Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 16/05/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG V: NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ (PHẦN BA)”
Chúng ta tu hành là để chúng ta quay về với pháp giới nhất chân, pháp giới nhất chân là pháp giới vĩnh hằng. Chúng ta đang lầm chấp ở thế giới hiện tại, nhiều người tìm cách để đạt được sự vĩnh hằng ở thế giới hiện tại này. Khi thân xác của chúng ta tan rã, trở về với cát bụi thì linh hồn của chúng ta sẽ đi theo nghiệp lực. Ở thế gian này, không có điều gì là vĩnh hằng!
Người thế gian nói: “Hùm chết để da, người chết để tiếng”. Con hổ chết thì sẽ để lại da, người chết đi thì để lại danh tiếng. Chúng ta trở về pháp giới nhất chân, không còn sinh tử luân hồi thì đó là chúng ta chân thật đạt được sự vĩnh hằng. Chúng ta tiếp nối được giáo dục Phật Đà, giáo dục của Cổ Thánh Tiên Hiền thì chúng ta mới chân thật là người có trí tuệ. Thân xác tứ đại này rồi một ngày cũng tan hoại thành đất, nước, gió, lửa. Chúng ta biết thân này là giả thì chúng ta phải nỗ lực nắm lấy thời gian ít ỏi này để làm những việc cần làm. Có những tấm gương đức hạnh, thời gian sống của họ rất ngắn nhưng họ đã hy sinh phụng hiến để lại cho đời tấm gương “vạn thế sư biểu”. Ngàn đời sau mọi người vẫn còn nhắc đến những tấm gương này.
Hòa Thượng nói: “Pháp giới nhất chân ở khắp mọi nơi, nơi nào cũng tồn tại”. Chúng ta không vào được thế giới nhất chân vì chúng ta chấp chặt vào “cái ta” nhỏ bé, tạm bợ. Nếu chúng ta rời khỏi cái ta nhỏ bé, chúng ta làm vì tất cả chúng sanh thì chúng ta sẽ bước vào “cái ta” rộng lớn. Tập khí của chúng ta là luôn chấp chặt vào “cái ta”, ban đầu chúng ta phát tâm vì mọi người nhưng sau đó chúng ta thoái tâm, chúng ta lại dính mắc vào “cái ta” nhỏ bé.
Hòa Thượng nói: “Người hiện đại ưa thích đột phá. Chúng ta vào được pháp giới nhất chân chính là chúng ta đột phá. Chúng ta phải hướng đến pháp giới nhất chân để đột phá”. Chúng ta đạt tới pháp giới nhất chân là chúng ta đã vượt qua các tầng không gian, đạt đến không gian vô tận. Chúng ta vượt ra khỏi “cái ta” nhỏ bé, hóa nhập vào “cái ta” của tất cả chúng sanh, chúng ta khởi tâm động niệm vì Phật pháp, vì giáo dục Thánh Hiền thì chúng ta sẽ bước vào thế giới vô cùng rộng lớn. Có vô số các pháp giới, nhà Phật chia thành mười pháp giới là pháp giới của Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Trời, Người, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục. Chúng ta đột phá khỏi mười pháp giới thì chúng ta đạt đến pháp giới nhất chân.
Hòa Thượng nói: “Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới nhất chân vì chúng sanh về được thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không bao giờ thoái chuyển, mãi mãi thẳng tiến. Chúng ta chưa một lần đột phá được nên chúng ta vẫn luẩn quẩn trong mười pháp giới”. Chúng ta mê lầm, chúng ta chấp chặt vào cái thấy, cái biết của mình nên chúng ta vẫn luẩn quẩn trong mười pháp giới. Chúng ta chỉ đến được pháp giới cao nhất là pháp giới của Trời, Người. Chỉ cần một lần chúng ta đột phá được thì chúng ta sẽ vượt thoát sinh tử luân hồi.
Chúng ta rất khó vượt qua tập khí xấu, ác của chính mình, chúng ta luôn bị tập khí xấu ác dẫn dắt. Chúng ta rất dễ làm việc xấu nhưng rất khó làm được việc tốt. Chúng ta nỗ lực mà chúng ta còn chưa thể vượt qua được tập khí, xấu ác vậy thì nếu chúng ta ngồi một chỗ ỷ lại, nương nhờ vào các đấng bề trên thì chắc chắn chúng ta không thể vượt qua được.
Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Người xưa cũng nói: “Trung ngôn thì nghịch nhĩ, xảo ngôn thì thuận nhĩ”. Ngày nay, người thế gian chỉ thích nghe những lời thuận ý, vừa lòng. Họ không tin những lời chân thật, thấu tình đạt lý mà tin theo những lời mê hoặc. Có người nói rằng, niệm Phật không cần giữ tâm thanh tịnh, không cần giữ giới, không cần diệt vọng tưởng, rất nhiều người tin theo những lời này. Người thế gian muốn “vô công hưởng lộc”. Họ muốn ăn dưa, muốn ăn đậu nhưng họ không muốn trồng mà muốn người khác trồng cho họ. Chúng ta muốn vượt thoát sinh tử, vượt ra khỏi tam giới thì chúng ta không để những tập khí “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn” dấy khởi. Chúng ta muốn vào được pháp giới của Thiên Nhân, ngoài việc chúng ta tu Thập Thiện chúng ta còn phải tu tâm từ bi, hỷ xả.