78Thứ Hai, 15/05/2023, 21:57
47 · Chương V - Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 15/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG V: NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ (PHẦN HAI)”

Hòa Thượng nói: “Kinh điển của Phật pháp là kho tàng vô cùng quý giá, mỗi bộ Kinh đều là kho tàng vô tận mà chính chúng ta phải tự thể hội”. Tất cả các bộ Kinh đều tương hỗ cho nhau. Chúng ta càng thể hội Kinh điển thì chúng ta sẽ càng làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Chúng ta chỉ cần thấu suốt một bộ Kinh thì chúng ta có thể hiểu tất cả những bộ Kinh khác. Nhà Phật nói: “Nhất thông, nhất thiết thông”. Thông một bộ Kinh thì thông tất cả các bộ Kinh.

Kinh Phật là từ tâm thanh tịnh của Phật lưu xuất ra. Bộ Kinh nào cũng đều giúp chúng ta đạt đến tâm thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác thì chúng ta có thể thông suốt tất cả các bộ Kinh, không có chướng ngại. Điều này rất nhiều người không hiểu. Có nhiều người đi đến nhiều nơi để học những bộ Kinh khác nhau nên họ càng ngày càng xen tạp, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Hơn 10 năm nay, tôi chỉ nghe Hòa Thượng giảng nhưng tôi đã làm và đang làm được rất nhiều việc lợi ích chúng sanh.

Tự tánh của chúng ta vốn đầy đủ. Chúng ta có cả năng lực thành Phật. Ở thế gian, có những người dùng được một chút thần thông để mê hoặc người khác đây chỉ là những năng lực rất tầm thường. Thí dụ, có người biết trong túi chúng ta có bao nhiêu tiền, trong nhà chúng ta có bao nhiêu bát đũa thì chúng ta liền cho rằng điều đó rất kì lạ. Những chúng sanh ở tầng không gian thấp họ cũng có năng lực này nhưng những chúng sanh này không biết làm thế nào để đoạn trừ phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta tu hành, điều quan trọng là chúng ta cần diệt trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nhiều người không chuyên tâm tu hành, nghe pháp nên khi gặp khó khăn thì họ tin theo những lời nói mê hoặc.

Tất cả những Kinh điển, lời giáo huấn của Phật là để chúng sanh cải đổi tâm. Chúng ta phải chuyển từ tâm phàm phu, đố kỵ, ngạo mạn thành tâm của Phật Bồ Tát. Phật chỉ nói ra phương pháp còn chính chúng ta phải nỗ lực làm. Thí dụ, chúng ta ham ngủ, chúng ta không thể cầu Phật giúp chúng ta tỉnh táo ngồi nghe pháp. Chúng ta không thể cầu Phật để chúng ta luôn được bình an, mạnh khỏe. Chúng ta cầu như vậy là chúng ta không hiểu nguyên lý của vũ trụ nhân sinh, không ai có thể vượt qua được quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Có người nói với tôi, họ đang tu một pháp giúp họ không bị bệnh. Đó chỉ là hiện tại họ không có bệnh. Họ khuyên tôi nên tu pháp đó để tôi không còn bệnh. Tôi nói, bệnh khổ cũng tốt vì Phật đã dạy nếu thân chúng ta không có bệnh khổ thì tham dục dễ sinh.

Hòa Thượng nói: “Mục tiêu của mỗi bộ Kinh đều là dạy chúng ta đạt đến tâm thanh tịnh, bình đẳng giác. Chúng ta đạt đến tâm thanh tịnh, bình đẳng giác thì chúng ta sẽ thông đạt tất cả các Kinh, chúng ta sẽ không có chướng ngại”. Nếu tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta sẽ luôn gặp chướng ngại. Giáo huấn của Phật giúp chúng ta đối trị tập khí, phiền não của chính mình. Pháp nào không giúp chúng ta đối trị tập khí phiền não thì đó không phải là pháp của Phật.

Bài hôm trước Hòa Thượng nói: “Tổng cương lĩnh của giáo dục nhà Phật tổng quát lại chỉ trong hai chữ là “cải tâm. Chúng ta phải thay đổi, chuyển đổi tâm mình. Chúng ta tu học nhiều năm mà chúng ta vẫn “tham, sân, si, mạn” thì chứng tỏ chúng ta đã không đổi được tâm. Đây là do chúng ta chỉ “ký vấn tri học”, học để nhớ, chứ chúng ta không thật làm. Chúng ta học Phật nhưng chúng ta không thể thông là vì chúng ta mê hoặc, điên đảo, chúng ta lầm tưởng “vọng tưởng” là “nguyện vọng”. “Nguyện vọng” là hy sinh phụng hiến, vì lợi ích chúng sanh. “Tham vọng” thì có xen lẫn “tự tư tự lợi”, “thành bại được mất”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật thì chúng ta mới có thể thể hội được Phật pháp. Phật pháp chú trọng ở thật làm. Chúng ta thật làm thì chúng ta mới có thể thông đạt. Chúng ta chỉ hạ công phu trên văn tự, chúng ta chỉ nói mà không làm vậy thì chúng ta không thể thông, chúng ta sẽ luôn gặp chướng ngại”. Chúng ta có tâm “tư lợi”, người khác cũng có tâm “tư lợi” vậy thì ta và người sẽ xung đột, đây chính là chướng ngại. Người có tâm “tư lợi” nhưng ta có tâm hy sinh phụng hiến vậy thì ta và người sẽ không có xung đột lợi ích.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook