70Thứ Bảy, 13/05/2023, 17:46
45 · Chương IV - Lý Của Nhân Quả - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 13/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG IV: LÝ CỦA NHÂN QUẢ”

Nhân quả là định luật của vũ trụ nhân sinh. Nhân là hạt, quả là trái. Chúng ta trồng hạt dưa thì chúng ta sẽ có trái dưa. Chúng ta trồng hạt ớt thì chúng ta sẽ có trái ớt. Con người thì sẽ sinh ra con người, con vịt thì sinh ra con vịt. Đạo lý nhân quả rất đơn giản, dễ hiểu nhưng nhiều người không tin, không hiểu và không chấp nhận. Nhiều người cho rằng đạo lý nhân quả là đạo lý của riêng nhà Phật. Trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nói: “Nhà nào làm việc thiện ắt dư thừa việc vui. Nhà nào làm việc ác ắt dư thừa việc xấu”. Chúng ta muốn nhà mình nhiều niềm vui thì chúng ta tích cực làm việc thiện.

Hòa Thượng nói: “Bát Nhã và Tịnh Độ đều đặc biệt nhấn mạnh về nhân duyên, quả báo, trong đó nói rõ: “Như thị nhân như thị quả. Như thị duyên như thị báo”. Nhân như thế nào thì quả như thế đó, duyên như thế nào thì báo như thế đó. Nếu chúng ta nghĩ đến quả báo ở tương lai thì tự nhiên tâm chúng ta sẽ thu liễm lại, chúng ta sẽ không tùy tiện mà hết sức cẩn trọng khi tạo nhân”. Chúng ta tận lực hy sinh phụng hiến vì chúng sanh thì chắc chắn chúng ta sẽ có công đức, phước báu. Nếu chúng ta đến thế gian để tận hưởng, để phá hoại người thì chúng ta sẽ phải nhận nhân quả rất đáng sợ! Trên Kinh Phật nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát rất cẩn trọng trong khởi tâm động niệm, các Ngài suy xét kỹ nếu tạo nhân này thì sẽ phải nhận quả báo hay không. Chúng sanh tùy tiện tạo nhân, khi quả đến thì họ khiếp sợ. Chúng sanh làm theo sự ưa thích của mình nên họ tùy tiện tạo tác tội nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tạo ra nhân chướng ngại người khác vậy thì trong tương lai chúng ta nhất định phải nhận quả báo chướng ngại người khác”. Vấn đề này, chúng ta nghe vài trăm lần, vài ngàn lần nhưng chúng ta cũng chưa thể hiểu thông suốt, chúng ta vẫn chưa làm được.

Hòa Thượng nói: “Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. “Tiền định” là ai định cho chúng ta vậy? Chính là nhân mà chúng ta đã tạo đã định ra quả cho chúng ta”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều là do tiền định, tất cả đều là nhân trước, quả sau. Chúng ta vẫn âm thầm oán trời, trách người, vì chúng ta cho rằng chúng ta làm nhiều việc thiện nhưng chúng ta gặp nhiều chướng ngại, còn người khác làm nhiều việc ác nhưng họ không gặp chướng ngại. Chúng ta không biết rằng, trong đời này và cả trong đời quá khứ, khởi tâm động niệm của chúng ta luôn là chướng ngại người. Chúng ta quán chiếu, khởi tâm động niệm của chúng ta có đang giúp đỡ, thành toàn cho mọi người không? Chúng ta bình lặng quán sát thì chính chúng ta sẽ nhận ra. Nếu chúng ta luôn thành toàn, giúp người vượt chướng ngại thì đời sống của chúng ta sẽ giảm đi chướng ngại.

Chúng ta phải tích cực tạo nhân thiện. Tôi nghe theo lời Hòa Thượng nên tôi luôn phấn chấn, tích cực làm việc giúp ích cho người. Tôi không nề hà khó khăn, không sợ thiệt thòi, lời lỗ. Những việc tôi đã làm nhiều năm qua đang ngày càng diễn ra tốt hơn. Chúng ta càng cho đi thì mọi việc trong đời sống của chúng ta càng hanh thông. Ban đầu, khi bắt đầu làm, chúng ta tưởng chừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau đó, chúng ta sẽ cảm thấy mọi việc dễ dàng.

Cả đời Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta, chúng ta chỉ cần cố gắng tích cực làm theo. Những việc này là cơ hội để chúng ta tích công, bồi đức, làm hành trang để chúng ta đi đến cõi Tịnh Độ. Phật đã nói trong “Kinh A Di Đà”: “Đâu phải thiện căn, phước đức nhân duyên ít mà về được nước kia”. Thiện căn, phước đức của chúng ta phải tối thắng thì chúng ta mới về được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Người phước về đất phước, thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là đất phước. Chúng ta lười biếng, chểnh mảng, chúng ta không tích cực để được làm “người phước” vậy thì chúng ta không thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Những người không thể làm được việc gì khác thì họ chỉ cần niệm một câu “A Di Đà Phật” là họ đã có phước báu vô lượng. Chúng ta “sức dài, vai rộng” nhưng chúng ta thường lười biếng, sợ khó, sợ khổ nên chúng ta không muốn làm. Thích Ca Mâu Ni Phật suốt 49 năm bôn ba khắp nơi để giảng Kinh, nói pháp, Ngài không có một ngày nghỉ ngơi. Đất nước Ấn Độ thời tiết rất khắc nghiệt, có những ngày nắng đến cháy da nhưng cũng có những ngày lạnh đến cắt da cắt thịt. Hòa Thượng nói: “Các vị tra trong Kinh xem Thích Ca Mâu Ni Phật có ngày nào nghỉ hè không?”. Lúc bình thường, Thích Ca Mâu Ni Phật nói pháp cho người thế gian nghe, khi vào Định thì Ngài nói pháp cho Thiên nhân, cho Bồ Tát nghe. Thích Ca Mâu Ni Phật là tấm gương sáng nhất cho chúng ta noi theo, cả cuộc đời Ngài đã tích công, bồi đức.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook