131Thứ Sáu, 12/05/2023, 15:34
44 · Chương III - Tử Sanh Việc Lớn - Sự Đáng Sợ Của Luân Hồi

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 12/05/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG III: TỬ SANH VIỆC LỚN”

SỰ ĐÁNG SỢ CỦA LUÂN HỒI (PHẦN MỘT)

Nhiều người thế gian không biết đến luân hồi thậm chí họ bài bác luân hồi. Họ cho rằng người tin vào luân hồi thì sẽ phải luân hồi, người không tin vào luân hồi thì sẽ không phải luân hồi. Đây là quan niệm sai lầm! Chúng ta tin hay không tin thì luân hồi vẫn tồn tại. Gần đây có những nhà thôi miên sâu đã tiến hành thôi miên để giúp con người nhớ lại các tiền kiếp của mình. Những người được thôi miên đã nhớ lại các kiếp trước họ đã ở đâu, nói ngôn ngữ gì từ những thực tế này mà các nhà khoa học cũng đã tin rằng có luân hồi. Chúng ta đã tin vào luân hồi vậy thì chúng ta đã dụng tâm học Phật như thế nào? Đạo nghiệp của chúng ta có tiến bộ theo thời gian không? Chúng ta chân thật tu trì thì chúng ta mới có thể thoát khỏi sinh tử, vượt khỏi tam giới. Nếu chúng ta không thể thoát khỏi sinh tử thì đời này chúng ta đã uổng phí!

Hòa Thượng nói: “Cho dù chúng ta niệm Phật, tu phước hơn người nhưng chúng ta không thể thoát khỏi sinh tử thì chúng ta sẽ tạo thành oán nghiệp cho đời thứ ba. Đời này chúng ta niệm Phật, tu phước, đời sau chúng ta sẽ được hưởng phước. Chúng ta hưởng phước thì chúng ta sẽ lại tạo nghiệp vậy thì đời sau nữa chúng ta lại phải thọ khổ báo. Những người đại phú quý đều là đời trước đã từng ở trong nhà Phật để niệm Phật, tu phước nhưng không thể liễu thoát sinh tử. Đời này, họ có quyền lực, có tiền nên họ làm càn, làm quấy, họ sẽ tạo tác tội nghiệp nhiều hơn rất nhiều so với người bình thường”.

Chúng ta tu phước thì đời sau chúng ta chắc chắn có phước, chúng ta có phước thì chúng ta sẽ hưởng phước, đa phần chúng ta hưởng phước thì chúng ta sẽ làm những việc hồ đồ. Có những pháp hội, người muốn thắp cây hương đầu tiên thì sẽ phải trả 200.000đ, người thắp cây hương thứ hai phải trả 100.000đ, người thắp cây hương thứ ba thì phải trả 50.000đ, ai cũng muốn mình là người thắp cây hương đầu tiên. Những người tham gia đấu giá để được thắp cây hương đầu tiên là vì họ muốn thể hiện cho mọi người thấy họ là người đại thí chủ, đại cúng dường, họ làm với tâm “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta làm vì “cái ta” là chúng ta đang tạo nghiệp bất tịnh, chúng ta tạo nghiệp luân hồi. Nhà Phật nói: “Nếu niệm Phật, tu phước mà không vượt thoát sinh tử vậy thì tam thế oan”. “Tam thế oan” là chúng ta tạo thành oán nghiệp ở đời thứ ba.

Trước đây, Hòa Thượng nói: “Tôi sinh ra ở thôn quê, một tháng mới được ăn thịt một lần. Chúng tôi rất hiếm có cơ hội sát sanh còn những người giàu sang thì họ ngày ngày sát sinh”. Có một người làm kinh doanh rất giàu có, khi có thời gian rảnh, ông thường thuê tàu đi ra biển để câu những con cá to, sau một thời gian ông bị mắc bệnh ung thư vòm họng. Người có địa vị, tài sản thì họ rất dễ làm càn, làm quấy, làm theo sở thích riêng nên tội nghiệp họ tạo ra nhiều hơn rất nhiều so với người bình thường.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải có tầm nhìn xa, người chân thật giác ngộ, chân thật hiểu rõ thì phải có mục tiêu là liễu thoát sinh tử. Chúng ta niệm Phật, học Phật, mục đích tối hậu đó là chúng ta phải vượt thoát sinh tử, ra khỏi tam giới. Nếu chúng ta không thể vượt thoát sinh tử, ra khỏi tam giới thì không còn có việc gì đáng bàn!”. Ở thế gian này, không có việc gì đáng để chúng ta bận tâm! Hàng ngày, chúng ta thiệt thòi một chút cũng không sao, tất cả đều là cơ hội để chúng ta tích công, bồi đức. Người thế gian thường cho rằng họ bị thiệt thòi nên họ oán trời, trách người, họ cho rằng họ xứng đáng có được nhiều hơn. Người học Phật biết rằng đó là cơ hội để chúng ta tích công, bồi đức, tái tạo phước báu, cơ hội để chúng ta trả những món nợ mà chúng ta đã vay. Chúng ta có thời gian dài thâm nhập Phật pháp thì chúng ta mới có sự thể hội sâu sắc, chúng ta mới có thể nhìn thấu, buông xuống được! Chúng ta thể hội được sâu sắc thì chúng ta sẽ dễ dàng buông xả như Phật Bồ Tát đã làm!

Hòa Thượng thường nói: “Nhiều một việc không bằng ít đi một việc, ít đi một việc không bằng không việc gì, để chúng ta có thời gian lão thật niệm Phật”. Nếu chúng ta làm nhiều việc mà chúng ta phiền não vậy thì chúng ta làm ít đi một việc thì sẽ tốt hơn. Chúng ta làm ít đi một việc mà chúng ta vẫn phiền não vậy thì chẳng bằng chúng ta không làm việc gì để tâm chúng ta rỗng rang niệm Phật. Nếu chúng ta không làm việc vì Phật pháp, vì lợi ích chúng sanh nhưng trong tâm chúng ta vẫn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vậy thì chúng ta có ít việc không? Tâm chúng ta vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vậy thì tâm của chúng ta vẫn nhiều việc. “Ít việc” là ít việc phiền hà trong nội tâm của chúng ta. Chúng ta làm tất cả những việc lợi ích chúng sanh nhưng trong tâm chúng ta không vướng bận. Nếu chúng ta hiểu sai câu nói này thì chúng ta sẽ là người chỉ “độc thị kỳ thân”. Chúng ta chỉ muốn tốt cho bản thân, không muốn mang cái tốt ra để phổ biến cho thế nhân.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook