Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 14/05/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG IV: LÝ CỦA NHÂN QUẢ” (PHẦN HAI)
Hòa Thượng nói: “Tinh thần của Bồ Tát Đạo và Phật pháp Đại Thừa là rộng tu cúng dường, rộng độ chúng sanh. Trên “Kinh Kim Cang”, Phật nói: “Ta đều muốn chúng sanh vào được Niết Bàn mà được diệt độ”. Phật tận tâm tận lực giúp chúng sanh vào được Niết Bàn để được diệt độ. Đối tượng của Bồ Tát Đạo và Phật pháp Đại Thừa là tất cả chúng sanh. Các Ngài lấy chúng sanh làm trung tâm, toàn tâm toàn lực giúp chúng sanh phá mê, khai ngộ, lìa khổ được vui.
Một đứa trẻ không ngoan là do chúng chưa được dạy nên chúng chưa phân biệt được đúng sai. Khi một đứa trẻ được dạy thì chúng sẽ nhận ra đúng sai, phải trái đây chính là giác ngộ. Chúng sanh và Phật chỉ khác biệt ở chỗ mê và ngộ. Phật thì ngộ, còn chúng sanh thì mê lầm. Chúng sanh mê lầm nên không phân biệt được phải quấy, tốt xấu. Chúng ta cũng đã được người khác khuyên rất nhiều lần nhưng chúng ta không nghe vì chúng ta đang mê lầm.
Hòa Thượng nói: “Chúng sanh đang mê thì Phật Bồ Tát giúp chúng sanh phá trừ hết mê lầm. Chúng sanh chưa giác ngộ thì Phật Bồ Tát giúp chúng sanh đạt đến giác ngộ một cách viên mãn. Các Ngài giúp chúng sanh đạt đến giác ngộ viên mãn chính là giúp họ thành Phật”. Đây là lòng từ bi rộng lớn của Phật. Phật dụng tâm muốn chúng sanh giác ngộ được giống như Phật. Chúng ta học Phật thì chúng ta phải dụng tâm như Phật, chúng ta phải dụng tâm hoàn toàn hy sinh phụng hiến vì chúng sanh. Chúng sanh chưa biết hiếu thảo, chưa biết tôn sư, chưa biết bố thí thì chúng ta làm ra tấm gương để họ nhìn thấy. Chúng sanh lười biếng thì chúng ta làm ra tấm gương siêng năng, chúng sanh sợ chết thì chúng ta làm ra tấm gương dũng mãnh, tinh tấn. Chúng sanh đang làm ác thì chúng ta giúp họ quay đầu, họ đang làm thiện thì chúng ta giúp họ làm thiện để tốt hơn. Chúng ta phải giúp đỡ chúng sanh trên mọi phương diện. Đây chính là chúng ta giúp chúng sanh phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui. Không phải chúng ta ở trong niệm Phật đường, ở trên giảng đường thì chúng ta mới có thể giúp chúng sanh, chúng ta làm ra tấm gương trong đời sống chính là chúng ta giúp chúng sanh.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta quy nạp những điều Phật dạy chúng ta trong hai chữ đó là “cải tâm”. “Cải tâm” là thay đổi tâm. Tâm chúng ta nhỏ hẹp thì chúng ta phải mở rộng tâm. Chúng ta mở được tâm thì chúng ta sẽ không còn chướng ngại, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều việc cần làm để lợi ích chúng sanh. Khi chúng ta mở được tâm rồi thì chúng ta sẽ nhận thấy tâm chúng ta có thừa mà sức chúng ta không có đủ. Hiện tại, có những người sức có thừa nhưng tâm thì không có đủ. Nếu tôi có được sức khỏe như trước kia, tôi sẽ có thể lái xe đi liên tục trong 12 tiếng để đến các nơi làm việc lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta chắc chắn sẽ đến ngày chúng ta mắt mờ, tai điếc, chân run cho nên chúng ta phải mau chóng mở rộng tâm của chính mình.
Hòa Thượng nói: “Như thế nào là tâm Phật, như thế nào là tâm phàm phu? Chúng ta làm thế nào để chuyển đổi tâm phàm phu thành tâm của Phật Bồ Tát? Chúng ta không hiểu rõ đạo lý thì chúng ta không thể chân thật làm được. Nếu chúng ta hiểu sai thì chúng ta sẽ dẫn đạo sai chúng sanh, đây là tội đọa A Tỳ Địa ngục. Đây là việc Phật Bồ Tát không bao giờ muốn nhìn thấy! Cho nên người ghánh vác trách nhiệm giáo học nhất định phải chăm chỉ, nỗ lực khắc phục tập khí của chính mình”. Mọi người biết chúng ta là người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền, nếu chúng ta không dũng mãnh, tinh tấn thì chúng ta sẽ làm ra tấm gương xấu, chúng ta sẽ dẫn đạo sai chúng sanh. Trong “Kinh Kim Cang” Phật nói: “Ta đều muốn chúng sanh vào được Niết Bàn mà được diệt độ”. Phật không muốn bất cứ chúng sanh nào phải đọa lạc.
Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta là người ghánh vác trách nhiệm giáo học nên chúng ta nhất định phải chăm chỉ, nỗ lực khắc phục tập khí của chính mình”. Người thế gian nói: “Người là trượng phu, ta không là trượng phu sao! Người là Phật Bồ Tát thì ta cũng là Phật Bồ Tát”. Điều này giống như, trên đường chạy đua Maraton, cho dù chúng ta là người chạy cuối cùng thì mình cũng phải là người hoàn thành đường chạy của mình.