
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 21/05/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG V: NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ (PHẦN TÁM)”
Chúng ta cầu học, cầu đạo thì chính chúng ta phải nỗ lực cầu được. “Cầu được” không phải là cầu xin mà là chính chúng ta phải làm được. Nhiều người chỉ đi cầu khẩn, van xin để được các đấng Thần linh giúp đỡ mà không tự nỗ lực. Từ khi chúng ta học lớp 1 đến khi chúng ta học hết lớp 12, Thầy Cô giáo chỉ truyền dạy kiến thức còn mỗi chúng ta phải tự nỗ lực học tập, đây chính là chúng ta cầu học. Cầu đạo cũng tương tự như vậy. Thí dụ, khi chúng ta thực hành Sáu Phép Tu của Bồ Tát Đạo, hàng ngày chúng ta phải nỗ lực tự làm. Bồ Tát không thể đem sự chứng đắc, chứng ngộ của các Ngài để ban phát cho chúng ta. Nếu Chư Phật có thể ban phát được sự chứng đắc của các Ngài cho chúng sanh thì Chư Phật đều sẵn lòng.
Nếu kiến thức của tôi có thể truyền được cho cho học trò, giống như trên các bộ phim có cảnh Sư phụ truyền năng lượng qua lưng học trò thì tôi cũng sẵn sàng làm. Tôi đã có sự biểu hiện của sự già nua, nếu kiến thức có thể truyền như năng lượng thì tôi sẽ đem kiến thức truyền lại cho những người khoẻ mạnh, hàng ngày tôi chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”. Năng lực, kiến thức không thể truyền được mà chính chúng ta phải tự nỗ lực. Cầu đắc chính mình tự nỗ lực thật làm.
Hoà Thượng: “Chính chúng ta không tự nỗ lực thì chúng ta không thể có thành tựu như Chư Phật Bồ Tát. Chúng sanh không biết cách cầu, nên Chư Phật hiện thân nói pháp, dùng phương tiện khéo léo nhất, tốt nhất tiếp cận chúng sanh để nói pháp cho chúng sanh nghe, làm ra biểu pháp để chúng sanh nhìn thấy. Trong Kinh điển, những chúng sanh đến nghe Phật nói pháp đều là những chúng sanh cần cầu học đạo”. Chư Phật Bồ Tát dùng rất nhiều cách để giúp chúng sanh nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nỗ lực thật làm. Chúng ta thường không nỗ lực thật làm mà chỉ làm trên hình thức. Chúng ta nói về chuẩn mực của Cổ Thánh Tiên Hiền nhưng chúng ta không thật làm thì chúng ta khiến mọi người không còn tin vào giáo huấn của các Ngài. Nếu chúng sanh đã mất niềm tin thì vô cùng khó để giúp họ xây dựng lại niềm tin. Nhà Phật nói: “Chúng ta làm mất đi sinh mạng của chúng sanh thì tội của chúng ta cũng không nặng bằng việc chúng ta làm mất đi huệ mạng của chúng sanh”. Chúng sanh mất đi huệ mạng thì đời đời, kiếp kiếp họ không còn tin vào Phật pháp, họ sẽ rơi vào tà tri, tà kiến, chúng ta muốn cứu họ cũng vô cùng khó khăn.
Thời kỳ Mạt pháp, người có thể nói được Phật pháp, nói được giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền thì họ sẽ có công đức vô lượng, vô biên. Nếu chúng ta nói được và làm được thì công đức của chúng ta còn lớn hơn gấp nhiều lần. Nếu chúng ta nói nhưng không thật làm, chúng ta khiến hình tượng của Phật Bồ Tát bị hư hại thì tội của chúng ta không nhỏ.
Mấy hôm nay, khi tôi đến Sơn Tây, tôi rất vui khi thấy trong có quy định, nhà ai để rác bẩn trước cổng thì sẽ bị phạt rất nặng. Tôi thấy mọi người mang nước ra rửa, quét cửa nhà rất sạch. Họ không học chuẩn mực Thánh Hiền nhưng họ tuân thủ quy định của thôn xóm thì việc làm của họ cũng đã tạo nên nét đẹp như vậy. Mùa hè năm nay, nhiều trường học muốn chúng ta tổ chức các buổi học trải nghiệm sống cho các em học sinh nhưng chúng ta không đủ sức để làm hết ở tất cả các trường. Chúng ta được cộng đồng quan tâm nhiều vì chúng ta hoàn toàn hy sinh phụng hiến, không đòi thù lao. Bác đã dạy chúng ta “chí công vô tư”, nếu chúng ta luôn làm với tinh thần này thì cộng đồng xã hội sẽ tìm đến chúng ta.
Khi chúng ta thật làm thì chúng ta nhận ra, chúng sanh thời Mạt pháp không can cường, nan quá mà họ rất dễ dạy, dễ tiếp nhận. Trong xã hội, cũng có những người cũng đang âm thầm làm việc vì chúng sanh. Chúng ta học chuẩn mực Thánh Hiền, học Phật, chúng ta phải luôn quán sát khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của mình, nếu chúng ta làm như vậy mà chúng sanh bắt chước làm theo chúng ta thì có tạo ra hiệu ứng tốt cho cộng đồng không? Chúng sanh không quá khó dạy, nếu chúng ta không dạy được là vì chúng ta chưa có năng lực tự hoàn thiện chính mình.
Hôm qua, các Thầy Cô đến chia sẻ ở một lớp học, các con rất ngoan, ngồi im lặng nghe, nếu các con được dạy thì các con đều sẽ rất ngoan. Các con muốn làm người con hiếu thảo nhưng Cha Mẹ không làm ra tấm gương hiếu thảo, Cha Mẹ ngỗ nghịch thì các con cũng sẽ bắt chước theo. Các con muốn làm học trò ngoan, làm người biết hy sinh vì Quốc gia dân tộc nhưng Cha Mẹ không làm ra tấm gương để chúng noi theo. Có người rất ngạc nhiên vì ở Sơn Tây, các cháu bé ăn được mọi thứ, không đòi hỏi, các Thầy thì việc gì cũng biết làm. Đối với cộng đồng xã hội thì những việc này rất lạ nhưng đây là do các con được dạy bảo và có tấm gương noi theo.
Nhà Phật nói: “Phật thị môn trung bất xả nhất nhân”. Nhà Phật không xả bỏ bất cứ người nào. Cho dù là người tử tù nhưng nếu họ được dạy, họ sẽ nhận ra tội lỗi của mình đáng bị trừng phạt. Trên báo nói về một người đã ăn trộm 18 lần, khi bị bắt anh ta cảm ơn các các chú cảnh sát vì đã bắt anh ta sớm để anh không tiếp tục gây tội. Anh ta nhận ra là anh ta bị tập khí sai khiến, ăn trộm được tiền thì anh ta sẽ ăn chơi, tiêu xài hoang phí. Thời kỳ Mạt pháp chúng sanh rất khó thật tu nên chúng ta phải nỗ lực làm ra biểu pháp cho chúng sanh.
Hoà Thượng: “Trên “Kinh Kim Cang” nói, sau khi Phật nhập Niết Bàn 500 năm là thời kỳ Chánh pháp, sau khi Phật nhập Niết Bàn 1.000 năm là thời kỳ Tượng pháp, sau khi Phật nhập Niết Bàn 10.000 năm là thời kỳ Mạt pháp. Thời kỳ Mạt pháp, con người sẽ chỉ tranh dành quyền lợi, địa vị thậm chí người học Phật cũng tranh dành với nhau”. Chúng ta sinh ở 500 năm đầu của 10.000 năm trong thời kỳ Mạt pháp. Ngày nay, giữa các đoàn thể cũng tranh dành lẫn nhau, họ làm ra biểu pháp xấu cho chúng sanh. Có người nói, không có chuyện chúng ta mở lớp học mà không nhận tiền, họ không tin là chúng ta thật làm theo lời Bác dạy “chí công vô tư”.
Khi tôi về thăm quê Bác, tôi rất cảm xúc khi nhìn thấy ngôi nhà Bác sống khi còn nhỏ, khi đó tôi nghĩ đến việc tri ân Bác, hiện tại, đã có người mong muốn mang văn hoá truyền thống về thành phố Vinh. Chúng ta đã thuê được ngôi trường Trần Đại Nghĩa, diện tích 6000m2, sau đó, chúng ta đã mua lại và vận hành trường Mầm non Kids Smile. Chúng ta làm hoàn toàn bằng tâm tri ân. Chúng ta đã thật làm được chứ không phải chỉ là lời nói ở đầu môi. Người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền thì phải thật nói, thật làm. Chúng ta quán sát xem chúng ta đã nói và làm tương ưng chưa? Chúng ta thật làm thì chúng sanh sẽ khởi tâm ngưỡng mộ, họ sẽ tìm đến để học.
Trên “Kinh Hoa Nghiêm”nói: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Chúng ta phải làm ra tấm gương cho thế nhân. Thầy Thái nói: “Chúng ta cần có một tấm gương”. Người học Phật làm ra tấm gương của một người học Phật, Cha Mẹ phải làm ta tấm gương của Cha Mẹ, Thầy Cô phải làm ra tấm gương của Thầy Cô. Chúng ta thật làm theo giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền, của Phật Bồ Tát thì tự khắc chúng ta làm ra tấm gương. Người cố gắng khắc ý để làm ra biểu pháp thì người khác sẽ nhận ra vì những điều họ làm không lưu xuất từ tự nhiên. Chúng ta cầu pháp, cầu đạo không phải là chúng ta cầu xin mà chúng ta phải thực hành một cách nghiêm khắc, triệt để.
Hoà Thượng: “Làm thế nào để hoằng pháp lợi sanh? Làm thế nào để tự độ và độ người? Chúng ta muốn làm được điều này thì chúng ta phải chân thật làm được giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền ngay trong cuộc sống thường ngày. Nếu chúng ta không làm được thì dù chúng ta nói ra chánh pháp nhưng lời chúng ta nói ra không thấu triệt”. Người đã làm được thì lời của họ rất thuyết phục, rất có lực.
Có người cho là lời nói của tôi có bùa phép khiến nhiều người làm theo, họ không biết là tôi luôn nỗ lực thật làm để làm ra tấm gương. Khi tôi đến một nơi, tôi luôn quan sát thấy rất nhiều việc cần làm. Khi tôi đến Sơn Tây, chúng tôi xây dựng hệ thống đường ống cống rất cẩn thận, nhờ vậy hiện tại, chúng ta làm đậu, nước đậu được xử lý rất gọn gàng, sạch sẽ. Chúng ta đang làm vườn rau sạch ở tỉnh Sóc Trăng, chúng ta có thể làm vườn rau diện tích 1000m2 nhưng chưa có người quản lý nên chúng ta làm vườn rau diện tích 200m2 trước.
Hoà Thượng: “Tại vì sao lời nói của chúng ta không thể thấu triệt? Bởi vì chúng ta chỉ nghe hoặc đọc trên Kinh lời của Thích Ca Mâu Ni Phật, của Thánh Hiền mà chính mình không đích thân thể nghiệm. Làm thế nào để chúng ta tự mình thể nghiệm? Chúng ta nhất định phải chính mình thực hành”. Chúng ta thật làm thì chính là chúng ta thật thể nghiệm.
Hoà Thượng: “Chính chúng ta nhất định phải thật làm, tích công bồi đức, phản tỉnh, kiểm điểm lỗi lầm của chính mình. Tiên sinh Viên Liễu Phàm trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” chính là một tấm gương rất tốt”. Mỗi ngày đi qua, chúng ta có kiểm soát hôm nay chúng ta có sơ suất gì, chúng ta nhất định không tái phạm không? Chúng ta thật làm, thật phản tỉnh thì lời nói, việc làm của chúng ta sẽ đầy thuyết phục, người nghe sẽ thấy bị cuốn hút.
Nếu chúng ta chưa đọc “Liễu Phàm Tứ Huấn” thì chúng ta nên đọc cẩn thận thì chúng ta biết cách Ngài đã thay đổi vận mạng. Hòa Thượng Tịnh Không cũng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Có người nói, sao pháp duyên của Ngài thù thắng như vậy. Hòa Thượng nói: “Khi tôi đến một nơi tôi chỉ cần pháp toà, nơi để tôi có thể dẫn giải lời của Phật, của Cổ Thánh Tiên Hiền, khi ra đi tôi không mang bất cứ thứ gì!”. Chúng ta đến đâu thì chúng ta cũng hy sinh phụng hiện thậm chí chúng ta thiệt hại cũng không sao. Hòa Thượng nói: “Bố thí chính là dùng hết thời gian của sinh mạng làm những việc tốt nhất cho người”. Đây chính là tinh thần bố thí của Bồ Tát Đạo.
Thời kỳ Mạt pháp chúng ta hướng đến Cổ Thánh Tiên Hiền, Phật Bồ Tát học tập để chúng ta làm ra tấm gương thì vô cùng đáng quý. Chúng sanh đang rất cần tấm gương. Chúng ta làm ra biểu pháp tặng cho để nhắc nhở mọi người biết cho đi, chia sẻ. Nếu chúng ta quan tâm đến người thì sẽ có người quan tâm đến chúng ta vậy thì sẽ tạo ra bầu không khí hoà ái. Chúng ta làm quy trình sản xuất đậu sạch thì có người tặng hạt đậu nành, hướng dẫn quy trình, tặng điện, chúng ta chỉ cần nỗ lực làm. Chúng ta nỗ lực làm để tặng cho thì chúng ta tạo ra không khí hài hoà, tương thân tương ái, đó là chúng ta thật học đạo, thật cầu đạo!
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!