nếu tâm chúng ta bao chao, chúng ta ăn nhiều thì thức ăn sẽ khó tiêu hóa. Chúng ta bình tâm niệm mười câu Phật hiệu thì những buồn phiền, vọng tưởng của chúng ta sẽ lắng xuống vậy thì khi chúng ta ăn, thức ăn mới mang lại tác dụng tốt nhất cho cơ thể.
Hòa Thượng nói: “Phương pháp Mười Niệm là phương pháp để chúng ta cộng tu giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta giúp những người xung quanh khởi được việc làm tốt, tinh thần tập trung, giảm đi vọng niệm. Đây là chúng ta gieo duyên “Bồ Đề đại nghiệp” cho đại nghiệp vãng sanh của mọi người”. Chúng ta nghiêm túc niệm Phật thì chúng ta cũng khiến những người trong gia đình chú tâm. Có thể vài tháng, vài năm đầu họ chưa dụng tâm nhưng dần dần cũng tạo thành thói quen.
Hòa Thượng nói: “Pháp tu Mười Niệm còn có thể gọi bằng hai, tên thứ nhất là: “Tịnh Nghiệp Gia Hành Thập Niệm Pháp”, pháp mười niệm trợ giúp cho tịnh nghiệp. Phương pháp Mười Niệm giúp chúng ta định ra các thời khóa để hành trì. Tên thứ hai là: “Giản yếu tất sanh thập niệm Pháp”, pháp mười niệm đơn giản mà được sanh. Pháp này thích hợp với người hiện tại và những người đời sau tu Tịnh Độ. Xã hội ngày nay, con người rất bận rộn, xao động cho nên pháp giản yếu như thế này rất thiết thực. Pháp này dễ hành nhưng giúp chúng ta tích tụ được tư lương, tích tụ được Tín - Nguyện - Hành. Pháp này dễ làm nhưng mang lại hiệu quả rất viên mãn, là tiêu chuẩn để chúng ta gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. “Tư lương” là vốn liếng. “Tín” là tin. “Nguyện” là nguyện sanh. “Hành” là làm. Một ngày chúng ta niệm chín lần, mỗi lần mười câu Phật hiệu thì chúng ta sẽ không mất nhiều thời gian. Chúng ta tập thành thói quen thì khi chúng ta lâm chung chúng ta dễ đề khởi được câu Phật hiệu. Phương pháp này giúp chúng ta rất dễ gom nhiếp sáu căn. Nhiều người khi vừa thức dậy thì liền bật dậy ngay, chúng ta làm như vậy thì sẽ không tốt cho sức khỏe. Khi chúng ta vừa thức dậy, chúng ta niệm mười câu Phật hiệu sau đó chúng ta ngồi dậy từ từ.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta niệm mười câu Phật hiệu chỉ trong một thời gian ngắn nên chúng ta dễ dàng nhiếp tâm. Chúng ta niệm mười câu Phật hiệu chín lần, phân bố đều trong ngày thì thân tâm của chúng ta trong một ngày sẽ không rời câu Phật hiệu. Đây là chúng ta đã niệm Phật hóa sinh hoạt, niệm Phật hóa đời sống của mình. Có người nói rằng, nhờ có pháp Mười Niệm này mà chúng sanh ở đời sau đã rất may mắn rồi!”. Pháp này đơn giản, dễ làm, chúng ta không gặp bất cứ khó khăn nào khi thực hành. Nếu chúng ta ngồi niệm Phật thời gian dài thì nhiều tập khí phiền não của chúng ta sẽ dễ sinh khởi. Phương pháp mười niệm là pháp tu giúp chúng ta phân bố đều câu Phật hiệu trong đời sống hàng ngày. Chúng ta làm đều đặn mỗi ngày, mỗi năm thì trong vô hình trung chúng ta đã dần trở về với sự thanh tịnh.
Hòa Thượng nói: “Đại Sư Liên Trì nói, chuyên trì danh hiệu “A Di Đà Phật” thù thắng hơn trì “Chú Vãng Sanh”, thù thắng hơn tất cả các chú khác và cũng thù thắng hơn tất cả các việc làm công đức khác. ”. Khi Hòa Thượng giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, Ngài nói: “Chúng ta có đủ can đảm suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật” không!”
Hòa Thượng nói: “Đại Sư Liên Trì nói, chúng ta trì “Chú Vãng Sanh” 30.000 biến thì chúng ta có thể thấy Phật A Di Đà nhưng chúng ta trì danh hiệu một ngày một đêm thì chúng ta có thể thấy Phật ở ngay trước mặt. Nếu mỗi ngày chúng ta tụng “Chú Vãng Sanh” sáu thời, mỗi thời tụng từ ba đến bảy biến thì chúng ta có thể tiêu trừ được các tội ngũ nghịch. Nhưng chúng ta trì danh một cách chí tâm, chúng ta dùng tâm chân thành nhất niệm một danh hiệu Phật thì chúng ta diệt được 80 ức kiếp sanh tử trọng tội. Niệm Phật thù thắng hơn chúng ta trì các thần chú khác. Chuyên trì danh hiệu “A Di Đà Phật” chính là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú”.
Hòa Thượng nói: “Đại Sư Liên Trì nói, chuyên trì danh hiệu Phật thù thắng hơn trì tất cả các loại chú ở chỗ: Phương pháp mười niệm giúp chúng ta vãng sanh, đạt được bất thối chuyển thì oai linh này thần chú cũng không thể so sánh được! Chúng ta đạt được nhất tâm bất loạn, đoạn vô minh, thấy được tự tánh thì oai linh này đại minh chú cũng không thể sánh bằng! Chuyên trì danh hiệu được vãng sanh Cực Lạc, cứu cánh thành Phật thì đây cũng chính là vô thượng chú. Chuyên trì danh hiệu được chứng nhập vô sanh, trở về Ta Bà phổ độ chúng sanh thì đây cũng chính là vô đẳng đẳng chú”. “Chứng nhập vô sanh” là vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trên “Kinh A Di Đà” nói: “Khi chúng ta lâm chung, chúng ta khởi được từ một đến mười niệm thì Phật A Di Đà và Thánh Chúng sẽ đến tiếp dẫn”.
Hòa Thượng nói: “Đại Sư Liên Trì nói, niệm Phật thù thắng hơn tất cả các công đức khác ở chỗ, lục đạo vạn hạnh, pháp môn có vô lượng nhưng chúng ta nhất tâm niệm một câu danh hiệu Phật thì chúng ta có thể nhiếp phục tất cả phiền não, vọng tưởng. Nguyện cho đệ tử tu tịnh nghiệp, chuyên vào tín nguyện ấy mà không có hai tâm”. Chúng ta chỉ cần chuyên tâm tín nguyện trì danh, cầu sanh Cực Lạc, ngoài ra không có bất cứ tâm nào khác. Phương pháp niệm Phật thù thắng đến như vậy nhưng nhiều chúng sanh đã từng thực hành nhưng sau đó lại bỏ. Bồ Tát Đại Thế Chí đã nói: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, đắc tam ma địa”. Nếu chúng ta gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục thì không cần bất cứ phương tiện nào khác chúng ta cũng chứng được Phật tánh của chính mình.
Hòa Thượng nói: “Đại Sư Liên Trì nói, nhiều Tổ Sư Đại Đức tu hành pháp môn khác còn chuyển sang tu pháp môn niệm Phật, vậy mà người niệm Phật chúng ta lại dám thay đổi để đi tu pháp khác hay sao!”. Các Tổ Sư Đại Đức có căn tánh, trí tuệ hơn chúng ta nhiều nhưng các Ngài cũng chuyển sang tu pháp môn Tịnh Độ vậy thì chúng ta căn tánh thấp kém mà lại dám thay đổi để tu pháp khác hay sao! Chúng chuyển không tu pháp môn Tịnh Độ thì đó là chúng ta không biết lượng sức mình.
Bài học hôm nay, Hòa Thượng hết lòng hết dạ nhắc chúng ta về phương pháp Thập Niệm. Mỗi ngày, chúng ta chỉ cần niệm chín lần mỗi lần mười câu Phật hiệu, thời gian phân bố đều trong ngày. Chúng ta tập dần, từ sáng đến chiều chúng ta đều đề khởi được câu Phật hiệu, khi lâm chung chúng ta nhất tâm đề khởi được mười câu Phật hiệu thì Phật A Di Đà và Thánh Chúng sẽ đến tiếp dẫn chúng ta. Cho dù chúng ta bận rộn đến mức nào thì chúng ta cũng có thể tu hành pháp môn niệm Phật.
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!