173Thứ Tư, 17/05/2023, 08:21
49 · Chương V - Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 4

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 17/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG V: NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ (PHẦN BỐN)”

Hòa Thượng nói: “Phần mở đầu của “Kinh Pháp Hoa”, Đức Thế Tôn đã nói ra tông chỉ của giáo học đó là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Chư Phật Bồ Tát đến thế gian để giúp chúng sanh khai mở, ngộ nhập được tri kiến Phật của mỗi chúng sanh. Phật chỉ cho chúng sanh, khơi bày cho chúng sanh thấy được tính Phật của chính mình. Chúng ta không thể cầu xin, van xin mà có được, chính chúng ta phải tự nỗ lực, làm một cách mạnh mẽ. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải làm một cách đặc biệt dũng mãnh, tinh tấn”. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chỉ có thể giúp chúng ta gợi mở vậy thì Bồ Tát, Thánh Hiền, các vị Thần hay Quỷ Thần cấp thấp càng không thể giúp được chúng ta. Hòa Thượng từng nói, chúng ta chỉ tham cứu lời của Quỷ Thần, chúng ta phải đối chiếu xem lời của Quỷ Thần phù hợp với lời Phật, lời Thánh Hiền, với phong tục tập quán hay không. Nếu chúng ta nghe theo lời của Quỷ Thần thì chúng ta đã bị họ dẫn dụ. Có những Quỷ Thần cấp thấp còn mờ mịt, ngu si hơn chúng ta.

Một lần tôi đi tụng Kinh cùng với một vị Thầy, gia đình người bệnh mời chúng tôi đến để tụng Kinh cho người bệnh, giúp người bệnh tâm được an. Khi chúng tôi đến, người bệnh bỗng nhiên nói, không cho chúng tôi tụng Kinh, nếu chúng tôi tụng Kinh thì họ sẽ bẻ cổ chúng tôi. Khi đó tôi còn rất nhỏ, nên tôi cảm thấy sợ nhưng vị Thầy đi cùng tôi nói với người bệnh bằng giọng từ bi, nếu muốn bẻ cố chúng tôi thì để chúng tôi tụng Kinh xong thì có thể bẻ. Vị Thầy đó biết rằng chúng tôi không làm sai ông có thái độ rất rõ ràng. Hai Thầy trò tôi tụng Kinh, tán Phật, tụng chú Đại Bi xong chưa cần tụng Kinh thì người bệnh đã nói, bề trên cho chúng tôi được phép tụng Kinh rồi. Nếu ban đầu Quỷ Thần nói mà chúng tôi bỏ đi luôn thì người bệnh đã không thể có được lợi ích. Lời của Quỷ Thần là lời cuồng vọng, bất định. Chúng sanh chúng ta có thân mà chúng ta còn cuồng vọng, bất định huống hồ những chúng sanh không có thân, luôn sống bức bách trong nghiệp lực. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta sợ Ma một phần thì Ma sợ chúng ta đến hai phần”. Chúng ta có thân, chúng ta có thể tự chủ làm tất cả mọi việc. Ma không thể tự chủ, tự động làm việc mà bị nghiệp lực lôi kéo.

Hòa Thượng nói: “Phật vì chúng ta khai thị, chúng ta phải chính mình có năng lực ngộ nhập. “Ngộ” là tường tận. “Nhập” là chính mình phải chân thật làm được. Đây cũng chính là chúng ta vận dụng chánh tri, chánh kiến vào ngay trong đời sống của chúng ta”. Trong đời sống chúng ta phải có chánh tri, chánh kiến nghĩa là chúng ta phải luôn tường tận, thấu suốt. Việc đúng với pháp luật, giới luật, phong tục tập quán thì chúng ta tuyệt đối tuân thủ, vâng làm, việc trái với pháp luật, giới luật, phong tục tập quán thì chúng ta tuyệt đối không làm. Những việc có lợi cho lợi ích quốc gia, dân tộc thì chúng ta làm. Việc tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc chúng ta nhất định không làm.

Trước đây, tôi soạn bài cúng chúng sanh để khuyến khích mọi người cúng chúng sanh. Có người nói, chúng ta mời ma đến rồi mà không đi nữa thì sao. Chúng sanh là Cha Mẹ nhiều đời, nhiều kiếp với chúng ta, họ sống trong cõi u hồn họ không được ai mời ăn, mời nghe pháp. Chúng ta vì họ, mỗi buổi chiều chúng ta cúng một lần thì không có gì phiền phức. Từ ngày tôi bắt đầu học chuyên đề đến hôm nay, học xong tôi xuống nhà nấu đồ ăn, sau 3 phút thì tôi đã có đồ cúng ông bà. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Việc người sống như người chết”. Chúng ta thường nghĩ đến ông bà nhiều đời, nhiều kiếp, mời ông bà về ăn thì không có gì sai. Nếu chúng ta hiểu lờ mờ, chúng ta không biết chánh tri, chánh kiến là gì thì chúng ta không thể ứng dụng chánh tri, chánh kiến trong đời sống của mình. Chúng ta làm những việc đúng theo pháp luật, giới luật, phong tục tập quán thì đó là chánh tri, chánh kiến. Ngược lại thì đó là tà tri, tà kiến. Trong đời sống mà chúng ta không có chánh tri, chánh kiến thì chúng ta còn khổ hơn người nghèo khổ không có cơm ăn áo mặc.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải đem chánh tri, chánh kiến hóa nhập vào trong đời sống thường ngày của chính mình. Trong “Tông Thiên Thai”, Tổ Sư đã nói: “Có thể nói mà không thể làm là Thầy của một nước nhưng có thể nói mà có thể làm là bảo vật của quốc gia”. Người có thể nói mà không thể làm có thể làm Thầy, người có thể nói và có thể làm thì là của báu của cả một nước. Trên Kinh, Phật đã nói ý nghĩa của hai câu nói này là người phá giới thì có thể cứu, người phá kiến thì không thể cứu. “Năng thuyết bất năng hành” là người phá giới, người nói nhưng không làm. Người có thể nói nhưng không thể làm nhưng lời của họ là thật, không sai. Tuy họ không làm được nhưng tri kiến là chánh. Người này vẫn có thể cứu được. Có người trì giới rất nghiêm làm được rất tốt nhưng tri kiến của họ sai lầm vậy thì không thể cứu được”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook