152Thứ Sáu, 07/04/2023, 05:40

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 02/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ” (PHẦN HAI)

Bài hôm nay Hòa Thượng nhất mạnh về việc “phát tâm Bồ Đề và một lòng chuyên niệm” của hành giả Tịnh Độ. Tâm Bồ Đề là tâm lợi ích, tâm phục vụ chúng sanh. Mỗi hành giả Tịnh Độ phải chuẩn bị cho mình những hành trang để chúng ta tự đi trên hành trình của mình như phước báu, Tín – Nguyện – Hạnh. Phật Bồ Tát chỉ dạy bảo còn chính chúng ta phải tự nỗ lực. Chúng ta khởi tâm động niệm vì chúng sanh còn việc cơm gạo, áo tiền, ngày nào chúng ta vãng sanh thì Phật sẽ lo. Chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác giống với tâm của Phật thì mọi việc trong cuộc sống của chúng ta sẽ do Phật A Di Đà an bài. Chúng ta làm chưa đúng lời dạy của Phật mà chúng ta ỷ lại, nương nhờ vào Phật thì chúng ta đã đặc biệt sai! Những người học Phật ỷ lại, nương nhờ nên họ đã làm hoen ố đi hình ảnh người học Phật.

Ngày trước, khi tôi đi Singapore tham gia pháp hội của Hòa Thượng, tôi thấy mọi người nói rằng, Phật tử Việt Nam rất tùy tiện trong việc ăn uống, đứng ngồi, nói chuyện. Khi tôi đi chung thang máy với một nhóm người Việt Nam, tôi nhắc họ chú ý giữ gìn chuẩn mực để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Phật tử Việt Nam. Ban tổ chức rất đúng hẹn, họ luôn đến trước thời gian đón các đoàn nhưng đoàn của người Việt Nam thường ra trễ 15 phút. Sau khi họ biết tôi là người dịch đĩa Hòa Thượng, một tuần sau đó, buổi trưa và buổi chiều họ nhờ tôi đến chia sẻ pháp cho họ. Chúng ta phải giữ gìn hình tượng của người học Phật, hình tượng cho cư dân của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta đừng để người khác nói: “Người niệm Phật mà như thế này à!”.

Chúng ta có thành tựu hay không thì chúng ta có thể tự cảm nhận được. Có người hỏi Hòa Thượng là họ có thể vãng sanh không. Hòa Thượng nói: “Việc này đâu cần phải hỏi tôi, mọi người phải tự biết!”. Chúng ta quán sát sau khi chúng ta niệm Phật thì chúng ta đã giảm được bao nhiêu phần trăm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”? Việc niệm Phật cầu vãng sanh là việc hệ trọng nhất thì chúng ta lại thường lơ là, chúng ta vẫn khởi tâm vì cái ta, cái của ta.

Người xưa nói: “Việc tốt không bằng không việc gì!”. Nếu “việc tốt” mà làm chúng ta phiền não, khởi phân biệt, chấp trước thì đó là việc không tốt. Nếu chúng ta không có việc gì mà chúng ta không khởi phân biệt, chấp trước, chúng ta giữ được tâm bình lặng niệm Phật thì đây là việc tốt. Hòa Thượng nói: “Việc tốt lắm giày vò”. Người thế gian nhìn thấy chúng ta bị giày vò nhưng trong bản thân chúng ta không thấy như vậy vì chúng ta không dính mắc, chấp trước.

Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Bất kiến thế gian quá”. “Bất kiến thế gian quá” nghĩa là không thấy lỗi thế gian, chúng ta minh tường, thấu đạo mọi việc nhưng chúng ta không dính mắc, chấp trước trong tâm. Nếu chúng ta thắc mắc: “Tại sao người như vậy lại phạm lỗi như vậy!”, “Tại sao người này tham như vậy!”… Thì đó là chúng ta đã chấp trước.

Trong “Kinh Địa Tạng” Phật nói: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là ác”. Người thế gian vốn dĩ là ác vì họ vẫn đang bị tập tánh chi phối. Họ đã quên mất đi “tự tánh” từ rất lâu, “tập tánh” đã có từ rất lâu nên “tập tánh” đã trở thành bản chất. Người ta làm sai là việc rất tự nhiên, chúng ta có thể tha thứ. Cho dù là người cùng hung cực ác thì chúng ta cũng có thể tha thứ. Sau khi họ phải chịu tất cả sự trừng phạt thì họ vẫn có thể nhận ra lỗi lầm của mình. Nhà Phật nói: “Phật thị môn trung bất xả nhất nhân”. Trong nhà Phật không xả bỏ bất cứ một ai. Nếu họ là người xấu thì hiện tại, chúng ta có thể không gặp gỡ họ, chúng ta làm như vậy để họ tự phản tỉnh, nếu một ngày họ nhận ra lỗi thì chúng ta vẫn sẽ tiếp nhận họ.

Đề Bà Đạt Đa nhiều lần hại Phật, có lần ông đã lăn đá ở trên núi xuống để hại chết Phật. Nhưng sau này, khi ông đọa lạc, ông hướng tâm đến Phật, Phật vẫn đến nói pháp cho ông nghe. Nhà Phật cũng nói: “Phật Bồ Tát vô địch nhân”. Phật Bồ Tát không có người đối đầu. Dù người khác có tâm đối đầu với Phật Bồ Tát thì các Ngài vẫn dùng một mảng tâm chân thành với họ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook