Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 20/05/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG V: NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ (PHẦN BẢY)”
Phật pháp là từ nơi tâm thanh tịnh của Phật Bồ Tát lưu xuất ra, chúng ta tiếp nhận Phật pháp bằng tâm vọng động, mong cầu thì chúng ta không thể ngộ nhập. “Ngộ” là thấu hiểu một cách tường tận. “Nhập” là phải thật làm được. Chúng ta muốn ngộ nhập Phật pháp thì chúng ta phải dùng tâm thanh tịnh, chân thành. Nếu chúng ta dùng tâm loạn động, bao chao để chúng ta tìm hiểu Phật pháp thì suốt đời, chúng ta chỉ hiểu được ở bề ngoài. Nhiều người học Phật nhưng vẫn phiền não, khổ đau vì họ không thể ngộ nhập. Đây là giống như tôi thường nói: “Chúng ta sống trong đạo giải thoát, chúng ta sống trong đạo an vui mà chúng ta không giải thoát, không an vui!”.
Chúng ta học Phật nhưng chúng ta vẫn đang làm theo tập khí của mình. Nếu chúng ta chưa trải qua nhiều nghìn giờ học tập thì chúng ta sẽ chưa nhận ra là tập khí, phiền não của chúng ta rất đáng sợ! Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã thay đổi được những tập khí “tham, sân, si, mạn” nhưng thực ra những tập khí này vẫn còn y nguyên trong mỗi chúng ta, chúng chỉ thay đổi hình thức còn bản chất không thay đổi. Chúng ta học lý thuyết nhưng không thật tu thì chúng ta sẽ tu mù, luyện quáng. Khi đó, chúng ta giống như người thế gian nói: “Người không ra người, ngợm không ra ngợm”. Người thế gian nhiều người rất chân thành, lão thật, chất phác, chúng ta học nhiều nhưng chúng ta càng học thì chúng ta lại càng đố kỵ, chướng ngại người khác. Tôi đang nói tâm cảnh của chính mình!
Tôi cảm thấy mình rất may mắn, tôi bôn ba khắp nơi nhưng tôi cũng đã dành nhiều nghìn giờ để học tập, tôi nhận rõ tập khí của mình vẫn còn nguyên bản chất, chỉ thay đổi hình thái. Tôi đã dậy sớm gần 20 năm nhưng hiện tại khi đi ngủ tôi vẫn phải kiểm tra xem mình đã bật chuông báo thức chưa. Tôi vẫn phải thường xuyên đối trị với tập khí của mình. Nếu chúng ta dễ chuyển đổi tập khí thì Thích Ca Mâu Ni Phật không phải vất vả để đến thế gian này 8000 lần. Các Chư Phật Bồ Tát cũng đã đến thế gian hòa hoan hồng trần, gần gũi, độ hóa chúng sanh vô số lần. Trong tất cả các ngành nghề đều có Phật Bồ Tát đang hóa thân để gần gũi chúng sanh. Hòa Thượng thường nói: “Chúng ta đừng tưởng chúng ta cô độc giữa cuộc đời này! Phật Bồ Tát vẫn đang dõi theo chúng ta, chỉ cần có cơ hội thì các Ngài sẽ tiếp cận, giúp chúng ta quay đầu”.
Hòa Thượng nói: “Tôi không khuyến khích mọi người xuất gia. Thậm chí Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, khi quy y cho người thì chỉ bảo người quy y Phật, Pháp, Tăng, trở về với Giác – Chánh – Tịnh trong tự tánh của mỗi người, chứ không bảo mọi người thọ giới. Nếu chúng ta xuất gia tu hành, thì chúng ta có một lòng một dạ vì liễu thoát sinh tử không? Chúng ta có lập chí để ngay trong đời hiện tại này chúng ta nắm được sự giải thoát hay không?”. Quy y Phật là quy y Giác, quy y Pháp là quy y Chánh, quy y tăng là quy y Tịnh. Quy y Phật, Pháp, Tăng là chúng ta trở về với Giác – Chánh – Tịnh của chính mình. Các Ngài khuyến khích mọi người giữ giới nhưng không bảo người thọ giới vì khi họ thọ giới chưa chắc họ đã làm được. Phật pháp chỉ trọng thực chất chứ không trọng hình tướng. Có lần đi giảng, tôi hỏi mọi người: “Đệ tử quy y Phật thì từ nay về sau không được sát sinh, không được trộm cắp, các đệ tử có làm được không?”. Mọi người trả lời “Dạ” rất to nhưng không ai trả lời là nói “Dạ được!”. Mọi người như đang thầm nói với Phật là họ không chắc là họ sẽ làm được mà tuỳ duyên!
Hôm qua, sau khi nghe chia sẻ về nhân quả, có cô giáo nói với tôi, khi cô chưa biết văn hóa truyền thống, cô dạy ở các trường bên ngoài, cô đã nhận được số tiền khá lớn nên hiện tại cô cảm thấy rất phiền não, cô muốn làm gì để tâm mình được thanh thản. Tôi khuyên cô nên mang số tiền này đi làm giáo dục thí dụ như tổ chức trại hè cho các con. Hệ thống giáo dục của chúng ta không nhận phong bì, không nhận quà, thậm chí chúng ta đã từng gửi tặng lại lẵng hoa cho Cha Mẹ người đã tặng hoa cho trường. Chúng ta làm như vậy nên tâm hồn chúng ta luôn thư thái.
Tôi thường nói, chúng ta không lo không có “tràng” mà chỉ lo không có “đạo”. “Đạo” là phương pháp, lối đi. “Tràng” là nơi chốn. Nếu chúng ta có lối đi, phương hướng tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ có “tràng”. Năm nay, rất nhiều nơi muốn tặng “tràng” cho chúng ta, chúng ta chưa đủ sức gánh vác được hết. Nhà Phật trọng ở thực hành, chúng ta phải thực tiễn Phật pháp ngay trong cuộc sống thường ngày, trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, trong công việc của chúng ta.